Hơn 500 tấn ca cao Vũng Tàu đạt tiêu chuẩn xuất khẩu

Từ 70ha vùng nguyên liệu được chứng nhận UTZ, mỗi năm, khoảng 548 tấn ca cao Vũng Tàu được xuất khẩu sang Hà Lan, Mỹ, Nhật Bản…

Năm 2004, cây ca cao được trồng ở huyện Châu Đức, Tân Thành, tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu theo chương trình “Phát triển ca cao bền vững cho các hộ nông dân tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu”. Giống cây do Đại học Nông Lâm TP HCM cung cấp.

Châu Đức, Xuyên Mộc, Tân Thành là những huyện có nền đất giàu dinh dưỡng, nhiệt độ trung bình năm đạt 27 độ C, thuận lợi cho cây ca cao sinh trưởng. Tuy nhiên, mùa mưa kéo dài 6 tháng khiến loại cây này dễ mắc bệnh thối quả. Để khắc phục tình trạng, bà con được cung cấp giống TD3, TD6, TD9 cải tiến với tỷ lệ hạt nhiều (khoảng 40 hạt mỗi quả), năng suất cao (trung bình 3 tấn hạt trên một ha) và kháng được bệnh thối quả.

Bên cạnh đó, chi phí trồng ca cao thấp hơn tới 50% so với cà phê, hồ tiêu nên chúng nhanh chóng trở thành cây trồng chủ lực. Đến nay, tổng diện tích ca cao toàn tỉnh đạt hơn 1.200ha.

Giống ca cao TD3, TD6, TD9 tại Bà Rịa – Vũng Tàu cho năng suất cao, kháng thối quả. Ảnh: Bizmedia.

Nhận thấy nguồn ca cao tại địa phương đạt chất lượng tốt, năm 2010, Công ty TNHH ca cao Thành Đạt vận động bà con tham gia lớp tập huấn, áp dụng quy trình sản xuất theo tiêu chuẩn UTZ (chương trình phát triển bền vững cho cà phê, ca cao và chè, hợp tác cùng các thương hiệu hiện có). Từ đây, vùng nguyên liệu ca cao chất lượng, cho sơ chế thành ca cao lên men phục vụ xuất khẩu hình thành.

Theo tiêu chuẩn UTZ, nông dân dần thay đổi thói quen canh tác, từ khâu làm đất, tưới nước và chăm sóc theo đúng quy trình, thời gian, bón phân, dùng thuốc trừ sâu đúng loại, đúng liều. Đồng thời, người trồng phải ghi chép nhật ký làm căn cứ cho tổ chức thu mua truy tìm nguồn gốc.

Thời gian thu hoạch ca cao tươi tập trung chủ yếu vào mùa khô, thường từ cuối tháng 11 đến tháng 6 năm sau, thuận tiện cho phơi khô, lên men.

Năm 2011, 122ha ca cao của 195 hộ nông dân huyện Châu Đức được tổ chức chứng nhận ca cao toàn cầu Solidaridad cấp chứng nhận đạt tiêu chuẩn UTZ. Công ty TNHH ca cao Thành Đạt ký hợp đồng bao tiêu toàn bộ ca cao của bà con đã đạt chuẩn. Giá thu mua là 5.000 đồng một kg trái tươi và 60.000 đồng một kg hạt khô lên men.

Các sản phẩm chế biến từ cao cao được xuất khẩu sang nhiều thị trường. Ảnh: Ánh Tuyết.

Cuối năm 2014, công ty xây dựng nhà máy chế biến nguyên liệu đạt chuẩn ISO 22000 tại xã Xà Bang với tổng vốn đầu tư 30 tỷ đồng để thuận tiện cho việc thu mua. Toàn bộ dây chuyền sản xuất, lên men ca cao đều nhập khẩu từ Đức.

Ca cao sau khi thu mua được chế biến thành hạt ca cao lên men, xuất sang Hà Lan, Mỹ mỗi năm 200 tấn. Hạt ca cao rang, thổi vỏ (cocoa nibs) và ca cao nhão (coca mass) xuất đi Hàn Quốc và Nhật Bản với sản lượng 29 tấn mỗi tháng.

Anh Trịnh Văn Thành – Giám đốc công ty TNHH ca cao Thành Đạt cho biết, các bạn hàng quốc tế đánh giá ca cao Vũng Tàu có chất lượng cao, sau ca cao Bờ Biển Ngà. Nhu cầu đặt hàng của công ty cũng đang tăng nhanh trong khi vùng nguyên liệu chưa đủ cung. Khó khăn của những nhà xuất khẩu ca cao hiện nay là chất lượng hạt ca cao thô, hạt lên men cần nâng cao, truy xuất nguồn gốc rõ ràng và vùng nguyên liệu đạt tiêu chuẩn còn ít.

Hiện, diện tích trồng ca cao đạt chứng nhận UTZ tại Vũng Tàu còn 70 ha. Một phần do người dân chuyển đổi sang cây trồng khác, một phần do trồng ca cao UTZ phải tuân thủ nhiều quy trình khắt khe.

Anh Thành cho biết thêm, tiêu chuẩn UTZ không phải là chìa khóa duy nhất để đưa ca cao Việt Nam ra thế giới. Nông dân có thể sản xuất hữu cơ hay theo VietGAP… để mang lại sản phẩm tốt, năng suất với giá thu mua cao. Điều quan trọng là nông dân kiên trì và tuân thủ đúng các tiêu chuẩn khi trồng, chăm sóc.

Xem thêm quy trình chế biến bột ca cao trong clip sau: