Trở thành tỷ phú từ mô hình trồng bưởi sạch ở Đồng Nai

Ở huyện Trảng Bom (tỉnh Đồng Nai), thế mạnh kinh tế vườn đang được nông dân phát huy nhằm tạo đột phá trong phát triển kinh tế – xã hội và xây dựng nông thôn mới. Nhiều nông dân nhờ đi tiên phong trong lĩnh vực này mà có được cơ nghiệp bền vững.

Mấy năm trở lại đây, nhờ đầu ra ổn định, nhu cầu của thị trường lớn và hiệu quả kinh tế mang lại khá cao, nhiều nhà vườn trên địa bàn huyện Trảng Bom (Đồng Nai) đã mạnh dạn chuyển đổi các diện tích cây trồng hiệu quả kinh tế thấp như cây cà phê, hồ tiêu và một số cây trồng khác sang trồng cây bưởi da xanh.

Cựu chiến bình Trần Quang Vinh vượt qua gian khó, làm giàu từ cây bưởi da xanh.

Cựu chiến bình Trần Quang Vinh vượt qua gian khó, làm giàu từ cây bưởi da xanh.

Trong đó, các xã trồng bưởi da xanh tập trung với diện tích lớn là Bàu Hàm, Sông Thao, Cây Gáo…

Thu tiền tỷ mỗi năm nhờ trồng bưởi sạch

Sau khi trở về từ chiến trường Tây Nam, cựu chiến binh Trần Quang Vinh đã chọn an cư tại ấp Tân Việt, xã Bàu Hàm (huyện Trảng Bom). Phát huy tinh thần “bộ độ cụ Hồ”, bằng đôi tay, khối óc của mình ông đã vượt qua gian khó, vươn lên làm giàu chính đáng từ cây bưởi da xanh.

Còn nhớ cách đây gần 20 năm, khi nhiều nông dân trong vùng còn đang “say sưa” với cây chôm chôm, tiêu, cà phê thì gia đình cựu chiến binh Trần Quang Vinh đã mạnh dạn đưa giống bưởi da xanh về trồng. Gia đình ông là một trong những người tiên phong trồng bưởi tại vùng này theo hình thức chuyên canh.

Điểm nổi bật trong mô hình trồng cây bưởi của ông Trần Quang Vinh là áp dụng tốt các tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất, hạn chế sử dụng phân thuốc hóa học, ưu tiên dùng phân bón hữu cơ, phân vi sinh cho cây bưởi.

Đặc biệt, để cho vườn bưởi cho trái quanh năm, ông Vinh áp dụng biện pháp cắt tỉa cành, thay vì phải phun thuốc “xử lý” như nhiều nông dân khác. Phương pháp này, năng suất trái bưởi đạt cao, không làm ảnh hưởng môi trường, kéo dài tuổi thọ của cây.

Ông Trần Quang Vinh cho biết, ngoài việc trồng bưởi theo đúng tiêu chuẩn VietGAP, việc xây dựng được thương hiệu sẽ là cơ hội lớn để sản phẩm bưởi da xanh của địa phương mở rộng thị trường.

Cụ thể, khi người tiêu dùng biết đến nguồn gốc sản xuất bưởi, từ đó các nhà vườn trồng bưởi da xanh tại Trảng Bom sẽ có cơ hội mở rộng sản xuất, cơ hội tiêu thụ cũng nâng lên, giá bán cũng được cao hơn. Do đó, gia đình ông Vinh đã chủ động xây dựng thương hiệu bưởi da xanh Quỳnh Như của gia đình.

Ông Vinh chia sẻ: “Xây dựng thương hiệu trái cây không thể chỉ dựa vào nỗ lực của một doanh nghiệp hay cá nhân đơn lẻ, mà các cấp, ngành, địa phương cần định hướng, tính toán lại quy hoạch vùng; vùng nào phù hợp với loại cây ăn trái gì để có chiến lược lâu dài, tránh trồng theo phong trào”.

Vì lựa chọn đúng cây trồng, hướng tới sản phẩm đảm bảo chất lượng và xây dựng thương hiệu riêng nên nhiều năm qua, vườn bưởi của gia đình ông Vinh đã cho thu lời 600-700 triệu đồng/hécta/năm.

