Để bắt kịp những thay đổi ở thị trường Trung Quốc

Trung Quốc là thị trường rất lớn về NK nông sản trên thế giới. Thị trường này đang có những thay đổi quan trọng cả về các quy định đối với nông sản NK lẫn xu hướng tiêu dùng. Các DN XK nông sản Việt Nam phải làm gì để bắt kịp với những thay đổi đó?

Thị trường nông sản rất lớn

Ông Lê Thanh Hòa, Phó Cục trưởng Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản (Bộ NN-PTNT), cho biết, Trung Quốc đang là một trong những thị trường NK nông, lâm, thủy sản hàng đầu thế giới, với giá trị NK trung bình 160 tỷ USD/năm (rau quả 9 – 10 tỷ USD; thủy sản 8 – 10 tỷ USD; thịt và sữa 9 – 10 tỷ USD; gạo 2 – 2,5 tỷ USD…). Với nông sản Việt Nam, Trung Quốc đang là thị trường số 1 về XK rau quả, cao su, sắn và sản phẩm từ sắn, gạo.

15-46-09_bt_kip_nhung_thy_doi

Cần phát triển công nghệ bảo quản trái cây tươi XK sang Trung Quốc

Riêng về rau quả, Trung Quốc hiện đang chiếm 15% tổng lượng rau quả NK của thế giới. Trong đó, mỗi năm, nước này NK khoảng 4,4 triệu tấn quả từ Mỹ, Hàn Quốc, Brazil, Thái Lan, Philippines, Việt Nam…

Nếu như cán cân XNK hàng hóa nói chung giữa Việt Nam và Trung Quốc đang nghiêng nhiều về phía Trung Quốc (năm 2018, Việt Nam XK sang Trung Quốc 41,26 tỷ USD hàng hóa, NK 65,43 tỷ USD), thì ở nhóm hàng nông sản, Việt Nam lại đang xuất siêu (Việt Nam XK sang Trung Quốc 8,64 tỷ USD các sản phẩm nông, lâm, thủy sản và NK 2,47 tỷ USD). Trong các mặt hàng nông, lâm, thủy sản XK sang Trung Quốc năm 2018, đứng đầu là rau quả với 2,784 tỷ USD. Tiếp đó là cao su 1,372 tỷ USD; gỗ và sản phẩm gỗ 1,072 tỷ USD; thủy sản 996 triệu USD; sắn và sản phẩm từ sắn 844 triệu USD; gạo 683 triệu USD; hạt điều 452 triệu USD; TĂGS và nguyên liệu 215 triệu USD; cà phê 110 triệu USD…

Điều đáng chú ý là Bộ NN-PTNT đang nỗ lực làm việc với phía Trung Quốc để nước này cấp phép NK cho thêm nhiều mặt hàng nông, lâm, thủy sản Việt Nam. Trong thời gian ngắn sắp tới, sẽ có thêm 2 sản phẩm nông sản Việt Nam được cấp phép XK sang Trung Quốc là sữa và măng cụt, thông qua 2 nghị định thư sẽ được ký giữa Bộ NN-PTNT Việt Nam và Tổng cục Hải quan Trung Quốc.

Đáp ứng những thay đổi

Trung Quốc đang chuyển mạnh từ một thị trường tương đối dễ tính sang một thị trường đòi hỏi ngày càng cao về chất lượng, ATTP. Do đó, trong mấy năm gần đây, đã có nhiều thay đổi của nước này trong các quy định đối với trái cây và nông sản NK. Xu hướng tiêu dùng của Trung Quốc cũng đang thay đổi mạnh mẽ khi người tiêu dùng quan tâm nhiều hơn tới sức khỏe, sự xuất hiện của lớp người tiêu dùng thuộc thế hệ sau những năm 1990…

Để đáp ứng kịp thời những thay đổi trong quy định của Trung Quốc đối với trái cây NK từ Việt Nam, ông Shi Xin Biao, một chuyên gia về thị trường Trung Quốc, cho rằng Việt Nam cần phát triển công nghệ bảo quản tươi cho trái cây cũng như xây dựng các cơ sở hạ tầng về lưu trữ, bảo quản; cần nhập thêm công nghệ tiên tiến hơn để sản xuất các loại trái cây cũng như hệ thống và tiêu chuẩn quản lý chất lượng hiện đại hơn cho các mặt hàng nông sản; làm tốt hơn việc quản lý nguồn gốc xuất xứ, quản lý về bao bì để nhanh chóng được thông qua quy trình kiểm định kiểm dịch của Hải quan Trung Quốc; nên tiến hành quản lý chuỗi kho lạnh và có những quy định về chính sách truy xuất nguồn gốc.

Theo bà Nguyễn Thị Minh Thúy, Cục XTTM (Bộ Công Thương), để bắt kịp với những thay đổi về xu hướng tiêu dùng mới ở Trung Quốc, các DN cần chú ý tiếp cận tới những khu vực thị trường hay kênh phân phối khác… Chẳng hạn, với cà phê, song song với việc XK theo hình thức thương mại biên giới để tập trung khai thác thị trường Quảng Tây, Vân Nam, các DN cũng cần đẩy mạnh đàm phán để đưa hàng vào các hệ thống siêu thị lớn tại Trung Quốc nhằm tranh thủ văn hóa tiêu dùng cà phê của giới trẻ tại các TP lớn như Bắc Kinh, Thượng Hải, Trùng Khánh… Ngoài ra, cũng cần tăng cường quảng bá, tiêu thụ trên các trang mạng thương mại điện tử lớn của Trung Quốc như Alibaba, Taobao….

Với sắn và sản phẩm từ sắn, cần tập trung triển khai công tác thị trường nhằm thâm nhập, khai thác thị trường khu vực miền Đông, trong đó có tỉnh Giang Tô với cửa khẩu Trấn Giang là nơi thông quan mặt hàng sắn lát khô nhiều nhất Trung Quốc. Ngành cao su cần chú ý tới khu vực miền Đông (Chiết Giang, Hàng Châu, Nam Kinh), khu vực phía Bắc và Đông Bắc (Sơn Đông, Đại Liên, Thiên Tân), khu vực Tây Nam (Thành Đô)… Đây là các khu vực tập trung nhiều nhà máy sản xuất công nghiệp và săm lốp ô tô tại Trung Quốc. Với thủy sản, tại khu vực Tây Nam (Trùng Khánh, Tứ Xuyên), đang có nhu cầu lớn với cá hố…