Xuất khẩu tôm, cá tăng tốc đón ‘mùa vàng’

Xuất khẩu cá tra đang phục hồi ở một số thị trường lớn, trong khi “mùa vàng” cuối năm sắp đến. Hai thị trường chủ lực là Mỹ và Trung Quốc bắt đầu gia tăng nhu cầu. Tôm và cá Việt Nam bắt đầu tăng tốc đón “mùa vàng” cuối năm.

Xuất khẩu thủy sản đang dần lấy lại đà tăng trưởng

Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, xuất khẩu thủy sản tháng 8 của Việt Nam tăng trưởng dương lần đầu tiên sau 11 tháng sụt giảm liên tiếp. Mỹ đứng đầu về thị trường nhập khẩu khi đạt giá trị 165 triệu USD, tăng 4% so với cùng kỳ năm 2022. Còn trong tháng 9, xuất khẩu thuỷ sản của nước ta đạt 858 triệu USD, chỉ giảm 0,8% so với cùng kỳ năm ngoái. Đây là mức giảm thấp nhất của xuất khẩu thuỷ sản từ tháng 11/2022 đến nay. Một số sản phẩm chủ lực đã lấy lại sự cân bằng so với cùng kỳ năm ngoái. Trong đó, xuất khẩu tôm và cá ngừ đều đạt mức tương đương tháng 9/2022. Đáng chú ý, xuất khẩu cá tra phục hồi mạnh khi tăng 9% so với cùng kỳ năm ngoái. Xuất khẩu cá tra chưa thể tăng trưởng dương so với cùng kỳ nhưng đang có dấu hiệu hồi phục tốt.

Luỹ kế đến hết tháng 9/2023, xuất khẩu thuỷ sản thu về 6,64 tỷ USD, giảm 21,7% so với cùng kỳ năm 2022.

Với những dấu hiệu tích cực hơn từ thị trường Mỹ và Trung Quốc, Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP) dự báo xuất khẩu cá tra và tôm trong những tháng tới sẽ tiến triển tốt hơn. Theo đó, xuất khẩu cá tra có thể mang về doanh số 1,8 – 1,9 tỷ USD, xuất khẩu tôm ước đạt 3,6 tỷ USD và các mặt hàng hải sản sẽ đạt khoảng 3,5 tỷ USD. Và như vậy, dự báo tổng xuất khẩu thủy sản năm 2023 có thể đạt khoảng 9,1 – 9,2 tỷ USD, giảm 16% so với năm 2022.

Cá tra Việt Nam chuẩn bị đón “mùa vàng”

Kết quả xuất khẩu gần đây cho thấy, thị trường có dấu hiệu hồi phục so với những tháng trước. Hai thị trường chủ lực là Mỹ và Trung Quốc bắt đầu gia tăng nhu cầu. Theo đó, xuất khẩu thuỷ sản nước ta sang hai thị trường này đều ghi nhận tăng trưởng dương trong 2 tháng trở lại đây. .

Một số thị trường chính trong khối CPTPP như Nhật Bản, Úc, Canada cũng đang tăng nhập khẩu tôm từ Việt Nam.

Với mặt hàng cá tra, VASEP nhìn nhận đang có xu hướng hồi phục dần ở các thị trường Trung Quốc, Mexico, Brazil, Hà Lan, Anh và Mỹ… trong tháng 9/2023, xuất khẩu cá tra sang một số thị trường đã lấy lại cân bằng hoặc đạt mức cao hơn so với cùng kỳ năm 2022.

Tháng 6 và 7 vừa qua, lượng cá tra xuất khẩu của doanh nghiệp trên đà tăng trưởng trở lại. Đây là tín hiệu chứng tỏ thị trường phục hồi trong những tháng còn lại của năm nay và năm 2024

Tới hết tháng 9/2023, xuất khẩu sang top 3 thị trường lớn nhất là Mỹ, Trung Quốc và Nhật Bản đều vượt mốc 1 tỷ USD.  Riêng trong tháng 9, xuất khẩu thủy sản sang Mỹ, Trung Quốc, EU tăng từ 4 – 17% so với cùng kỳ năm 2022. Trong đó, Mỹ vẫn giữ vị thế số 1 với gần 1,2 tỷ USD, thấp hơn 33% so với cùng kỳ năm 2022. Thị trường Trung Quốc mang về cho thủy sản Việt Nam lượng ngoại tệ 1,15 tỷ USD trong 3 quý đầu năm, giảm 15%, trong khi Nhật Bản nhập khẩu thủy sản từ Việt Nam với giá trị gần 1,1 tỷ USD, giảm 14% so với cùng kỳ năm ngoái.

Theo đó, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Phùng Đức Tiến nhận định, Mỹ và Trung Quốc vẫn là hai thị trường xuất khẩu lớn của mặt hàng thuỷ sản Việt Nam. Đặc biệt, ở hai thị trường lớn này, cá tra đều là những sản phẩm chủ lực, thế mạnh của Việt Nam.

Đáng chú ý, ở thị trường Mỹ sau thời gian dài rà soát đã chính thức công nhận trình độ sản xuất, chế biến ngành cá tra Việt Nam tương đương với Mỹ, trong đó có nhiều sản phẩm chất lượng cao. Cùng với sự công nhận này, việc quan hệ Việt – Mỹ được nâng tầm lên đối tác chiến lược toàn diện vừa qua sẽ mở ra những cơ hội rất lớn cho xuất khẩu cá tra. Bên cạnh đó, xuất khẩu cá tra sang Mỹ, Trung Quốc đã phục hồi và ở nhiều thị trường khác cũng tăng cao. Trong khi đó, nhu cầu tiêu thụ sản phẩm này thường tăng rất mạnh vào mùa lễ hội cuối năm.

Để nắm bắt cơ hội cho xuất khẩu thủy sản cuối năm, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Phùng Đức Tiến cho biết, Bộ đã phối hợp cùng các tỉnh, thành phố tăng cường chỉ đạo nuôi trồng thủy sản các tháng cuối năm 2023, đảm bảo kế hoạch tăng trưởng.

Bởi giá sản phẩm thủy sản hiện tại vẫn đang ở mức thấp, lợi nhuận không nhiều, người dân có tâm lý “treo ao” chờ tín hiệu của thị trường.

Điều này dễ dẫn đến nguy cơ các tháng cuối năm có thể thiếu nguyên liệu thủy sản phục vụ chế biến và xuất khẩu, ảnh hưởng đến mục tiêu kế hoạch tăng trưởng năm 2023.

Lãnh đạo Bộ đã chỉ đạo Cục Thủy sản sắp tới tổ chức hội nghị phát triển thủy sản trong tình hình mới để chủ động nguyên liệu, nắm tốt cơ hội thị trường, làm sao để về đích được 10 tỷ USD trong năm 2023, Thứ trưởng Phùng Đức Tiến cho biết.

Ngoài ra, gói tín dụng 15.000 tỷ hỗ trợ cho ngành thuỷ sản và lâm nghiệp đến nay đã giải ngân được khoảng 5.500 tỷ đồng. Đây là động lực thúc đẩy doanh nghiệp ngành thuỷ sản đẩy mạnh sản xuất phục vụ xuất khẩu cuối năm.

Về cá tra, có thể kỳ vọng xuất khẩu thu về 2,3 tỷ USD trong năm nay. Tính chung cả ngành thuỷ sản, Thứ trưởng Tiến tính toán và kỳ vọng sẽ đạt 10 tỷ USD.