Không làm giám đốc vẫn thu tiền tỷ

Cũng tại ấp Tân Lập, xã Bàu Hàm anh Lầu Sy Sương là thanh niên hiếm hoi người dân tộc Nùng trong vùng theo học đại học. Thế nhưng sau ngày tốt nghiệp, từ bỏ công việc của một kỹ sư công nghệ thông tin, từ bỏ chức giám đốc doanh nghiệp dưới thành phố, anh trở về trồng vườn bưởi da xanh làm giàu.

Từ bỏ công việc làm kỹ sư công nghệ, giám đốc, anh Lầu Sy Sương về quê làm giàu từ cây bưởi da xanh ở quê nhà.

Theo anh Sương, gia đình anh vốn đã có sẵn 6ha rẫy trồng các loại cây ăn quả, trong đó có một nửa diện tích trồng bưởi da xanh. Tuy nhiên, do canh tác theo lối cũ “ăn nhiều thứ” trên cùng một diện tích vườn nên dù có nhiều sản phẩm nhưng năng suất lại không cao, không có cây nào là cây trồng chủ lực. Chính vì vậy, anh Sương đã có suy nghĩ phải cải tạo lại vườn.

Nghĩ là làm, anh quyết định chặt bỏ hết các loại cây tạp và trồng tiếp 3 ha bưởi da xanh. Nhờ sản xuất theo lối chuyên canh, áp dụng khoa học kỹ thuật nên chỉ sau 1 năm, anh Lầu Sy Sương đã nâng được năng suất của vườn bưởi lên gấp đôi. Theo đó, nếu như trước đây mỗi năm 1 ha bưởi của gia đình anh chỉ cho năng suất khoảng 10 tấn, thì hiện tại đã đạt được khoảng 30 tấn.

Đặc biệt, nhờ áp dụng kỹ thuật tạo mầm bôngnên từ chỗ mỗi năm chỉ thu hoạch 2 vụ,thì giờ đây vườn bưởi da xanh của gia đình anh Sương cho thu hoạch quanh năm. Theo anh Sương: “Trước đây gia đình tôi trồng bưởi theo kiểu tự nhiên có quả thì hái bán, không có thì đành chịu vậy,nên mỗi năm chỉ thu 2 vụ (vào tháng 8 âm lịch và Tết Nguyên đán).

Tuy nhiên, khi áp dụng kỹ thuật tạo mầm bông thì cây bưởi có thể cho trái quanh năm. Sau khi cắt trái xong là mình bỏ phần liền, kết hợp tưới nước thì khoảng 1 tháng sau là cây bưởi lại ra bông (hoa). Trước đây, cắt trái xong là để vậy chờ ra quả theo tự nhiên, nó cũng ra vài bông rồi rụng nên hiệu quả không cao”.

Bên cạnh đó, nhờ những kinh nghiệm thị trường mà anh Sương dày công tìm hiểu lúc còn làm doanh nghiệp đã giúp anh nhận ra một điều “sản phẩm muốn bán được với giá cao thì phải sạch và bắt mắt”. Từ suy nghĩ đó, anh Sương đã chuyển hẳn sang sản xuất bưởi theo hướng hữu cơ. Phân hóa học chỉ được anh sử dụng cho quá trình tạo mầm bông, sau đó trong suốt quá trình nuôi trái cũng như chăm sóc cây, anh đều sửu dụng phân hữucơ để trái bưởi sạch đúng nghĩa.

Ông Trần Lâm Sinh, Phó Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt – bảo vệ thực vật và thủy lợi Trảng Bom (thuộc Sở NN&PTNT Đồng Nai) cho hay, cây bưởi là một trong những loại cây chủ lực theo định hưởng phát triển của tỉnh Đồng Nai. Hiện nay, cây bưởi da xanh đang mang lại thu nhập cao cho người dân địa phương. Hiện nay các cơ quan chức năng của tỉnh cũng đang kêu gọi các doanh nghiệp tham gia xây dựng cánh đồng lớn trên cây bưởi nhằm giúp người trồng bưởi phát triển theo hướng bền vững.

“Ngoài kêu gọi doanh nghiệp tham gia cánh đồng lớn với cây bưởi, hiện chúng tôi cũng đang phối hợp với các đơn vị kết nối người trồng bưởi với các chủ vựa tại chợ đầu mối nông sản thực phẩm Dầu Giây để có thêm đầu ra cho sản phẩm”, ông Sinh cho biết thêm.