Doanh nghiệp ngành tôm nỗ lực “vượt sóng”

Quý đầu năm nay, kim ngạch xuất khẩu tôm chiếm 35% tổng kim ngạch xuất khẩu thủy sản Việt Nam. Tôm Việt Nam được xuất khẩu sang gần 90 thị trường.

Kim ngạch xuất khẩu tôm chiếm 35% tổng kim ngạch xuất khẩu thủy sản

Ngành tôm của Việt Nam đang dần trở lại đường đua khi quý đầu năm nay, xuất khẩu tôm đạt trên 686 triệu USD, tăng 14% so với cùng kỳ năm 2023.

Riêng tháng 3/2024, xuất khẩu tôm đạt gần 272 triệu USD, tăng 3% so với cùng kỳ năm ngoái. Dù mức tăng trưởng còn khiêm tốn nhưng điều này cho thấy sức mua từ các thị trường đang phục hồi trở lại.

1
Kim ngạch xuất khẩu tôm chiếm 35% tổng kim ngạch xuất khẩu thủy sản.

Tháng 3/2024, Trung Quốc&Hồng Kông và Mỹ là 2 thị trường nổi bật, ghi nhận tăng trưởng lần lượt 17% và 4% so với cùng kỳ năm ngoái. Lũy kế 3 tháng đầu năm nay, xuất khẩu tôm sang Trung Quốc&Hồng Kông thu về 128 triệu USD, tăng 75%; xuất khẩu sang Mỹ đạt 121 triệu USD, tăng 16%.

Xuất khẩu tôm sang Nhật Bản, Hàn Quốc và EU trong quý đầu năm nay vẫn ghi nhận giảm từ 2%-14% so với cùng kỳ.

Đáng chú ý, trong quý đầu năm, hoạt động xuất khẩu tôm của Việt Nam khá sôi động sang một số thị trường nhỏ hơn như Canada, Đan Mạch, Anh, Đài Loan, Nga với mức tăng trưởng từ 17% – 224% so với cùng kỳ.

Để vượt qua những thách thức trước mắt và phát triển bền vững ngành hàng tôm, Chính phủ đã chỉ đạo các bộ, ngành liên quan, các địa phương tìm giải pháp tháo gỡ, tận dụng tối đa mọi cơ hội để có thể nhanh chóng vực dậy.

Theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP), trải qua quý đầu năm trong bối cảnh ngành tôm còn phải đối mặt với nhiều rủi ro, các doanh nghiệp tôm vẫn cho thấy những nỗ lực và quyết tâm trong sản xuất, kinh doanh.

Ông Lê Văn Quang – Chủ tịch HĐQT Tập đoàn thủy sản Minh Phú cho biết, để tăng đơn hàng, thời gian qua doanh nghiệp đã tích cực tham gia các hội chợ, triển lãm trên thế giới. Gần đây nhất là Hội chợ thủy sản quốc tế tại Boston tại Mỹ để giới thiệu sản phẩm của doanh nghiệp tới nhà nhập khẩu thế giới. Các sản phẩm tôm Việt Nam đều được nhà nhập khẩu đánh giá cao.

Trong kế hoạch sắp tới, Minh Phú tiếp tục tham gia các chương trình triển lãm để giới thiệu sản phẩm, dự kiến là Nhật Bản và Hàn Quốc… để tiếp cận người tiêu dùng ở 2 quốc gia này.

Bên cạnh đó, công ty cũng liên tục nâng chất lượng con tôm qua công nghệ nuôi sinh học, giúp giảm giá thành, tăng sức cạnh tranh cho tôm Việt.

Theo ông Hồ Quốc Lực – Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Thực phẩm Sao Ta, khó khăn của ngành tôm Việt vẫn chưa được khắc phục. Từ tháng 7/2023, Thực phẩm Sao Ta đã đưa vào vận hành khu trang trại Vinfarm ở Vĩnh Thuận, giúp mở rộng vùng nuôi thêm 203 ha, nâng tổng diện tích vùng nuôi lên 525 ha với khả năng cung ứng 16.000 tấn tôm nguyên liệu/năm. Khi vùng nuôi này đi vào vận hành đầy đủ sẽ giúp cải thiện đáng kể năng lực tự chủ tôm nguyên liệu của doanh nghiệp.

