Từ vệ sĩ thành giám đốc công ty nuôi ốc nhồi

Nhờ nghề nuôi ốc nhồi, anh Bùi Xuân Bình (Thanh Hóa) có thu nhập vài tỷ đồng mỗi năm. Anh đang sở hữu một công ty chuyên về ốc với khối tài sản nhiều người mơ ước khi ở tuổi 34.

“Bén duyên” với ốc nhồi sau… bữa nhậu

Chúng tôi ghé thăm cơ sở nuôi ốc nhồi của anh Bùi Xuân Bình (SN 1987), ở phố Phong Lượng, thị trấn Tân Phong (huyện Quảng Xương, Thanh Hóa) khi gia đình đang bận rộn cho việc hoàn thiện căn biệt thự bạc tỷ.

“Đây cũng chính là thành quả sau nhiều năm “làm bạn với ốc nhồi”. Tôi không ngờ cuộc đời bôn ba khắp nơi nay lại trở về khởi nghiệp ngay chính quê hương mình”, anh Bình chia sẻ.

Từ vệ sĩ thành giám đốc công ty nuôi... ốc nhồi - 1

Anh Bình kể, năm 2005, khi đó anh vừa tròn 18 tuổi thì bắt đầu rời quê hương để vào Nam học nghề vệ sĩ. Sau khi học được nghề, anh trở thành nhân viên vệ sĩ tại Sài Gòn. Làm thuê được 4 năm thì anh rời Sài Gòn về Hà Nội thành lập công ty riêng.

Có chỗ đứng, công ty vệ sĩ của chàng trai trẻ lúc bấy giờ làm ăn khá thuận lợi ở vùng đất Thủ đô với mức thu nhập ổn định. Thế nhưng, tình cờ một lần đi liên hoan cùng bạn bè, anh vô tình biết đến giá trị kinh tế cao mà con ốc nhồi mang lại, thế là anh quyết định làm thêm nghề “tay trái” bằng việc nuôi ốc nhồi.

Từ vệ sĩ thành giám đốc công ty nuôi... ốc nhồi - 2

“Hôm đó, nhà hàng mà chúng tôi ăn chuyên về đồ đồng quê. Cả một nhà hàng lớn nhưng luôn trong tình trạng “cháy” ốc nhồi. Từ đó tôi nghĩ tại sao ốc nhồi bán chạy như thế mà mình không thử nuôi để kinh doanh?. Thế là tôi quyết định tìm hiểu và đi vào đầu tư nuôi ốc, xem như là một nghề tay trái”, anh Bình chia sẻ.

Nghĩ là làm, năm 2014, anh cùng cộng sự là người anh họ bắt đầu thu mua từng con ốc của người dân đi bắt ngoài đồng, rồi đem về nuôi thử nghiệm tại 2ha ao đầm ở quê nhà,

Nhớ lại ngày đầu, anh kể: “Mạng Internet ở quê lúc bấy giờ chưa thông dụng, khiến việc tìm kiếm những thông tin về nuôi ốc nhồi cũng rất khó khăn. Phải mất gần 1 năm chúng tôi mới nghiên cứu được các thuộc tính rồi thức ăn hằng ngày cho ốc nhồi. Đó là cả một quá trình gian nan với chúng tôi”.

Từ vệ sĩ thành giám đốc công ty nuôi... ốc nhồi - 3

Năm 2015, sau khi đã thử nghiệm thành công những con ốc đầu tiên, anh Bình quyết định rót vốn cải tạo lại ao cá, xây bể xi măng rồi bắt đầu nuôi ốc nhồi. Thành công ngoài mong đợi: Ngay vụ đầu tiên, những con ốc nhồi tại trang trại đã mang về thu nhập cho anh và cộng sự gần 100 triệu đồng.

Kể từ đó, từ một, hai rồi nhiều chuồng trại được mở rộng, mô hình nuôi ốc của gia đình anh phất lên trông thấy. Trang trại ốc ngày nào giờ đã phát triển mạnh mẽ thành Công ty TNHH Thiên Bảo với thu nhập vài tỷ đồng mỗi năm.

Từ vệ sĩ thành giám đốc công ty nuôi... ốc nhồi - 4

“Có được như ngày hôm nay phải kể đến công lớn của người cộng sự sát cánh cả một quá trình gian nan với tôi. Đó là anh Bùi Văn Hải – người anh họ nhưng cũng là người cùng tôi tâm huyết tạo nên cơ ngơi ngày hôm nay”, anh Bình tâm sự.

