Khảo nghiệm thành công dự án chăn nuôi gà H’Mông thương phẩm tại Gia Lai

Nhằm tạo ra sản phẩm thịt gà đặc sản, chất lượng cao cung cấp tại chỗ cho người tiêu dùng trên địa bàn huyện Chư Sê và các huyện lân cận trong và ngoài tỉnh Gia Lai, năm 2023, UBND huyện Chư Sê, tỉnh Gia Lai đã ban hành Quyết định số 386/QĐ-UBND ngày 12/4/2023 về việc phê duyệt dự án “Chăn nuôi gà H’mông thương phẩm” trên địa bàn huyện Chư Sê.

Gà H’mông giai đoạn 60 ngày tuổi. 

Theo Quyết định, Trung tâm dịch vụ Nông nghiệp huyện Chư Sê là cơ quan chuyển giao công nghệ chính được giao nhiệm vụ xây dựng và triển khai dự án. Tổng kinh phí dự án là: 230.196.600 đồng với quy mô 02 điểm mô hình tại các xã Dun và Hbông, huyện Chư Sê, Gia Lai, mỗi điểm 500 con gà H’Mông.

Được biết, gà đen H’Mông là giống gà bản địa chủ yếu ở các vùng núi phía Bắc, từ Nghệ An trở ra đến Cao Bằng, chưa được nuôi với quy mô lớn tại huyện Chư Sê. Với nguồn gen quý, có sức đề kháng tốt, dễ thích ứng, gà H’Mông có giá trị kinh tế cao do thịt có vị thơm ngon, chất lượng, được người tiêu dùng trên thị trường ưa chuộng, giá bán cao hơn so với các giống gà lai khác và hiện nay chưa được nuôi phổ biến.

Sau một thời gian triển khai thực hiện, đến nay dự án chăn nuôi gà H’Mông thương phẩm ở Gia Lai đã cho những kết quả khả quan đạt được mục tiêu đã đề ra ban đầu.

Theo đánh giá của các hộ tham gia dự án chăn nuôi gà H’Mông, khả năng sinh trưởng, phát triển năng suất gà H’Mông phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng khí hậu trên địa bàn huyện, tạo ra sản phẩm thịt gà H’mông thương phẩm tại địa bàn huyện có giá trị kinh tế cao.

Qua 4 tháng nuôi, nhận thấy đàn gà sinh trưởng, phát triển tốt, có sức đề kháng cao, phù hợp với điều kiện chăn thả của người dân địa phương, tỉ lệ nuôi sống đạt 95,7%, trọng lượng trung bình đạt 1,65 kg/con. Gà H’Mông có thịt dai, chắc, thơm ngọt, hàm lượng dinh dưỡng cao, hiệu quả kinh tế đạt được hơn 43 triệu đồng sau khi trừ chi phí. Bên cạnh đó các hộ dân còn có thể lựa chọn những con gà có phẩm chất tốt làm giống, nhân rộng giống gà quý, có được nguồn thu ổn định.

Mô hình đã xây dựng quy trình kỹ thuật nuôi dưỡng, chăm sóc phòng bệnh cho gà H’Mông phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng khí hậu trên địa bàn huyện Chư Sê. Quy trình nêu rõ các yêu cầu về: chuồng trại chăn nuôi; chăm sóc nuôi dưỡng, gồm có giai đoạn gà con từ 01 đến 30 ngày tuổi và giai đoạn từ 30 ngày tuổi đến khi xuất chuồng. Công tác vệ sinh phòng bệnh, gồm có lịch dùng vắc-xin cho gà H’Mông thương phẩm, lịch dùng thuốc kháng sinh, thuốc bổ phòng bệnh cho gà H’Mông và các bệnh thường gặp trong quá trình nuôi gà H’Mông. Quy trình này áp dụng trên địa bàn huyện Chư Sê.

Mô hình cũng cung cấp được thông tin đơn vị kinh doanh, mua bán giống gà H’Mông uy tín chất lượng, có nguồn gốc rõ ràng cho người chăn nuôi trên địa bàn huyện và các địa bàn huyện lân cận.

Dự án chăn nuôi gà H’Mông được xây dựng trên cơ sở bám sát định hướng, chủ trương của tỉnh Gia Lai nói chung và của huyện Chư Sê nói riêng. Đến nay dự án đã khảo nghiệm thành công mở ra một hướng chăn nuôi mới tạo ra sản phẩm thịt gà đặc sản, góp phần nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống người dân trên địa bàn huyện Chư Sê nói riêng là tỉnh Gia Lai nói chung.

Với việc triển khai mô hình nuôi gà H’Mông sẽ bảo tồn được giống gà quý cũng như tạo thu nhập cho bà con. Từ thành công của mô hình sẽ là cơ sở để triển khai nhân rộng ra các hộ gia đình khác trên địa bàn tỉnh Gia Lai. Bên cạnh đó, việc triển khai thực hiện mô hình chăn nuôi gà H’Mông thương phẩm tại vùng khó khăn, vùng đồng bào dân tộc thiểu số sẽ góp phần làm thay đổi tư duy, tập quán chăn nuôi, giúp bà con từng bước tiếp cận, áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, nâng cao hiệu quả kinh tế, tăng thu nhập, xóa đói giảm nghèo, ổn định cuộc sống.