Cuộc sống của những người du mục theo chân bầy cừu

Rời phố thị nhộn nhịp, chúng tôi tìm về vùng đất được mệnh danh là “thánh địa” của những bầy cừu, rồi theo dấu dân du mục đi khắp các cánh rừng, triền núi trải dài trên thảo nguyên mênh mông để trải nghiệm cuộc đời thong dong tự tại của người dân du mục đi chăn cừu.

15-32-16_2
Nghề chăn cừu làm bạn với nắng gió, bụi đường giữa núi rừng mênh mông

Với diện tích tự nhiên đa phần là núi đá, rừng và sa mạc cát mênh mông, có thể nói Ninh Thuận là vùng đất khô hạn nhất Việt Nam. Tuy nhiên, vùng đất này lại là nơi sinh sống của những đàn dê, cừu với số lượng rất lớn nên đòi hỏi cần một lực lượng lao động không hề nhỏ. Cũng từ đó, từ xa xưa tổ tiên người Chăm ở đây đã hình thành một cái nghề gọi là du mục.  

Trải nghiệm đời du mục

Để được trải nghiệm cuộc sống của những dân du mục đi chăn cừu ở Ninh Thuận, chúng tôi về Thuận Nam, một trong những huyện có đàn dê cừu lớn của tỉnh.

Được dân thổ địa chỉ đường, chúng tôi lang thang đến dãy núi Chà Bang, xã Phước Nam, nơi có đàn bò, dê, cừu lên đến hàng ngàn con đang ngặm cỏ. Đang loay hoay tìm kiếm những người du mục thì bất chợt chúng tôi nghe tiếng kêu “be be” của đàn cừu nhà ông Phú Xủ (52 tuổi), người dân tộc Chăm, đang lùa về chuồng sau một ngày đi chăn vất vả.

15-32-16_1
Ông Xủ có thâm niên hơn 30 năm chăn cừu

Sau một hồi hỏi thăm, trò chuyện làm quen, tôi ngỏ ý “xin” được đi chăn cừu cùng và được ông đồng ý. Như đã hẹn trước, sáng sớm chúng tôi có mặt tại chuồng cừu nhà ông ở thôn Phước Lập, cách trung tâm xã Phước Nam hơn 3km.

Ông Xủ bảo, cho đến nay ông đã gắn bó với nghề du mục đã hơn 30 năm. Trước đây, ông đi chăn thuê cho các ông chủ. Đến năm 2004, ông mới thoát khỏi cảnh chăn cừu thuê, rồi khởi nghiệp với 10 con cừu được chia từ công sức. Nhờ ra sức gây dựng, ông đã phát triển và duy trì đàn cừu lên đến 40 – 50 con. Dù số cừu trên chưa mang lại cho gia đình ông cuộc sống khá giả nhưng nó đã giúp ông thoát nghèo, nuôi 7 đứa con khôn lớn.

Nói xong, ông dẫn tôi đi thả cừu, rồi theo những lối mòn quanh co, dày đặc gai xương rồng, lùm bụi và gập ghềnh đá cuội nhắm về hướng suối Tầm Lâm, thuộc thị trấn Phước Dân (Ninh Phước). Vừa mới đi hơn 3km, tôi cảm thấy đôi chân đã mỏi nhừ, trong khi ông Xủ vẫn bước đều, thậm chí mỗi lúc càng nhanh hơn.

Tôi cố đi cho kịp, rồi hỏi: Thế đi bao xa thì tới? Ông nói: Khoảng 3 – 4 cây số nữa. Mùa này ở đó có đủ cỏ cho đàn cừu ăn no. Tôi hỏi tiếp: Ngày nào cũng đi chăn xa như thế sao? Ông đáp: Đi như vậy thì nhằm nhò gì, nhất là vào mùa hạn hán, đàn gia súc vì thiếu nước uống, thức ăn nên chạy lung tung cả ngày, lúc đó mình đi theo cừu mới đuối.

“Có ngày tôi theo cừu đi ăn xuống tận Phan Rang, cách nhà hàng chục cây số chứ ít gì, còn nếu tính đi đi lại lại thì đến mấy chục cây số ấy chứ”, ông Xủ nói.

15-32-16_4
Ninh Thuận là vùng đất “thánh địa” của những bầy cừu

Theo ông Xủ, cuộc sống của người dân du mục hàng ngày làm bạn với nắng cháy, với đất cát bụi đường, với những cơn gió khô nóng như thổi lửa khiến da nhanh sạm màu. Bởi vậy đã là dân du mục ắt hẳn nước da ai cũng có nước da ngâm đen, nhưng bù lại sức khỏe như “con trâu” cày ngoài đồng, sống với sự tự do, hoang dại và giản đơn. Ngẫm đi ngẫm lại, tôi thấy ông Xủ nói cũng đúng.

Tiếp tục di chuyển theo đàn cừu, đôi khi ngoảnh lại phía sau xem quãng đường đi bao xa, tôi không thể kiểm đếm. Tôi chỉ cảm nhận được rằng mình đang ở giữa cánh đồng mênh mông vô tận. Lúc này, mặt trời đã lên cao, cái nắng gắt kèm theo gió thổi càng lúc càng mạnh hơn “thốc” vào da mặt thật là khó chịu.

Tuy nhiên đối với người dân du mục nơi đây họ đã quen và thích ứng. Cách họ bày tôi là hãy liên tục uống nước, rồi núp trong những lùm cây để trú nắng, nhưng ánh mắt người chăn cừu lúc nào cũng theo dõi từng con đi ăn. Và, cho đến khi nào, đàn cừu ăn no và bắt đầu tìm nước uống lúc đó người chăn cừu mới được thanh thơi chút đỉnh dùng bữa cơm trưa.

