Đa dạng mô hình nông nghiệp đô thị

Những mô hình nông nghiệp với các tiêu chí là tận dụng diện tích đất trống xung quanh nhà, các mô hình chăn nuôi sinh học, rau màu hữu cơ… được xem là phù hợp với xu hướng phát triển nông nghiệp ở các vùng ven đô thị ở TP. Long Xuyên. Với cách làm này, vừa đáp ứng nhu cầu của thị trường, vừa giúp nông dân tăng thu nhập trên cùng một đơn vị diện tích đất sản xuất.

Canh tác khép kín

Gần 10 năm nay, anh Đào Hữu Nghĩa (xã Mỹ Khánh, TP. Long Xuyên) kiên trì canh tác khép kín với mô hình chăn nuôi bò lấy phân nuôi trùn quế, dùng trùn quế làm thức ăn nuôi gà và làm phân trồng gừng. Có sẵn kinh nghiệm, khi được Trạm Khuyến nông TP. Long Xuyên hỗ trợ phát triển kỹ thuật nuôi gà trên đệm lót sinh học, anh Nghĩa nhanh chóng ứng dụng ngay.

Theo anh Nghĩa, nuôi gà sử dụng đệm lót sinh học không phải là kỹ thuật mới, đã được nhiều người nuôi gần xa áp dụng. Có người áp dụng thành công, cũng có người chỉ áp dụng được 1, 2 mùa rồi ngưng vì cho rằng khó làm, gà dễ bị khò bụi trấu, đệm lót có mùi hôi, khó thực hiện lâu dài…

“Tuy nhiên, đối với tôi thì việc nuôi gà trên đệm lót sinh học dễ thực hiện, gà khỏe mạnh, ít bị bệnh. Nuôi gà thuận tự nhiên như vậy đã giúp người nuôi tiết kiệm rất nhiều khoản chi phí phát sinh. Với bất cứ mô hình nào, nếu muốn phát huy tối đa hiệu quả, người nuôi phải có kỹ thuật, quan sát, chú ý đến tập quán sinh trưởng, thay đổi thời tiết…” – anh Nghĩa chia sẻ. Chẳng hạn, khi thấy đệm lót khô thì cần tưới thêm nước để tạo độ ẩm, giúp các men vi sinh sinh trưởng tốt và xử lý được mùi hôi.

Anh Nghĩa nuôi trùn quế cho gà ăn và lấy phân trùn quế để trồng gừng

Trong chuồng gà của anh Nghĩa lúc nào cũng có từ vài chục đến vài trăm con gà, được nuôi theo phương pháp tự nhiên, hữu cơ. Thức ăn là trùn quế được anh Nghĩa phát triển từ phân bò thu được trong chăn nuôi bò. Riêng lượng phân từ trùn quế, anh Nghĩa trồng thêm gừng trong bao tải. Số lượng gừng thu hoạch vào mỗi vụ, ngoài việc bán ra thị trường, anh Nghĩa dành một phần để sử dụng làm thực phẩm tăng cường sức đề kháng cho gà mỗi khi thời tiết nắng, mưa thất thường.

“Nuôi gà sẽ không tránh khỏi những lúc gà bệnh do thời tiết thay đổi, để giảm nguy cơ, thiệt hại thì gừng, tỏi… được sử dụng thường xuyên trong khẩu phần ăn của gà, vừa kích thích hệ tiêu hóa, vừa tăng cường sức đề kháng, giúp gà khỏe, hạn chế một số bệnh thông thường” – anh Nghĩa giải thích.

Nhờ chăn nuôi gà theo phương pháp tự nhiên, hữu cơ, anh Nghĩa đã kết nối, cung cấp gà thường xuyên cho Nông trại Ếch Ộp.

Chuyển đổi hiệu quả

Là nông dân có hơn 10 năm kinh nghiệm trồng rau màu các loại, ông Nguyễn Văn Sách (phường Mỹ Thạnh) đang áp dụng canh tác rau màu theo hướng hữu cơ. Ông Sách cho biết, đợt đầu tiên được Trạm Khuyến nông TP. Long Xuyên hướng dẫn, hỗ trợ giống, phân hữu cơ để triển khai mô hình trồng dưa leo hữu cơ. Kinh nghiệm ông Sách vững vàng, kỹ thuật được cán bộ hướng dẫn nên việc thực hiện mô hình không gặp khó khăn.

“Nói thẳng ra là khá dễ dàng vì canh tác hữu cơ là giảm tất cả lượng phân bón, thuốc hóa học, thay bằng phân bón hữu cơ, chú trọng vào tạo nền đất sạch, giữ lượng thiên địch trên rẫy rau… Bởi vậy, một người gần 70 tuổi như tôi vẫn có thể canh tác trên 500m2 rau màu các loại, cung cấp thường xuyên ra thị trường” – ông Sách vui vẻ nói. Hiện nay, ngoài dưa leo, hầu như các loại rau, củ, quả khác, như: Bầu, bí, mướp… đều được ông Sách áp dụng phương pháp canh tác hữu cơ.

Theo ông Sách, so với cách canh tác có sử dụng phân bón, thuốc hóa học thì canh tác hữu cơ giúp nông sản có chất lượng ngon, ngọt và đặc biệt an toàn; còn về năng suất thì thấp hơn, tuy nhiên vẫn ở mức chấp nhận được.

“Dù năng suất không cao, nhưng về tổng thể chi phí phát sinh trong quá trình canh tác ít hơn so với trước đây. Nhờ đó, lợi nhuận thu được rất khả quan. Hiện nay, chỉ cần người tiêu dùng ưu tiên sử dụng các loại nông sản hữu cơ, chấp nhận giá thành cao hơn một ít so với mặt bằng chung thì tin rằng, nông dân sẽ phấn khởi chuyển đổi sang canh tác bằng phương pháp hữu cơ an toàn” – ông Sách mong muốn.

Nhà có vườn cây ăn trái, thêm diện tích trồng rau cải, ông Nguyễn Thanh Xuân (phường Bình Khánh) tận dụng diện tích đất trống cặp nhà để trồng nấm rơm. Ông Xuân được Trạm Khuyến nông TP. Long Xuyên hỗ trợ chi phí mua rơm, meo nấm, kỹ thuật trồng nấm rơm trong nhà kín với dạng trụ, diện tích 75m2 và 75 trụ nấm. Trước đây, ông Xuân có kinh nghiệm trồng nấm rơm ngoài trời, đến khi áp dụng trồng nấm rơm trong nhà đã thấy rõ hiệu quả.

Cụ thể, chủ động được thời tiết, điều chỉnh được ẩm độ, nhiệt độ… đây là những yếu tố ảnh hưởng trực tiếp đến năng suất và chất lượng nấm rơm thành phẩm. “Mỗi trụ có thể thu hoạch được khoảng 2kg nấm/vụ. Nếu kiểm soát được chất lượng rơm, áp dụng đúng kỹ thuật được khuyến cáo thì chất lượng nấm rơm rất tốt, nấm trắng, dày, ngọt, an toàn… nên dễ bán” – ông Xuân thông tin.

Hiện tại, sau 2 vụ trồng hiệu quả, ông Xuân đang vệ sinh nhà trồng, chuẩn bị cho vụ nấm rơm mới. Mô hình trồng nấm rơm dạng trụ trong nhà kín có thể áp dụng cho những nông hộ có diện tích đất ít, tận dụng diện tích đất trống quanh nhà hoặc có thể canh tác đồng thời nhiều mô hình vì không chiếm nhiều thời gian chăm sóc…