Thịt lợn rừng lai – đặc sản của vùng Tân Sơn, Phú Thọ

Với hương vị thơm ngon, tỷ lệ nạc lên tới 90%, thịt lợn rừng lai ngày càng được nhiều người ưa chuộng. Đặc sản này luôn trong tình trạng “cháy hàng” vào các dịp lễ Tết.

Tại huyện Tân Sơn, Phú Thọ, nghề nuôi lợn rừng lai đang là hướng đi tiềm năng đối với nhiều hộ gia đình. Người dân nơi đây nuôi lợn theo phương thức bán tự nhiên nên chúng rất khỏe mạnh và linh hoạt. Họ đã cho lai lợn rừng đực thuần chủng với lợn nái địa phương để ra thế hệ lợn con sở hữu nhiều đặc tính nổi trội như sức đề kháng cao, thích nghi tốt với môi trường sống tự nhiên, ít bệnh dịch… Song song với việc tạo nguồn giống ưu thế, bà con nơi đây cũng chú trọng tới phương thức chăm nuôi để lợn sinh trưởng tốt.

thịt lợn rừng lai vùng phú thọ

Thịt lợn rừng lai được nhiều người tiêu dùng ưa chuộng. Ảnh: Bizmedia.

Hệ thống chuồng trại được bà con đặt ở những nơi nền đất cao và dưới tán cây có bóng mát. Chuồng nuôi luôn đảm bảo có mái che, thoáng mát vào mùa hè, ấm áp về mùa đông. Hàng ngày, người dân thường xuyên tắm rửa cho lợn và vệ sinh chuồng trại cẩn thận, nhờ vậy, đàn lợn khỏe mạnh, đề kháng tốt, ít bệnh.

Bản chất của giống lợn rừng lai này là hoang dã nên chúng rất thích chạy nhảy. Do vậy, ngoài thời gian nuôi nhốt trong chuồng, lợn còn được thả rong tại các khu vực có đất vườn đồi rộng, xa khu dân cư.

Một trong những đặc điểm nổi bật của lợn rừng lai Tân Sơn là chúng chỉ “ăn chay”. Chế độ ăn của lợn khá đơn giản gồm 90% là chất xơ (rau xanh, thân cây chuối) có sẵn trong vườn nhà, 10% còn lại là cám ngô hoặc cám gạo. Trong quá trình nuôi, người dân tuyệt đối không cho lợn ăn cám công nghiệp vì chúng sẽ bị yếu, chạy nhảy kém linh hoạt, khiến thịt không săn chắc.

Định kỳ 6 tháng một lần, bà con tổ chức tiêm phòng tiêu chảy và tẩy giun cho cả đàn lợn. Khi lợn con một tuần tuổi thì được tiêm bổ sung chất sắt để tránh thiếu máu, suy dinh dưỡng… Toàn bộ số dược phẩm chăn nuôi này đều được mua tại các cơ sở bán thuốc thú y có giấy phép đăng ký kinh doanh trên địa bàn huyện. Thời gian cách ly lợn sau khi tiêm phải đảm bảo ít nhất một tháng trước khi đưa đi tiêu thụ.

Nhờ những biện pháp chăn thả an toàn, gần với thiên nhiên, thịt lợn rừng lai của huyện Tân Sơn, Phú Thọ ngày càng được các thực khách trong và ngoài tỉnh ưa chuộng. Với việc phát triển giống lợn này, bà con Tân Sơn vừa có thể tăng nguồn thu nhập cho gia đình lại góp phần quảng bá rộng rãi cho món ăn đặc sản của địa phương. Quan trọng hơn, đó là nguồn thực phẩm sạch, đảm bảo an toàn.

Như Quỳnh