Thu nhập vài tỷ đồng mỗi năm

Sau 7 năm khởi nghiệp, Công ty của anh Bình đang phát triển theo hướng vừa cung cấp con giống cho bà con nuôi, vừa thu mua đầu ra với số lượng lớn. Anh đang vận hành hệ thống nuôi trồng gồm 7 chi nhánh lớn, hơn 300 trại nuôi lẻ (liên kết) ở Thanh Hóa và nhiều tỉnh thành khác như: Nghệ An, Đà Nẵng, Khánh Hòa, Bình Định, Ninh Bình…

Theo vị giám đốc 8X chia sẻ, ốc nhồi thịt bắt đầu mùa thu hoạch từ tháng 6 đến tháng 12 (âm lịch), mùa thu hoạch ốc giống bắt đầu từ tháng 4 đến tháng 10 âm lịch. Thời điểm vào vụ, trung bình mỗi tháng trang trại của anh thu mua từ các chi nhánh và trại lẻ rồi xuất bán ra thị trường khoảng 10 tấn ốc thịt và 200 vạn ốc giống.

Từ vệ sĩ thành giám đốc công ty nuôi... ốc nhồi - 5

Với giá bán khoảng 100 – 120 nghìn đồng/kg ốc thịt, 500 đồng/con ốc giống, trừ chi phí anh thu về khoảng 3 tỷ đồng mỗi năm. Thị trường chủ yếu mà anh hướng tới là các tỉnh phía Bắc, nhiều nhất vẫn là Hà Nội và Thanh Hóa.

Bật mí về kinh nghiệm nuôi ốc nhồi thịt, anh Bình cho hay: “Nuôi ốc nhồi thịt phụ thuộc rất nhiều vào thời tiết. Nắng mưa thất thường rất dễ gây bệnh cho ốc. Ngoài ra, nuôi ốc nhồi đòi hỏi phải có kinh nghiệm, hiểu được thuộc tính sinh trưởng phát triển của con ốc. Thông thường, ốc nhồi rất ưa môi trường sạch sẽ, vì vậy việc đảm bảo vệ sinh chuồng trại là rất quan trọng trong quá trình nuôi”.

Từ vệ sĩ thành giám đốc công ty nuôi... ốc nhồi - 6

Từ vệ sĩ thành giám đốc công ty nuôi... ốc nhồi - 7

Theo anh Bình, loại hàng “siêu lợi nhuận” nhất bây giờ mà trang trại anh đang cung cấp đó chính là ốc giống. Do nhu cầu ốc giống hiện nay ngày một nhiều, nguồn cung lại khan hiếm nên hầu hết những con ốc giống của gia đình anh luôn “cháy hàng”.

Mặt khác, thời gian nuôi ốc giống cũng ngắn nên đây là mặt hàng đem lại hiệu quả kinh tế cao. Vào vụ sinh sản, trứng ốc sau khi đẻ sẽ được thu gom rồi đem ấp, sau 15 – 20 ngày ốc sẽ nở. Ốc con sau nở được nuôi trong bể từ 20 – 30 ngày tuổi là có thể bán.

Những năm qua, mô hình nuôi ốc của gia đình anh Bình nhanh chóng trở thành gương kinh tế điển hình ở địa phương. Học hỏi được kinh nghiệm nuôi ốc nhồi của gia đình anh Bình, nhiều người dân tại địa phương đã có mức thu nhập ổn định và trở thành nguồn cung cấp hàng quanh năm cho anh.

Khoảng 30 hộ dân tại địa phương nơi anh sinh sống đang thực hiện thành công mô hình này. Ngoài ra, trang trại ốc của anh Bình còn tạo công ăn việc làm cho 7 lao động chính và 5 lao động thời vụ tại địa phương với mức lương từ 8 – 12 triệu đồng/tháng.

Bạn Nguyễn Thọ Hải, nhân viên kỹ thuật, chia sẻ: “Sau khi tốt nghiệp Đại học em có làm việc tại Hà Nội một thời gian nhưng thu nhập không đáng kể. Sau khi được anh Bình nhận về làm kỹ thuật tại trang trại em có được mức thu nhập khá ổn định. Ngoài lương cơ bản, những nhân viên như chúng em còn được giao thêm doanh số bán hàng, nếu tính tổng thu nhập cũng được 15 triệu đồng mỗi tháng”.