Thay đổi tập quán canh tác lạc hậu

Năm 2022, huyện Cái Nước (tỉnh Cà Mau) được Tiểu dự án 8, thuộc Dự án Chống chịu khí hậu tổng hợp và sinh kế bền vững đồng bằng sông Cửu Long (ÐBSCL) đầu tư 16 mô hình nuôi tôm quảng canh cải tiến kết hợp với các đối tượng khác và mô hình nuôi ghép tôm thẻ chân trắng với cá rô phi. Bước đầu các mô hình phát huy hiệu quả, mở ra hướng nuôi tôm thích ứng với biến đổi khí hậu và thời tiết cực đoan.

Hiện nay, mô hình nuôi tôm quảng canh cải tiến đang được bà con nông dân nhân rộng, năng suất đạt trung bình 500 kg/ha/vụ, cao gấp nhiều lần so với loại hình nuôi tôm quảng canh truyền thống. Tuy nhiên, thời gian gần đây do tác động biến đổi khí hậu, các yếu tố môi trường không ổn định, chất lượng nguồn nước phục vụ nuôi thuỷ sản suy giảm; thêm vào đó, một bộ phận bà con nông dân còn nặng tập quán canh tác lạc hậu, nuôi tôm dựa vào tự nhiên và thường xuyên cấp nước sông trực tiếp vào vuông tôm không qua lắng lọc, xử lý, mầm bệnh theo dòng nước xâm nhập vào vuông gây bệnh cho tôm nuôi, dẫn đến rủi ro, thiệt hại.

Người của Phòng NN&PTNT huyện kiểm tra yếu tố môi trường, tư vấn kỹ thuật nuôi tôm đối với hộ dân tham gia Dự án Chống chịu khí hậu tổng hợp và sinh kế bền vững ÐBSCL.

Anh Nguyễn Minh Trí, ấp Cái Rắn A, xã Phú Hưng, là một trong những hộ dân tham gia dự án, cho biết: “Sau khi cải tạo, tôi lấy nước vào vuông tôm, kết hợp sử dụng chế phẩm sinh học xử lý nguồn nước và tiến hành thả tôm sú giống chất lượng. Lúc này, môi trường nước trong vuông tôm khá ổn định, tuyệt đối không cấp nước ngoài sông vào vuông tôm, định kỳ 15 ngày xử lý chế phẩm sinh học một lần, duy trì môi trường ổn định và tạo nguồn thức ăn tự nhiên giúp tôm nuôi phát triển. Kết quả, sau gần 4 tháng thả nuôi, tôm phát triển đạt trọng lượng trung bình 30 con/kg, đang trong giai đoạn thu hoạch tỉa thưa, dự kiến trừ chi phí sẽ có lãi trên 45 triệu đồng/ha/vụ”.

Ðể nhân rộng dự án, Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) huyện phối hợp với các xã thành lập tổ cộng đồng nuôi tôm sú quảng canh cải tiến an toàn sinh học, kết hợp tổ chức tập huấn và hội thảo, tạo điều kiện thuận lợi cho bà con nông dân áp dụng.

Ông Hồ Minh Anh, ấp Công Trung, xã Trần Thới, phấn khởi: “Trước đây đa phần nông dân khu vực này nuôi tôm theo hình thức quảng canh truyền thống. Hàng tháng đều thả tôm sú giống và đến con nước rút cống lấy nước vào đặt lú bắt tôm, năng suất đạt không cao, tôm nuôi thường xuyên bị thiệt hại. Sau khi áp dụng mô hình nuôi tôm sú quảng canh cải tiến an toàn sinh học, bà con biết lựa chọn tôm sú giống chất lượng thả nuôi, định kỳ xử lý môi trường bằng chế phẩm sinh học, chất lượng nguồn nước trong vuông tôm được cải thiện, không xảy ra tình trạng tôm nuôi chết như trước đây, trung bình mỗi vụ có lãi trên 50 triệu đồng/ha”.

Theo Thạc sĩ Nguyễn Hoàng Nam, Phó trưởng phòng NN&PTNT huyện Cái Nước, mô hình nuôi tôm sú quảng canh cải tiến an toàn sinh học kết hợp với các đối tượng khác đã giúp bà con nông dân thay đổi tập quán canh tác lạc hậu. Thay vào đó là đẩy mạnh ứng dụng khoa học – kỹ thuật vào sản xuất, trọng tâm sử dụng chế phẩm sinh học cải thiện môi trường, tạo điều kiện thuận lợi cho tôm nuôi phát triển, năng suất tăng từ 15-20% so với hình thức truyền thống, nông dân rất phấn khởi.