"Nhưng đôi khi không được ăn trưa đâu. Đàn cừu ăn không no thì nó cứ chạy đi suốt. Những lúc như thế không đời nào ngồi yên để ăn cơm ngon. Cứ mải miết đi theo rồi thấm mệt, quá giờ ăn thành ra bỏ bữa đến chiều về mới được ăn”, ông Xủ tâm sự.

Còn hôm nay may mắn cho chúng tôi, đến khoảng 11 giờ trưa đàn cừu đã nghỉ chân dừng bên dòng suối mát để uống nước. Ông Xủ mời chúng tôi ăn cơm. Bữa cơm được dọn ra ngay giữa đồng nắng chói chang, khẩu phần ăn đơn giản cơm trắng, vài miếng dưa và cá kho mặn.  

Lang bạt nay đây mai đó

Người dân du mục chăn cừu nơi đây không phân chia địa bàn hoạt động mà thả cừu đi ăn tự do thỏa mái. Hễ nơi nào có cỏ thì chăn dắt đàn đến đó kiếm ăn. Chính vì vậy, thời điểm này nhiều đàn cừu của các hộ gia đình khác cũng tụ tập về suối uống nước. Họ sống rất hòa thuận, thậm chí còn hỗ trợ thông báo cho nhau nếu cừu nhà ai đi lạc nhập vào đàn nhà mình. Việc phân biệt cừu lạ trong đàn cũng dễ dàng nhận thấy bởi mỗi con cừu được đánh dấu và có ký hiệu riêng trên lưng.

15-32-16_8
Cuộc sống người dân du mục không khá giả nhưng bù lại họ sống rất giản đơn, hoang dã và hạnh phúc

Ông Xủ tiết lộ, đa phần những người chăn cừu là đi chăn mướn. Khi gia súc đi đến đâu thì họ theo đó. Ăn cùng, ở cùng đàn gia súc trong những chiếc lều tạm bợ giữa rừng vào mùa mưa và giữa đồng vào mùa gặt lúa. Có khi cả tuần, cả tháng họ mới được trở về nhà. Cuộc sống lang bạt nay đây mai đó cứ bám chặt vào cuộc đời những người du mục.Trong số những du mục đang chăn dắt tại đây, ông Xủ giới thiệu chúng tôi làm quen với anh Nại Thành Hiếu, 27 tuổi (người dân tộc Chăm) cùng xã với ông Xủ, nằm trong trường hợp như thế.

Anh Hiếu cho biết, anh đang chăn mướn 130 con cừu. Người chăn giỏi nhất cũng chỉ tới 200 con.

Về công xá bèo bọt lắm, mỗi năm ông chủ chỉ trả 20 triệu đồng. Nhưng nhờ tận thu phân cừu thải ra nên mỗi tháng anh kiếm thêm 1 triệu nữa.

Tất cả số tiền đều chi tiêu tằn tiện lắm mới đủ và lo cho 2 đứa con 11 tuổi và 5 tuổi gửi ông bà ở nhà cho đi học.

Cuộc sống chăn cừu mướn hơi vất vả nhưng anh Hiếu chấp nhận. “Tháng này mình cùng vợ dựng nhà ở gần núi Chà Bang để chăn cừu cho tiện vì mới mưa tiểu mãn nên có cỏ.

Nhưng đến tháng 5 – 6, thì di chuyển đàn cừu ra những cánh đồng đã gặt xong cho ăn. Cừu đi đến đâu mình theo đến đó thôi”, anh Hiếu tâm sự.

Hỏi anh vì sao lại đi chăn cừu mướn? Anh bảo, người dân tộc Chăm có phong tục là không chia của cho con, chỉ để phần cho con gái út. Vì vậy, năm anh 15 tuổi đã tự bươn chải bằng nghề du mục rồi.

Cuộc sống vợ chồng anh Hiếu có nhiều con số không: không học, không nhà, không đất đai, không vốn liếng… Tuy nhiên tình cảm 2 vợ chồng rất êm đẹp, họ dựa vào nhau cùng sống, cùng chăn cừu để vươn lên. Nếu cố gắng làm ăn, tích góp tiền thì mai mốt anh cũng thoát cảnh chăn mướn như bao người đàn ông Chăm khác phải trải qua.

15-32-16_6
Anh Hiếu đi chăn thuê từ lúc 15 tuổi

Rời vùng đất “thánh địa” của những bầy cừu khi trời đã xế chiều, từng đàn cừu đã được ăn no xếp thành hàng đang thong dong trở về chuồng để lại phía sau biết bao là dấu chân…

15-32-16_12

Kiểm đếm đàn trước khi về chuồng, nếu thất lạc thì phải đi tìm

Cừu ở Ninh Thuận chủ yếu nuôi lấy thịt, lông không được trắng và sạch vì chúng ăn ngoài đồng, lội bùn nước và thường không được tắm rửa. Trước kia giá trị mỗi con cừu rất cao, khoảng 7 triệu đồng, nên cuộc sống người dân du mục rất ổn định. Tuy nhiên hiện nay giá cừu thấp, đối với cừu đực chỉ khoảng 50.000 đ/kg, cừu cái 35.000 đ/kg (trung bình mỗi con 30kg), còn cừu non giá 90.000 đ/kg (xuất bán được phải nuôi 5 tháng đạt 10 – 12 kg/con).

Theo Nông nghiệp