Cựu chiến binh giúp nhau phát triển kinh tế

Sau hơn 15 năm thực hiện, mô hình “Tổ tiết kiệm tình thương” đã giúp hội viên Hội Cựu chiến binh (CCB) xã Bàu Chinh, huyện Châu Đức) có điều kiện phát triển kinh tế, ổn định cuộc sống.

CCB Hoàng Xuân Vinh kiểm tra giá thể nấm bào ngư xám trong trang trại nấm của gia đình.

CCB Hoàng Xuân Vinh kiểm tra giá thể nấm bào ngư xám trong trang trại nấm của gia đình.

Ngoài 60 tuổi, CCB Hoàng Xuân Vinh (thôn Tân Xuân, xã Bàu Chinh) vẫn cần cù làm việc. Ông được người dân địa phương khâm phục bởi đức tính chịu thương chịu khó, mạnh dạn thử nghiệm mô hình mới. Ông Vinh là người đầu tiên trong xã thử nghiệm và thành công với mô hình trồng nấm bào ngư xám.

Ông Vinh rời quân ngũ năm 1982. Ba năm sau, vợ chồng ông vào BR-VT lập nghiệp. Thời gian đầu, ông nuôi 5 con heo nái và trồng cây ngắn ngày. Vừa làm vừa tích góp, ông dần mở rộng chuồng trại và phát triển đàn heo, gà thả vườn.

Chăm chỉ quanh năm, nhưng dịch bệnh trên đàn heo khiến gia đình ông lao đao. Năm 2007, ông tham gia Hội CCB xã Bàu Chinh và được hỗ trợ vay 20 triệu đồng từ mô hình “Tổ tiết kiệm tình thương” của Hội. Từ nguồn vốn này, ông mạnh dạn phát triển trang trại nuôi heo, gà, trồng nấm bào ngư xám, nuôi thêm đàn chim bồ câu. Hiện nay, mô hình kinh tế trang trại mang lại cho gia đình ông khoản thu nhập gần 50 triệu đồng/tháng.

Tương tự, CCB Trần Thị Tuân (thôn Tân Xuân, xã Bàu Chinh) chia sẻ, năm 1986, gia đình bà vào BR-VT lập nghiệp. Tích góp, dành dụm nhiều năm, ông bà mua được thửa đất rộng 1,1ha ở thôn Tân Xuân để trồng tiêu. Thế nhưng, cây thường xuyên mắc bệnh, chết dần.

Năm 2010, tham gia mô hình “Tổ tiết kiệm tình thương” của Hội CCB xã, bà được vay 20 triệu đồng. Bà vay thêm 40 triệu đồng từ Ngân hàng Chính sách xã hội huyện. Cùng với số tiền dành dụm được, vợ chồng bà mua 400 cây bơ giống 034 về trồng và thả thêm đàn gà gần 100 con. Ông bà học hỏi kinh nghiệm từ một số người đã thành công cũng như tham khảo kiến thức từ sách báo để áp dụng vào trồng trọt. Nhờ đó, vườn bơ sinh trưởng phát triển tốt, mỗi năm cho thu hoạch gần 40 tấn, bà hoàn vốn đúng thời gian. “Nguồn vốn hỗ trợ từ Tổ tiết kiệm và sự chia sẻ, động viên của đồng đội đã giúp vợ chồng tôi vượt qua khó khăn. Hiện nay, vườn bơ mang lại cho gia đình tôi hơn 250 triệu đồng/năm. Tôi cũng tích cực tham gia Tổ tiết kiệm để duy trì nguồn vốn giúp đỡ những hội viên khó khăn khác”.

Ông Phạm Quốc Minh, Phó chủ tịch Hội CCB xã Bàu Chinh cho biết, Hội CCB xã có 113 hội viên, đều có kinh tế khá. 15 năm qua, các thành viên trong Hội luôn giúp nhau phát triển sản xuất, kinh doanh. Từ năm 2005 đến nay, Hội đã thành lập và duy trì mô hình “Tổ tiết kiệm tình thương” để góp vốn phát triển kinh tế. Theo đó, mỗi hội viên đóng góp từ 500 ngàn đến 2 triệu đồng/năm, tùy vào điều kiện kinh tế của mình. Người khó khăn được ưu tiên vay vốn trước, với lãi suất 0,7%/tháng. Hội viên có thể hoàn trả vốn trong thời gian 2 năm, 3 năm hoặc dài hơn tùy theo điều kiện kinh tế.

“Năm 2021, Hội CCB xã Bàu Chinh đã vận động được 217 triệu đồng, giúp hội viên vay với lãi suất thấp và không giới hạn thời gian hoàn vốn để phát triển kinh tế. Số tiền lãi thu được, Hội CCB xã dùng cho hoạt động hiểu hỉ và những hoạt động khác. Đến nay, Hội CCB xã Bàu Chinh có 87,73% hộ khá-giàu, không còn hộ nghèo”, ông Phạm Quốc Minh nói.