Sản xuất viên nén phân trùn quế, đồng hành nông nghiệp hữu cơ

Từ nuôi trùn quế bán thịt và bán sinh khối giống, anh Hà tiến tới sản xuất viên nén phân trùn quế, hướng đi thuận với xu hướng nông nghiệp thân thiện với môi trường…

Trước đây, anh Phan Trọng Hà (sinh năm 1992) ở thôn Thượng Sơn, xã Tây Thuận (huyện Tây Sơn, Bình Định) làm thợ điện ở TP.HCM, chuyên bảo trì hệ thống điện của các khách sạn. Sau khi hoàn thành nghĩa vụ quân sự, Hà về lại quê mở tiệm buôn bán đồ điện và khởi nghiệp làm nông nghiệp trên mảnh đất quê hương.

Ban đầu, trên vùng đất bán sơn địa, anh Hà trồng 2 sào măng tây (500m2/sào) kết hợp nuôi trùn quế. Khi ấy giá măng tây khá cao, nhưng do trồng diện tích nhỏ, lại bị ảnh hưởng gió bão nên cho hiệu quả kém, mô hình nuôi trùn quế cũng ở trong giai đoạn làm thử nghiệm nên chưa cho thu nhập.

Anh Phan Trọng Hà đang ép viên nén phân trùn quế. Ảnh: Đ.T.

Anh Phan Trọng Hà đang ép viên nén phân trùn quế. Ảnh: Đình Thung.

“Ban đầu, tôi nuôi trùn quế với quy mô nhỏ, chỉ để lấy trùn tươi nuôi gà, vịt và lấy phân bón cho cây cối trong vườn. Khi ấy, theo dõi thông tin qua báo chí, tôi nhận ra xu hướng sản xuất nông nghiệp sạch, an toàn, thân thiện với môi trường ngày càng chiếm ưu thế. Theo đó, tôi nhận định nhu cầu về phân hữu cơ ngày càng có vai trò quan trọng trong sản xuất nông nghiệp. Thế nên tôi quyết định đầu tư sâu vào nuôi trùn quế và tiến tới làm viên nén phân trùn quế để cung ứng cho sản xuất nông nghiệp hữu cơ”, anh Hà chia sẻ.

Để học kỹ thuật nuôi trùn quế, anh Hà ra tận miền Bắc, đến các trang trại nuôi trùn quế lớn ở tỉnh Phú Thọ để tham quan, học hỏi. Ngoài ra, anh còn học thêm qua hướng dẫn của các nhà chuyên môn trên mạng Internet. Sau khi nắm được kỹ thuật nuôi trùn quế, cuối năm 2021, anh quyết định xây dựng trang trại và mua sinh khối giống từ các trang trại nuôi trùn quế ở Phú Thọ về nuôi.

Phân trùn quế trước khi được ép thành viên nén. Ảnh: Đ.T.

Phân trùn quế trước khi được ép thành viên nén. Ảnh: Đình Thung.

Theo anh Hà, khu vườn của gia đình nơi anh xây dựng trang trại nuôi trùn quế nằm ở khu đất trống, sợ gió bão xô ngã nên anh đầu tư khá bài bản. Chuồng nuôi trùn quế của anh không dựng bằng cột tre và bao bạt xung quanh như chuồng nuôi ở những nơi khuất gió, mà sử dụng sắt để làm trụ khung cho chắc chắn. Tuy nhiên, mức đầu tư cũng chẳng bao nhiêu, chỉ 270.000đ/m2. Với diện tích 100m2, anh chỉ tốn 27 triệu đồng là đã có thể khởi nghiệp.

Trên nền đất nuôi trùn quế, anh Hà bố trí nhiều lớp để tạo sự thông thoáng. Ở dưới cùng, anh trải một lớp bạt để ngăn rễ cây trong vườn xâm nhập vào chuồng nuôi. Bên trên lớp bạt anh trải một lớp cát dày khoảng 12cm. Bên trên lớp cát là 2 lớp lưới mắt nhỏ 1 milimet để ngăn trùn chui qua lưới “trốn” xuống đất, cũng như ngăn các sinh vật khác chui vào khu nuôi trùn quế. Bên trên lớp lưới là sinh khối trùn giống với mật độ từ 25 – 35kg/m2.

“Khí hậu ở Bình Định nắng nóng chiếm phần lớn thời gian trong năm, đây là yếu tố bất lợi của việc nuôi trùn quế so với các tỉnh miền Bắc. Do đó, trên mái tôn chuồng nuôi, tôi phải cho dây leo bò lên phủ dày để ngăn bớt nắng nóng. Mùa nắng gắt, tôi còn bơm nước lên mái tôn để làm dịu bớt cái nóng. Trong chuồng nuôi cũng bơm nước để giữ ẩm. Đáy chuồng nuôi phải tạo sự thông thoáng bằng những lớp cát, lưới để nước tưới giữ ẩm rút được, chứ nuôi trên nền xi măng nước rút không được sẽ làm nhão phân trùn quế”, anh Hà chia sẻ.

Phân trùn quế được ép thành viên nén có kích cỡ từ 8 ly đến 1 phân/viên. Ảnh: Đ.T.

Phân trùn quế được ép thành viên nén có kích cỡ từ 8 ly đến 1 phân/viên. Ảnh: Đình Thung.

Sinh khối trùn giống anh Hà mua ở những trang trại nuôi trùn quế lớn ở tỉnh Phú Thọ với giá 35.000đ/kg. Theo anh Hà, trong sinh khối trùn giống gồm có phân trùn, kén trứng trùn quế, trùn con và trùn trưởng thành. Từ khi thả sinh khối trùn giống vào nuôi, khoảng 1 tháng rưỡi sau là có thể thu hoạch trùn tinh đã trưởng thành bán cho những hộ chăn nuôi gà, vịt. Khi ấy, trong sinh khối trùn giống còn có kén trứng và trùn con tiếp tục trưởng thành, khoảng 1 tháng rưỡi sau lại tiếp tục thu hoạch trùn tinh, cứ thế xoay vòng. Từ khi bỏ sinh khối giống trùn quế vào nuôi, khoảng 4 tháng sau là có thể thu hoạch phân.

Trước đây, phân trùn quế anh Hà chỉ bán cho nông dân bón rau, hoa và cây trồng. Bây giờ, anh mua máy ép để sản xuất viên nén phân trùn quế. Sau khi thu hoạch phân, anh Hà sàng lọc phân trùn quế qua máng để lọc tạp chất, phân tinh còn lại được cho vào máy để ép thành những viên nén có kích cỡ từ 8 ly đến 1 phân/viên.

“Trong thời gian 1 tháng, trang trại nuôi trùn quế có diện tích 100m2 của tôi thu hoạch gần 6 tấn phân, ép được khoảng 2.400kg viên nén phân trùn quế. Chỉ trong 2 tháng gần đây, tôi đã sản xuất được hơn 3 tấn phân trùn quế viên nén, thu hoạch 50kg trùn thịt và 500kg sinh khối giống”, anh Hà chia sẻ.