Xanh hoá là xu thế tất yếu của ngành dệt may

Xanh hóa là xu hướng bắt buộc, là con đường phải đi đối với các ngành sản xuất trong đó có dệt may, các doanh nghiệp bắt buộc phải triển khai nhằm đạt mục tiêu phát triển bền vững.

Xu hướng tất yếu

Trong bối cảnh doanh nghiệp, ngành hàng xuất khẩu vẫn đối mặt với nhiều thách thức, những tiêu chuẩn ngày càng cao của người tiêu dùng và thị trường, sản xuất xanh được xem là một trong những giải pháp dài hạn. Như với các doanh nghiệp trong ngành dệt may, đẩy nhanh tốc độ “xanh hóa” đang trở thành mục tiêu của ngành để tìm kiếm đơn hàng.

Các nước phát triển đều đặt ngành dệt may vào “tầm ngắm” về giảm phát thải. Do đó, muốn đẩy mạnh xuất khẩu hàng hóa, bắt buộc doanh nghiệp phải “xanh hóa” dệt may, từ đó mới có cơ hội tiếp cận đơn hàng lớn từ các thị trường như: EU, Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc,…

1
Xanh hóa là xu hướng bắt buộc, là con đường phải đi đối với các ngành sản xuất trong đó có dệt may.

Với cam kết của Chính phủ tại COP26 và những yêu cầu từ các nhà nhập khẩu, xanh hóa được xác định là yếu tố mang tính chiến lược đối với các doanh nghiệp. Hiệp hội Dệt may Việt Nam (Vitas) đặt mục tiêu đến năm 2023, giảm 15% tiêu thụ năng lượng, 20% tiêu thụ nước; đến 2030, chuyển đổi “xanh hóa” ngành dệt may, đồng thời xây dựng được 30 thương hiệu mang tầm quốc tế.

Trao đổi với báo chí, Chủ tịch Hiệp hội dệt may Việt Nam Vũ Ðức Giang cho biết, xanh hóa và phát triển bền vững là những tiêu chí cạnh tranh mà các thị trường lớn như: Mỹ, EU, Nhật Bản,… yêu cầu ở các nhà cung cấp bên cạnh yếu tố về giá cả, chất lượng sản phẩm và thời gian giao hàng. Xanh hóa trong ngành dệt may không phải câu chuyện định hướng tương lai, thực tế các doanh nghiệp đã bắt tay vào làm trong vài năm trở lại đây. Ðơn cử như những sản phẩm may mặc xuất khẩu vào châu Âu bắt buộc phải được sản xuất từ sợi cotton, sợi polyester pha với sợi tái chế được làm từ các sản phẩm thiên nhiên, phế phẩm hoặc sản phẩm dệt may dư thừa.

Ông Giang khẳng định, xanh hóa là xu hướng bắt buộc, là con đường phải đi đối với các ngành sản xuất trong đó có dệt may. Năm 2024, bên cạnh dự báo nền kinh tế thế giới và Việt Nam vẫn còn nhiều khó khăn, thách thức, ngành dệt may còn đối diện với hàng loạt khó khăn từ áp dụng cơ chế EPR và CBAM cũng như chiến lược “thời trang bền vững” thay cho “thời trang nhanh”, chỉ thị tra soát chuỗi cung ứng của OECD của EU; luật thẩm định chuỗi cung ứng của Đức…

Nói một cách tổng quát, các nhà nhập khẩu lớn đang tập trung vào các chỉ số phát triển bền vững ESG (môi trường, xã hội và quản trị) và tiêu chuẩn LEED (định hướng thiết kế về năng lượng và môi trường), nhà cung cấp nào có lợi thế này sẽ có sức cạnh tranh và nhiều đơn hàng hơn. Vì vậy, doanh nghiệp cần phải quyết liệt triển khai lộ trình xanh hóa trong thời gian tới nhằm đẩy mạnh xuất khẩu hàng hóa.

Bên cạnh đó, dưới góc độ doanh nghiệp, Tổng Giám đốc Tổng công ty May 10 Thân Ðức Việt khẳng định, xanh hóa trong hoạt động sản xuất không chỉ là yêu cầu đối với doanh nghiệp mà còn của toàn ngành trong việc thực hiện cam kết của Chính phủ Việt Nam tại COP26 là giảm phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050. Bên cạnh đó, rất nhiều doanh nghiệp hàng đầu thế giới tiên phong cam kết phát triển bền vững với việc sản xuất xanh, tạo ra các sản phẩm xanh,…

“Bản thân May 10 đã chuyển dịch theo hướng xanh hóa từ khoảng 5 năm trở lại đây bằng việc đầu tư các thiết bị sử dụng tiết kiệm năng lượng, tiết kiệm điện; đầu tư năng lượng tái tạo như: điện mặt trời áp mái, chuyển hệ thống dùng lò hơi than sang nồi điện nhằm chống ô nhiễm không khí…”, Tổng Giám đốc May 10 nhấn mạnh.

