Trung Quốc tiêu thụ nông sản Việt nhiều nhất

Trung Quốc, Hoa Kỳ và Nhật Bản tiếp tục là 3 thị trường xuất khẩu lớn nhất của các mặt hàng nông lâm thủy sản Việt Nam. Trong khi đó, Trung Quốc đang giữ vị trí Top đầu với con số 8,7 tỷ USD trong 9 tháng đầu năm 2023.

Trung Quốc, Hoa Kỳ và Nhật Bản tiếp tục là 3 thị trường xuất khẩu lớn nhất của các mặt hàng nông lâm thủy sản Việt Nam. Trong khi đó, Trung Quốc đang giữ vị trí Top đầu với con số 8,7 tỷ USD trong 9 tháng đầu năm 2023.

Trung Quốc tiêu thụ nông sản Việt nhiều nhất
Trung Quốc tiêu thụ nông sản Việt nhiều nhất

Tuy nhiên, kim ngạch xuất khẩu sang thị trường Hoa Kỳ sụt giảm mạnh 22,6% so với cùng kỳ năm ngoái, chỉ chiếm 20,7% tổng kim ngạch xuất khẩu của ngành hàng này trong 9 tháng qua. Xuất khẩu sang Nhật Bản cũng giảm 7,7%, chiếm 7,6% tổng kim ngạch.

Chỉ có thị trường Trung Quốc ghi nhận kim ngạch xuất khẩu tăng trưởng dương. Tính đến hết tháng 9/2023, xuất khẩu sang thị trường này đạt 8,71 tỷ USD, tăng 16,7% so với cùng kỳ năm ngoái, chiếm 22,1% giá trị xuất khẩu nông lâm thủy sản của Việt Nam.

Đáng chú ý, 9 tháng năm 2023, xuất khẩu rau quả đạt 4,2 tỷ USD, tăng gần 72% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong đó, xuất khẩu rau quả sang thị trường Trung Quốc ghi nhận con số 2,75 tỷ USD tăng 161,8% so với cùng kỳ năm ngoái.

Cùng với trái cây, Trung Quốc cũng chi 495,8 triệu USD mua gạo Việt Nam, tăng 55,2% so với cùng kỳ năm 2022.

Tương tự, xuất khẩu hạt điều sang thị trường này đạt gần 434 triệu USD, tăng hơn 42%; xuất khẩu cà phê trên 101 triệu USD, tăng 11,4%; thức ăn chăn nuôi và nguyên liệu đạt gần 436 triệu USD, tăng 30%.

Ông Đặng Phúc Nguyên – Tổng thư ký Hiệp hội rau quả Việt Nam – nhận định, nhờ ký kết được nhiều Nghị định thư xuất khẩu rau quả chính ngạch vào thị trường Trung Quốc nên kim ngạch tăng trưởng mạnh. Ví dụ như quả sầu riêng, sau khi ký nghị định thư, đơn hàng xuất khẩu bùng nổ. Kim ngạch tăng cao kỷ lục, đưa sầu riêng thành loại trái cây tỷ USD của Việt Nam.

Đồng quan điểm về vấn đề này, ông Nguyễn Minh Tiến – Giám đốc Trung tâm Xúc tiến thương mại Nông nghiệp (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) – nhận định, có thể thấy, xuất khẩu nông sản sụt giảm chủ yếu ở 2 thị trường Mỹ và EU với 2 nhóm chính là gỗ, lâm sản và thuỷ sản. Song tín hiệu đáng mừng là đầu năm 2023, Trung Quốc mở cửa trở lại biên giới sau đại dịch Covid-19 nên xuất khẩu nông sản sang Trung Quốc có bước tăng trưởng trở lại. Trung Quốc là thị trường lớn và đang phần nào giúp giảm bớt khó khăn cho xuất khẩu nông sản của Việt Nam, nhất là trái cây và gạo.

Bên cạnh đó, thời gian qua, Chính phủ, Bộ Công Thương, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã nỗ lực đàm phán mở cửa thị trường. Năm 2023, đã 2 lần Thủ tướng trực tiếp đi Trung Quốc và lần nào cũng đề xuất Chính phủ Trung Quốc mở cửa cho nông sản Việt Nam.

“Vừa rồi khi dự hội nghị ở Nam Ninh, Chính phủ Việt Nam đề nghị Trung Quốc tiếp tục mở cửa với 4 nhóm hàng như sầu riêng đông lạnh, ớt, dưa hấu, dược liệu… Có thể nói công tác đàm phán mở cửa thị trường đã được đẩy lên rất mạnh”, ông Nguyễn Minh Tiến nhấn mạnh.

Ảnh Vnexpress
Ảnh Vnexpress

Bên cạnh những thuận lợi, ông Nguyễn Đình Tùng – CEO Công ty xuất nhập khẩu Vina T&T, cho rằng ngành rau quả vẫn còn những khó khăn tại thị trường này khi thanh long, bưởi, nhãn của Việt Nam bắt đầu cuộc cạnh tranh khốc liệt với sản phẩm nội địa và hàng xuất khẩu từ nhiều quốc gia khác. Ngoài ra, hàng Việt nhiều sản phẩm xuất khẩu còn thiếu chất lượng khi có những lô hàng có trái cắt non, sâu rệp. Đặc biệt, nhiều sản phẩm xuất khẩu còn bị sai mã vùng trồng.

Do đó, ông Tùng cho rằng nếu không cải thiện chất lượng, hàng Việt dễ bị mất thị phần “béo bở” ở thị trường tỷ dân. So với các đối thủ Thái Lan, Ấn Độ, Philippines, thì Việt Nam là quốc gia láng giềng có đường biên giới giáp Trung Quốc nên việc xuất khẩu đường bộ và biển khá thuận lợi với chi phí thấp hơn nhiều. Do đó, nếu biết tận dụng lợi thế, quy mô, nâng cao chất lượng, và sản xuất hàng đúng vào các mùa cao điểm tiêu thụ của Trung Quốc như Trung Thu, Quốc Khánh, Tết Nguyên đán… rau quả Việt sẽ thắng lớn ở thị trường này.

Để khai thác sâu hơn nữa tiềm năng thị trường Trung Quốc, ông Nguyên cho rằng các doanh nghiệp Việt Nam cần nghiên cứu sâu và đầy đủ hơn về thị trường này. Nhà chức trách Việt cần phối hợp với các cơ quan hữu quan của Trung Quốc tiếp tục mở cửa nhập khẩu chính ngạch nhiều hơn cho các mặt hàng rau quả, cùng với đó là đa dạng hóa các sản phẩm xuất khẩu, tìm kiếm đối tác lớn.