Khả quan mục tiêu tăng trưởng xuất khẩu 6% trong năm 2024

Tạm gác lại kết quả xuất khẩu hàng hóa quý I/2024 với tín hiệu khởi sắc, các ngành hàng tiếp tục dồn sức cho đơn hàng quý II, chắt chiu từng cơ hội để tiến đến mục tiêu tăng trưởng xuất khẩu 6% trong năm 2024.

Xuất khẩu 4,85 tỷ USD giày dép trong quý I/2024

1
Đơn hàng đã trở lại với nhiều doanh nghiệp dệt may, da giày.

Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, đơn hàng xuất khẩu hồi phục mạnh hơn trong tháng 3 đã giúp ngành giày dép mang về doanh thu xuất khẩu 1,7 tỷ USD, tăng hơn 600 triệu USD so với tháng trước đó. Với mức cao nhất từ đầu năm, nâng tổng xuất khẩu giày dép trong quý I/2024 cán mốc 4,85 tỷ USD, tăng 11,7% so với cùng kỳ năm trước. Nếu tính cả kim ngạch xuất khẩu túi xách 866 triệu USD (tăng 5,2% so với cùng kỳ) trong quý I/2024, toàn ngành da giày mang về kim ngạch hơn 5,7 tỷ USD.

Mức tăng trưởng xuất khẩu giày dép, túi xách của quý I năm nay chưa phản ánh sự hồi phục hoàn toàn của thị trường giày dép thế giới, bởi năm ngoái, ngành da giày bị sụt giảm hàng tỷ USD kim ngạch xuất khẩu. Điển hình là giày dép giảm gần 15%, túi xách giảm 9%, với doanh thu lần lượt 20,37 tỷ USD và 3,76 tỷ USD.

Tổng kim ngạch xuất khẩu toàn ngành trong năm ngoái đạt trên 24 tỷ USD, giảm gần 3 tỷ USD so với mục tiêu 27 tỷ USD đề ra, còn so với mức cao điểm 28 tỷ USD của năm 2022, kết quả xuất khẩu năm qua đã hụt khoảng 4 tỷ USD. Thị trường xuất khẩu của ngành da giày năm qua bị thu hẹp, khi kim ngạch xuất khẩu sang hầu hết các thị trường chủ lực đều giảm, điển hình là Mỹ, EU, Trung Quốc…

Thực tế cho thấy, từ quý IV/2022 , trước tác động của lạm phát, các thị trường xuất khẩu chính như Mỹ, EU, Nhật Bản đều suy giảm tiêu dùng. Trong khi nhu cầu tại các thị trường xuất khẩu chậm lại, hàng tồn kho của các nhà bán lẻ và các nhãn hàng tiếp tục ở mức cao đã khiến ngành da giày rơi vào tình trạng thiếu đơn hàng trầm trọng trong nửa đầu năm 2023.

Theo thống kê của một số doanh nghiệp sản xuất quy mô lớn, trong năm qua, lượng đơn hàng của ngành dệt may, da giày sụt giảm 25-50%, không ít doanh nghiệp phải tiến hành cắt giảm lao động, giờ làm, ngày làm, thu hẹp quy mô sản xuất.

Xuất khẩu tăng trưởng 2 con số trong quý I, nhưng Hiệp hội Da – Giày – Túi xách Việt Nam (Lefaso) nhận định, khó khăn về thị trường vẫn còn nhiều bởi tổng cầu chưa hồi phục hoàn toàn, các doanh nghiệp Việt vẫn phải theo dõi sát thông tin thị trường để có kế hoạch sản xuất kinh doanh phù hợp, tận dụng tối đa cơ hội từ các thị trường có Hiệp định thương mại tự do (FTA) để tăng hưởng ưu đãi thuế quan.

