Phòng chống dịch bệnh cho cây trồng, vật nuôi mùa nóng

Theo dự báo, mùa hè năm nay, nhiệt độ từ tháng 5 đến tháng 10 phổ biến cao hơn trung bình nhiều năm. Đặc biệt, thời gian tới, nắng nóng có xu thế diễn biến bất thường, mức nhiệt độ này có thể kéo dài đến hết mùa hè, ảnh hưởng đến khả năng sinh trưởng, phát triển và làm giảm sức đề kháng của cây trồng, vật nuôi, tiềm ẩn nguy cơ phát sinh và lây lan dịch bệnh. Để chủ động ứng phó, ngành Nông nghiệp cùng người dân trên địa bàn đã chuẩn bị sẵn sàng các phương án để đảm bảo ổn định sản xuất.

Nông dân xã Bình Dương chăm sóc diện tích lúa đông xuân 2021. Ảnh: Thanh Tùng.
Nông dân xã Bình Dương chăm sóc lúa đông xuân 2021. Ảnh: Thanh Tùng

Tại Đông Triều, vụ đông xuân 2021 nông dân thị xã gieo trồng trên 5.200ha; trong đó có hơn 4.200ha lúa, tập trung vào các giống ngắn ngày, năng suất cao, chất lượng tốt, như: ĐT37, ĐT100, ĐT120, Bắc thơm số 7… Tuy nhiên, thời tiết giao mùa nóng ẩm, cộng thêm những đợt nắng nóng vừa qua đã tạo điều kiện phát sinh bệnh đạo ôn lá, đồng thời xuất hiện các sinh vật hại như bọ trĩ, chuột… Để đảm bảo sinh trưởng cho cây lúa trong đợt nắng nóng, Phòng Kinh tế thị xã chỉ đạo các địa phương phối hợp chặt chẽ với Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp thị xã chỉ đạo nông dân chăm sóc, tăng cường công tác kiểm tra tình hình sâu bệnh, tiến hành dặm tỉa và chăm bón thường xuyên; hướng dẫn bà con các biện pháp xử lý kịp thời, đúng kỹ thuật để vụ lúa xuân đạt năng suất, sản lượng cao.

Ông Đào Văn Ngọc, Chi cục phó Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật (Sở NN&PTNT) khuyến cáo: Tổng diện tích gieo trồng vụ đông xuân năm nay ước đạt trên 30.500ha, trong đó diện tích rau màu chiếm trên 50%. Vì vậy, người dân nên phủ rạ mặt ruộng, làm giàn che lưới đen; thường xuyên duy trì nước trong rãnh giữa các luống để làm mát đất, đảm bảo sản xuất và chất lượng nông sản. Đối với cây ăn quả, cây công nghiệp, cần tiến hành tưới nước hằng ngày hoặc ít nhất 2-3 ngày/lần. Khi tưới nước, nông dân cần thực hiện vào sáng sớm hoặc chiều mát, tuyệt đối không tưới cây giữa trưa nắng vì cây có thể bị chết do chênh lệch nhiệt hoặc khúc xạ nhiệt.

Người dân xã Quảng Tân, huyện Đầm Hà đảm bảo chế độ dinh dưỡng, tăng sức đề kháng cho gà.
Mô hình chăn nuôi gà của người dân xã Quảng Tân, huyện Đầm Hà.

Không chỉ đối với cây trồng, thời tiết nắng nóng, oi bức, độ ẩm cao, kèm theo các đợt mưa lớn cũng là yếu tố bất lợi trong chăn nuôi, nhất là chăn nuôi trang trại, chăn nuôi thả rông gia súc, gia cầm. Khi nhiệt độ cao, vật nuôi ăn kém, uống nhiều nước, bức xạ nhiệt lớn, sức đề kháng và sức sản xuất giảm mạnh, rất dễ phát sinh các bệnh tiêu chảy, cảm nóng, cảm nắng, tả… gây thiệt hại kinh tế cho người chăn nuôi. Hiện toàn tỉnh có hơn 32.600 con trâu, 31.200 con bò, 268.400 con lợn… Vì vậy việc chống nóng cho đàn vật nuôi được đặc biệt ưu tiên.

Anh Nguyễn Văn Diễn (phường Phong Cốc, TX Quảng Yên), cho biết: Gia đình tôi nuôi khoảng 100 con lợn thương phẩm, để chống nóng cho đàn lợn, ngay từ khi mới xây chuồng, tôi đã đầu tư hệ thống mái che bằng tôn lạnh, trồng thêm cây xanh tạo bóng mát. Ngoài ra, tôi còn lắp quạt thông gió, thường xuyên rửa chuồng nuôi, tắm cho đàn lợn 2 lần/ngày vào buổi sáng và chiều, tạo môi trường sạch mát, giảm thiểu tối đa nguy cơ lây nhiễm dịch bệnh.

Hộ chăn nuôi trên địa bàn TX Quảng Yên phun tiêu độc, khử trùng phòng bệnh viêm da nổi cục.
Hộ chăn nuôi trên địa bàn TX Quảng Yên phun tiêu độc, khử trùng phòng bệnh viêm da nổi cục.

Chi cục Chăn nuôi Thú y (Sở NN&PTNT) cũng có văn bản đề nghị các địa phương hướng dẫn người dân cải tạo chuồng trại thoáng mát, che phủ mái bằng vật liệu chống nóng, sử dụng quạt làm mát, thông gió, lắp đặt hệ thống phun sương tạo độ ẩm; thường xuyên cung cấp đủ nước sạch cho đàn gia súc, gia cầm; giảm thức ăn giàu năng lượng, tăng thức ăn có nhiều vitamin, khoáng chất, điện giải; không chăn thả gia súc, gia cầm trong thời điểm nắng nóng, nhiệt độ cao…

Đặc biệt, trong giai đoạn này là thời điểm bệnh viêm da nổi cục trên trâu, bò xuất hiện nhiều, đường truyền lây chủ yếu qua côn trùng đốt như muỗi, ruồi, ve. Vì vậy, Sở NN&PTNT khuyến cáo người dân cần thường xuyên vệ sinh, dọn dẹp, sát trùng, tiêu độc chuồng trại để tiêu diệt mầm bệnh. Đồng thời, dự trữ nguồn thức ăn dinh dưỡng tăng sức đề kháng cho vật nuôi. Sở cũng đã yêu cầu các địa phương đẩy mạnh tuyên truyền cho người dân về dịch bệnh; thành lập tổ công tác tiêm phòng một cách đồng bộ; quan tâm bố trí tập huấn kỹ thuật tiêm vắc-xin phòng dịch bệnh viêm da nổi cục trên trâu, bò, đảm bảo trước ngày 20/5, 90% số trâu bò trên địa bàn tỉnh được tiêm. Ngành nông nghiệp cũng lưu ý các địa phương, triển khai các biện pháp phòng chống dịch bệnh trên đàn gia súc, gia cầm như: Bệnh lở mồm long móng, dịch tả lợn châu Phi, cúm gia cầm… nhằm đảm bảo an toàn cho đàn vật nuôi trên địa bàn.