Ông Phạm Văn Việt, Phó chủ tịch Hội Dệt may Thêu Đan TP.HCM cho rằng, nếu doanh nghiệp dệt may không có lộ trình xanh hóa từ sản xuất đến tiêu thụ sẽ bị đào thải. “Kinh tế tuần hoàn là một mô hình kinh tế bao gồm tất cả các công đoạn thiết kế, sản xuất, phân phối. Trong đó, sử dụng nguyên liệu đầu vào đảm bảo tính môi trường, giảm thiểu tác động đến môi trường và có các lợi ích cơ bản cho nền kinh tế”, ông Việt nói.

Nói về xanh hóa ngành dệt may trong bối cảnh kinh tế tuần hoàn, PGS. TS Nguyễn Hồng Quân, Viện trưởng Viện nghiên cứu và phát triển Kinh tế tuần hoàn, Đại học quốc gia Tp.HCM cho biết, dệt may là một trong những ngành tiêu thụ tài nguyên, gây ô nhiễm môi trường, có cường độ phát thải nhà kính cao. Thế nhưng, nguồn cung nguyên phụ liệu của Việt Nam lại chủ yếu là nhập khẩu khoảng 70%. Điều này khiến doanh nghiệp khó kiểm soát được chất lượng và tính bền vững của chuỗi cung ứng. Riêng khâu dệt nhuộm, chưa có quy hoạch về không gian phát triển nên chưa hình thành được các khu công nghiệp dệt may lớn có hệ thống xử lý nước thải tập trung. Các dự án dệt, nhuộm đang nỗ lực để phát triển bền vững nhưng chưa ghi nhận được sự chia sẻ từ một số địa phương”, ông Quân cho biết.

Trong khi đó, TS. Huỳnh Thanh Điền, chuyên gia kinh tế nhận định: “Xuất khẩu dệt may ngày càng khó hơn. Nguyên nhân chủ yếu, Việt Nam đã và đang tham gia đàm phán, ký kết nhiều hiệp định thương mại tự do, trong đó có các hiệp định thế hệ mới, trong đó đặt ra nhiều tiêu chuẩn về xanh hoá”.

Ngành dệt may chuyển từ trọng tâm phát triển nhanh sang trọng tâm phát triển bền vững

2
Ông Vũ Đức Giang, Chủ tịch Hiệp hội Dệt May Việt Nam. 

Phát triển kinh tế tuần hoàn được coi là chiến lược trọng tâm giúp ngành dệt may Việt Nam hướng tới mục tiêu phát triển bền vững, tham gia sâu vào chuỗi cung ứng toàn cầu và có những thương hiệu ngang tầm quốc tế. Cùng với đó các thị trường nhập khẩu lớn của ngành dệt may Việt Nam đã đặt ra lộ trình và mục tiêu cụ thể về sử dụng sản phẩm thân thiện môi trường. Thực tiễn bắt buộc dệt may phải tuân thủ các tiêu chuẩn xanh hóa trong sản xuất, thực hiện trách nhiệm xã hội, môi trường.

Ông Vương Đức Anh, Chánh Văn phòng HĐQT Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex) cho biết, Tập đoàn Dệt may Việt Nam xác định phát triển bền vững sẽ là một câu chuyện về chiến lược đường dài, không thể một sớm một chiều, ngay lập tức chuyển đổi toàn bộ. Do đó, DN phải bám rất sát theo yêu cầu của khách hàng, cũng chính là yêu cầu của thị trường.

“Những thách thức nhưng cũng đặt ra những cơ hội, nếu chúng ta bắt kịp được sẽ nâng cao giá trị trên mỗi đầu lao động. Đối với ngành dệt may, lao động phổ thông có thể giảm đi nhưng những lao động có chất lượng phải tăng lên, đáp ứng được yêu cầu mới về phát triển bền vững. Để làm được những sản phẩm xanh, yêu cầu theo thiết kế sinh thái mới đó cũng là cơ hội, vì cơ hội xuất phát từ trong những thách thức. Dệt may phải xác định phát triển bền vững là một xu thế không thể đảo ngược, từ đó chủ động nắm bắt để cố gắng bắt nhịp cùng với thị trường, bắt sớm quá cũng sẽ không hiệu quả, nhưng phải bắt đúng”, ông Vương Đức Anh nói.

Yêu cầu về bền vững và cạnh tranh đã thúc đẩy các DN dệt may Việt Nam chuyển đổi xanh. Trên thực tế, nhiều DN đã định hướng phát triển bền vững từ nhiều năm trước. Cụ thể như Công ty CP Dệt may – Đầu tư – Thương mại Thành Công đã đầu tư cho nghiên cứu và phát triển kinh doanh, tạo ra những sản phẩm mới có tính năng đặc thù, thân thiện với môi trường, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của khách hàng. Hay như nhà máy Dệt Bảo Minh được đầu tư nhiều thiết bị công nghệ cao, triển khai Giải pháp tích hợp các hệ thống điều hành mang lại hiệu quả và sự chính xác, đồng bộ cho hoạt động sản xuất.