Chưa kể, một loạt các quy định về các sản phẩm sinh thái, trách nhiệm mở rộng của nhà sản xuất, truy xuất chuỗi cung ứng, các yêu cầu về giảm thiểu phát thải carbon đối với các sản phẩm sản xuất…được các nhà nhập khẩu EU đưa ra đang tạo thách thức lớn đối với các mắt xích trong chuỗi cung ứng, trong đó có Việt Nam.

2
Trong năm 2023, lượng đơn hàng của ngành dệt may, da giày sụt giảm 25-50%

Cùng với da giày, trong lĩnh vực dệt may, theo ông Cao Hữu Hiếu – Tổng Giám đốc Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex), dự kiến tổng cầu dệt may thế giới trong năm 2024 ở mức 715 tỷ USD, tăng nhẹ so với 2023 nhưng vẫn thấp hơn năm 2022. Vì vậy, nhiệm vụ trọng tâm trong năm 2024 của tập đoàn là kiên định thực hiện một cách tốt nhất những giải pháp đã đề ra và tiếp tục theo dõi, dự báo tình hình để ứng phó linh hoạt.

Trong mọi trường hợp, khi xác định khó khăn kéo dài, các giải pháp thông thường không hiệu quả cần nghĩ đến bài toán tái cơ cấu. Rà soát soát lại mô hình tổ chức, tối ưu hóa bộ máy, giảm tối đa tỷ lệ lao động gián tiếp, đồng thời tập trung vào công tác thị trường.

Với ngành chế biến và xuất khẩu gỗ, tính đến hết quý I/2024, theo số liệu thống kê của Tổng cục Hải quan, xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ thu về 3,4 tỷ USD, tăng 18,9% so với cùng kỳ năm 2023. Trong đó, trị giá xuất khẩu sản phẩm gỗ ước tính đạt 2,3 tỷ USD, tăng 22,9% so với cùng kỳ năm 2023. Sự khởi đầu thuận lợi trong những tháng đầu năm với việc các đơn hàng gia tăng, các doanh nghiệp ngành gỗ tăng tốc sản xuất để kịp tiến độ xuất khẩu đã mở ra tín hiệu tích cực và mang tới kỳ vọng cho ngành gỗ của Việt Nam trong năm 2024.

Dù tín hiệu đầu năm 2024 khá lạc quan, tuy nhiên, theo ông Đỗ Xuân Lập – Chủ tịch Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam, tại thị trường Hoa Kỳ các quy định về nguồn gốc gỗ nguyên liệu ngày càng chặt chẽ hơn; Bộ Thương mại Hoa Kỳ đang sửa đổi, bổ sung tổng cộng 22 nội dung liên quan một số quy định trong điều tra chống bán phá giá và chống trợ cấp bao gồm cả những cách xác định một số trợ cấp mới như bảo hiểm xuất khẩu, xóa nợ, thuế trực tiếp….

Tại thị trường EU, quy chế Chống mất rừng của EU (còn gọi là EUDR) của Liên minh châu Âu, tháng 12/2024 tới có hiệu lực. Với quy định về xác định nguồn gốc gỗ của Việt Nam hiện chưa thích quy định cụ thể. Thị trường Ấn Độ, áp dụng tiêu chuẩn đánh giá nhà máy mới, tiêu chuẩn BIS, áp dụng vào đầu năm 2024. Gây khó khăn cho doanh nghiệp Việt. Trong khi đó, tại thị trường Nhật, yêu cầu gỗ và sản phẩm gỗ của Việt Nam xuất khẩu sang thị trường này sử dụng nguồn gỗ có nguồn gốc rõ ràng ngày càng cao;…

Dồn sức cho xuất khẩu quý II/2024

3
Năm 2024, Bộ Công Thương đặt mục tiêu tăng trưởng xuất khẩu ở mức 6%.

Báo cáo của Bộ Công Thương cho biết, trong quý I/2024, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa ước đạt 93,06 tỷ USD, tăng 17% so với cùng kỳ năm trước (cùng kỳ năm 2023 giảm 11,6%). Trong quý I/2024, có 16 mặt hàng đạt kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỷ USD, chiếm 82,1% tổng kim ngạch xuất khẩu (có 4 mặt hàng xuất khẩu trên 5 tỷ USD, chiếm 52,7%).

