Liều trồng 300 gốc táo từ vùng “đất chết” người đàn ông ở Hà Tĩnh thu về cả trăm triệu

Từ bãi đất bỏ hoang nằm trơ trọi bên dòng La Giang, anh Nguyễn Trung Tính (sinh năm 1982), ở thị trấn Đức Thọ (Hà Tĩnh) đã “đánh liều” trồng 300 gốc táo Đài Loan. Sau 5 năm, vườn táo của người đàn ông này đã trở thành địa chỉ nông sản sạch hút khách dịp Tết và điểm du lịch trải nghiệm hấp dẫn.

Anh Tính cho biết, năm 2017, anh thuê lại 7.000 m2 đất bãi bồi ven sông La, thuộc xã Đức Yên, do Hợp tác xã Đức Yên (nay là thị trấn Đức Thọ) huyện Đức Thọ quản lý. Đây là diện tích đất vốn bỏ hoang vì thường xuyên bị ngập úng vào mùa lũ, khô nóng vào mùa hạ do đất pha cát, không thể sản xuất.

Anh Tính đang chăm sóc vườn táo để thử nghiệm cho mô hình du lịch trải nghiệm trong dịp tết 2023
Anh Tính chăm sóc vườn táo thử nghiệm cho mô hình du lịch trải nghiệm trong dịp Tết Quý Mão 2023.

Năm đầu tiên anh thử nghiệm trồng 50 gốc táo Đài Loan. Sau 1 năm thấy cây phát triển tốt, quả to, sai trĩu cành; đặc biệt là giống táo này vẫn giữ được vị thơm, giòn nên anh Tính đã quyết định đầu tư mở rộng với quy mô lên tới 300 gốc.

“Hồi ấy vì không có đất để phát triển mô hình nông nghiệp và cũng vì “máu liều” muốn thay đổi cuộc sống nên tôi đã thuê lại diện tích này. Khi thấy tôi đem những cây táo đầu tiên về trồng nhiều người vẫn bảo tôi “hâm”, anh Tính nhớ lại.

Với 300 gốc táo ước tính sản lượng khoảng 7 tấn, chủ vườn sẽ thu về trên 200 triệu đồng/ vụ
Với 300 gốc táo ước tính sản lượng khoảng 7 tấn, chủ vườn sẽ thu về trên 200 triệu đồng/vụ.

Năm nay vườn táo đã có người trả giá gần 200 triệu để bán phục vụ dịp tết Quỹ Mão (2023) nhưng tôi không đồng ý. “Tôi muốn giữ lại để làm thử nghiệm mô hình du lịch trải nghiệm. Lúc cận Tết tôi sẽ tính sau” anh Tính nói.

Những năm trước giá mỗi kg táo được anh Tính bán vào lúc cận Tết là 35.000 đồng/kg. Năm nay, với 300 gốc táo sẽ cho sản lượng khoảng 7 tấn. Nếu bán phục vụ Tết ước tính người nông dân này sẽ thu về trên 200 triệu đồng.

“Những năm trước các tiểu thương đã đến vườn để thu mua lại chờ cận ngày hái xuống bán phục vụ Tết. Năm nay có rất nhiều người gọi điện đặt vấn đề nhưng tôi chưa bán vì muốn thử nghiệm mô hình vườn táo thành điểm du lịch trải nghiệm”, anh Tính cho hay.

3
Anh Tính trao đổi cùng Chủ tịch Hội nông dân huyện Đức Thọ Ngô Ngọc Hân.

Chị Nguyễn Thị Thùy Linh, một tiểu thương ở Nghi Xuân cho biết, những năm trước tôi thường nhập táo từ vườn anh Tính về bán nhưng năm nay tôi không thể mua được vì chủ vườn chuyển hướng kinh doanh. Hơn nữa, đây là vườn táo sạch nên chúng tôi khá yên tâm, chị Linh thông tin thêm. Hiện tại vườn táo của anh Tính là địa chỉ được rất nhiều bạn trẻ tìm đến để trải nghiệm, chụp ảnh và tham quan…

Ông Bùi Quang Thiết, Phó Chủ tịch UBND thị trấn Đức Thọ cho biết, mô hình vườn táo ven sông La của hộ anh Tính là mô hình nông nghiệp có hiệu quả và có khả năng phát triển kinh tế theo hướng lâu dài. Bên cạnh đó, việc trồng táo ở các bãi bồi ven sông La không những đem lại giá trị về kinh tế mà còn tận dụng được quỹ đất, tạo dựng cảnh quan, chống tình trạng trôi đất và bảo đảm môi trường. Những mô hình như của gia đình anh Tính cần được phát triển và nhân rộng.

“Hiện vườn táo đã cho thu nhập gần 300 triệu đồng trong dịp Tết sau khi tôi áp dụng mô hình vườn táo trải nghiệm vừa bán sản phẩm phục vụ Tết” anh Tính thông tin thêm.