Ông Vũ Đức Giang, Chủ tịch Hiệp hội Dệt May Việt Nam cho biết, để phát triển bền vững, từ nay đến năm 2030, ngành dệt may sẽ chuyển dần từ trọng tâm phát triển nhanh sang trọng tâm phát triển bền vững, kinh doanh tuần hoàn. Giai đoạn từ 2031-2035, phát triển hiệu quả, bền vững theo mô hình kinh tế tuần hoàn; hoàn thiện chuỗi giá trị trong nước và tham gia ở vị trí có giá trị cao trong chuỗi cung ứng toàn cầu. Xuất khẩu và tiêu thụ trong nước bằng các thương hiệu riêng mang tầm khu vực và thế giới.

Giải pháp chính của ngành dệt may sẽ đến từ việc đầu tư cho phát triển bền vững, phát triển khoa học công nghệ và nguồn nhân lực. Trong đó, thu hút các dự án dệt, nhuộm hoàn tất công nghệ cao vào các khu công nghiệp; đầu tư sản xuất các loại nguyên liệu mới có nguồn gốc tự nhiên, thân thiện môi trường; chuyển đổi số, đầu tư phát triển ngành thời trang dệt may…

Ông Giang nhấn mạnh, xanh hóa là xu thế tất yếu của ngành dệt may. Cần tích ứng sản phẩm tuần hoàn vào sản phẩm dệt may, đây là điều bắt buộc chứ không còn chỉ nằm trên giấy. Vì thế, Chính phủ phải đồng hành cùng doanh nghiệp để xây dựng “chiến lược xanh hóa”, đầu tư các nhà máy có hạ tầng đạt các chuẩn mực đánh giá của các nhãn hàng như môi trường làm việc, nước thải, khí thải, năng lượng tái tạo bằng điện mặt trời áp mái.

Làm rõ hơn về vấn đề “xanh hóa”, Chủ tịch Hội đồng quản trị Vinatex Lê Tiến Trường khẳng định: “Xanh hóa” của dệt may Việt Nam có ba yếu tố cơ bản là sử dụng năng lượng xanh, dùng nguyên liệu sạch và môi trường lao động xanh. Đối với doanh nghiệp dệt may, lượng điện sử dụng rất lớn. Các doanh nghiệp trong Tập đoàn đã lắp đặt điện mặt trời trên mái của các xưởng, có thể đáp ứng khoảng 20% tổng lượng điện tiêu thụ của ngành sợi và 35% tổng lượng tiêu thụ đối với ngành may.

Về nguyên liệu, từ hóa chất, thuốc nhuộm, đến các nguồn nguyên liệu như bông, xơ,… các doanh nghiệp đều sử dụng nguồn nguyên liệu có nguồn gốc và chứng nhận sạch. Điều này giúp sản phẩm dệt may được truy xuất là sản phẩm xanh. Tiếp đến, các đơn vị thành viên luôn bảo đảm cho người lao động môi trường làm việc đạt tiêu chuẩn về điều kiện vệ sinh an toàn công nghiệp, đáp ứng yêu cầu của hệ thống các nhà mua hàng trên thế giới theo từng chu kỳ,…

Theo đánh giá của Tổng Giám đốc Vinatex Cao Hữu Hiếu, nguồn nguyên liệu chính của ngành công nghiệp dệt may từ cây bông sẽ không phát triển được ở nước ta vì điều kiện tự nhiên không phù hợp. Việt Nam chỉ có thể phát triển nguồn nguyên liệu tự nhiên như tơ tằm, đay gai, một số giống bông màu,… để làm hàng thời trang với quy mô nhỏ. Xơ polyester-nguyên liệu chính thứ hai, quy mô cũng đang ở mức rất nhỏ bé. Giai đoạn này, việc kêu gọi sử dụng nguyên liệu tái chế (xơ polyester tái chế) thì các nhà máy tái chế xơ ở Việt Nam chưa nhiều và cũng chưa được quan tâm. Cả hai loại nguyên liệu xơ polyester và xơ tái chế đều chưa được quan tâm đầu tư và con người chưa thật sự làm chủ được công nghệ là những thách thức trong mục tiêu “xanh hóa” dệt may ở Việt Nam.

Vì vậy, muốn phát triển bền vững ngành dệt may theo hướng “xanh hóa”, đòi hỏi các doanh nghiệp phải đẩy mạnh đầu tư, đổi mới trang thiết bị hiện đại, đồng thời tự chủ được nguồn cung nguyên phụ liệu, đa dạng hóa thị trường,… nhằm nâng cao sức cạnh tranh. Nhà nước cần có cơ chế hỗ trợ đặc thù, chính sách cụ thể về quỹ đất, khuyến khích phát triển công nghiệp hỗ trợ, quỹ tài chính về môi trường,… để các doanh nghiệp theo hướng xanh có thể tiếp cận quỹ, giúp doanh nghiệp có nguồn tài chính thuận lợi, giá hợp lý hơn, đẩy nhanh quá trình đầu tư và nâng cao sức cạnh tranh trên thị trường quốc tế.