Dấu hiệu tích cực là, trong quý I/2024, xuất khẩu tăng trưởng mạnh và đồng đều ở cả 3 nhóm hàng, trong đó, nông lâm thủy sản đạt 8,46 tỷ USD, tăng 23,8%; công nghiệp chế biến chế tạo ước đạt 79,6 tỷ USD, tăng 17,5%; nhiên liệu khoáng sản quý I/2024 ước đạt 1,13 tỷ USD, tăng 12,1% so với cùng kỳ năm 2023.

Về thị trường xuất khẩu, kim ngạch xuất khẩu tới hầu hết các thị trường trong quý I/2024 đều có sự phục hồi tốt và đạt mức tăng trưởng cao. Trong đó, Mỹ là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam với kim ngạch đạt 26 tỷ USD, tăng 25,5%; tiếp đến là Trung Quốc đạt 12,68 tỷ USD, tăng 5,2%; thị trường EU đạt 12,1 tỷ USD, tăng 16,3% số với cùng kỳ năm trước.

Ông Trần Thanh Hải – Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) đánh giá, quý I/2024 đang có mức tăng trưởng xuất khẩu cao nhất từ trước đến nay, đây là thành tích nói lên sự phục hồi của sản xuất cũng như nỗ lực của các doanh nghiệp Việt Nam.

Lý giải về khả năng phục hồi, ông Trần Thanh Hải cho biết, trước hết là bối cảnh thị trường ngoài nước đang có những tín hiệu tích cực. Cụ thể, thị trường Mỹ đang có những động thái về cắt giảm lãi suất, qua đó kích cầu tiêu dùng trở lại, mở rộng nhu cầu xuất nhập khẩu của các doanh nghiệp.

Bên cạnh đó, khu vực EU cũng đã vượt qua giai đoạn suy thoái, lượng tồn kho của giai đoạn trước đây đã hết, khu vực này cũng bắt đầu tăng nhập khẩu trở lại. Một yếu tố quan trọng nữa là các giải pháp của Chính phủ để hỗ trợ doanh nghiệp về cắt giảm thuế hoặc, cải cách hành chính đã giúp cho các doanh nghiệp Việt Nam mở rộng sản xuất tốt hơn.

Theo các chuyên gia, năm 2024, Bộ Công Thương đặt mục tiêu kim ngạch xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam đạt 377 tỷ USD, tăng khoảng 6% so với năm 2023; cán cân thương mại thặng dư dự kiến khoảng 15 tỷ USD. Để hoàn thành mục tiêu này, kim ngạch xuất khẩu trung bình mỗi quý còn lại của năm phải đạt 94,67 tỷ USD. Đây là mục tiêu đầy tham vọng, cần nhiều nỗ lực từ Chính phủ và cộng đồng doanh nghiệp mới có thể khả thi.

Bộ Công Thương cũng nhận định, nhìn chung, hoạt động xuất nhập khẩu của Việt Nam trong năm 2024, nhất là xuất khẩu sang các thị trường trọng điểm như châu Âu, châu Mỹ sẽ có cả những thuận lợi và đối mặt với những thách thức.

Theo đó, về thuận lợi, các FTA đang có với các đối tác/thị trường tiếp tục có tác động tích cực, duy trì lợi thế của Việt Nam trong hoạt động thương mại, đầu tư. Bên cạnh đó, nhu cầu thị trường thế giới nói chung và khu vực thị trường châu Âu, châu Mỹ từng bước phục hồi do lạm phát đã bắt đầu có xu hướng giảm từ cuối năm 2023 và có khả năng tiệm cận mức mục tiêu các Ngân hàng Trung ương đề ra cho năm 2024 (ECB và FED – 2%).