“Riêng với những khó khăn về thị trường, doanh nghiệp sẽ duy trì các giải pháp đang có và linh hoạt tối đa nhằm tận dụng mọi cơ hội, trong đó sẽ chú ý tìm hiểu cơ hội tại thị trường Trung Quốc”, ông Hồ Quốc Lực cho hay.

Ông Trần Bé Sáu, Giám đốc điều hành Nhà máy Thủy sản Việt – Úc (nằm trên địa bàn tỉnh Bạc Liêu) chia sẻ: “Tuy thị trường xuất khẩu đang gặp nhiều khó khăn, nhưng với kinh nghiệm và sự linh động trong xuất khẩu, chúng tôi sẽ tiếp tục tìm kiếm các đối tác tiềm năng, mở rộng thị trường để gia tăng kim ngạch xuất khẩu.

Song song đó là đầu tư đổi mới công nghệ, thiết bị và mở rộng quy mô sản xuất, nhằm nâng cao chất lượng, tăng giá trị, năng lực cạnh tranh cho hàng xuất khẩu của tỉnh đáp ứng nhu cầu thị trường và vượt qua các rào cản thương mại của các nước nhập khẩu”.

Theo các doanh nghiệp, quý đầu năm nay, kim ngạch xuất khẩu tôm chiếm 35% tổng kim ngạch xuất khẩu thủy sản Việt Nam. Tôm Việt Nam được xuất khẩu sang gần 90 thị trường. Kỳ vọng, đà tăng trưởng trong quý đầu năm vẫn sẽ được duy trì trong quý tiếp theo khi tồn kho tại các thị trường giảm, tín hiệu thị trường đã có phần sáng hơn.

Xuất khẩu tôm Việt Nam sẽ tăng nhẹ từ 10-15%

Nhận định về tình hình ngành tôm năm 2024, tại Hội nghị triển khai nhiệm vụ phát triển tôm nước lợ năm 2024, bà Trần Thụy Quế Phương – Chánh văn phòng VASEP cho biết, xuất khẩu của Việt Nam sẽ có cơ hội phục hồi và tăng trưởng nhẹ trong năm 2024, với mức từ 10% – 15% bởi kinh tế của các nước có nhu cầu tiêu thụ tôm dần hồi phục; các doanh nghiệp đẩy mạnh sản xuất sản phẩm giá trị gia tăng, chế biến sâu. Ngoài ra, nhu cầu sản phẩm có nguồn protein từ thủy sản đang dần thay thế nguồn protein từ động vật, nên trong thời gian tới thủy sản, đặc biệt là tôm, có cơ hội phát triển.

Về thị trường xuất khẩu trong năm 2024, Trung Quốc và Mỹ dự kiến tiếp tục là hai thị trường xuất khẩu tôm lớn nhất của Việt Nam trong năm 2024, chiếm khoảng 40 – 45% kim ngạch toàn ngành. Do những ảnh hưởng của biến động do xung đột chính trị, những biến động ở Trung Đông dẫn đến chi phí vận chuyển cao nên nhóm thị trường có vị trí gần Việt Nam như Nhật, Hàn Quốc, Trung Quốc cũng sẽ là lợi thế. Ngoài ra, sự tăng trưởng của thị trường nhỏ lẻ cũng là động lực để xuất khẩu tôm Việt Nam tăng trưởng trong thời gian tới.

Nói về những thách thức đối với ngành hàng này trong năm 2024, bà Trần Thụy Quế Phương cho hay, chi phí đầu vào vẫn tiếp tục tăng cao hơn so với các nước, Việt Nam sẽ tiếp tục gặp khó khăn cạnh tranh về giá với các nước Ecudor và Ấn độ. Việc sản xuất tôm thích ứng với biến đổi khí hậu sẽ là giải pháp cấp trong thời gian tới. Dù vậy, xuất khẩu tôm Việt Nam sẽ phục hồi và tăng nhẹ từ 10-15% vào năm nay.

Để phát triển ngành tôm bền vững Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Phùng Đức Tiến đề nghị “các địa phương cần tăng cường quản lý Nhà nước về tôm giống, vận chuyển, chất lượng tôm giống. Đồng thời, ứng dụng khoa học công nghệ về giống, chế phẩm sinh học, tôm nuôi, môi trường, an toàn vệ sinh thực phẩm”.