Việc các nước công nghiệp phát triển tiếp tục đẩy mạnh chiến lược đa dạng hoá nguồn cung, đa dạng hóa chuỗi cung ứng, đa dạng hoá đầu tư sẽ giúp Việt Nam trở thành trung tâm sản xuất và xuất khẩu quan trọng trong chuỗi giá trị toàn cầu. Các nước khu vực châu Âu, châu Mỹ đẩy mạnh phát triển kinh tế xanh, chuyển đổi số, kinh tế tuần hoàn mở ra nhiều cơ hội hợp tác mới cũng như dành nhiều hỗ trợ tín dụng và công nghệ đối với Việt Nam…

Về khó khăn, Bộ Công Thương cho biết, kinh tế toàn cầu đang bước vào một thời kỳ mới với nhiều rủi ro và thách thức và khó đoán định; tăng trưởng kinh tế thế giới và các nước khu vực châu Âu – châu Mỹ trong năm 2024 được dự báo thấp hơn so với năm 2023. Bên cạnh đó, xung đột địa chính trị tiếp tục kéo dài và bất ổn tiếp tục có nguy cơ lan ra các khu vực khác.

Xu hướng phi toàn cầu hoá đang tiếp tục trỗi dậy mạnh mẽ. Chính sách bảo hộ của các nước ngày một tăng. Việc các nước đa dạng hóa nguồn cung ngoài Trung Quốc, tập trung vào một số đối tác gần thị trường và đối tác tương đương với Việt Nam như Thổ Nhĩ Kỳ, Mexico, Ấn Độ, Indonesia,… sẽ làm gia tăng sự cạnh tranh trên các thị trường xuất khẩu của Việt Nam…

Để dồn sức cho xuất khẩu quý II/2024 và các tháng còn lại của năm nhằm hoàn thành nhiệm vụ kế hoạch năm 2024 đó là tăng trưởng xuất khẩu 6%, Thứ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Sinh Nhật Tân cho biết, với vai trò là cơ quan chủ trì trong quản lý, điều hành hoạt động xuất nhập khẩu, Bộ Công Thương sẽ tiếp tục theo dõi sát diễn biến thị trường và thay đổi chính sách của các đối tác để đề xuất các giải pháp phù hợp, phát triển đa dạng các thị trường xuất khẩu truyền thống và thị trường mới.

Đồng thời, tiếp tục kịp thời thông tin với các Hiệp hội ngành hàng về những diễn biến của thị trường xuất khẩu để doanh nghiệp kịp thời điều chỉnh kế hoạch sản xuất phù hợp, định hướng tìm kiếm đơn hàng từ các thị trường; duy trì đều đặn các hội nghị giao ban xúc tiến thương mại với hệ thống Thương vụ Việt Nam ở nước ngoài.

Bên cạnh đó, chỉ đạo hệ thống Thương vụ Việt Nam tại các khu vực thị trường thường xuyên cập nhật thông tin về tình hình thị trường nước ngoài; các quy định, tiêu chuẩn, điều kiện của thị trường nước ngoài có thể tác động đến hoạt động xuất nhập khẩu của Việt Nam và khuyến nghị đối với các địa phương, hiệp hội và doanh nghiệp xuất nhập khẩu.

Mặt khác, khai thác có hiệu quả các FTA, đẩy nhanh đàm phán, ký kết các FTA, liên kết kinh tế mới để đa dạng hóa thị trường, chuỗi cung ứng và đẩy mạnh xuất khẩu; phát triển dịch vụ logistics; hỗ trợ doanh nghiệp chuyển mạnh sang xuất khẩu chính ngạch gắn với xây dựng thương hiệu; tăng cường năng lực về phòng vệ thương mại, hoàn thiện hệ thống pháp luật, thể chế, cơ chế phối hợp liên ngành, địa phương;…