Giá gạo neo ở mức cao, doanh nghiệp xuất khẩu e ngại ký hợp đồng mới

Tuần đầu tiên của năm 2024, giá gạo xuất khẩu của các nguồn cung Thái Lan, Việt Nam và Pakistan ít biến động nhưng vẫn neo ở mức cao. Thời điểm này nhiều doanh nghiệp không dám ký thêm đơn hàng mới vì lo ngại thu mua nguyên liệu giá cao, rủi ro trượt giá.

gao20240108094735
Giá gạo neo ở mức cao, doanh nghiệp xuất khẩu gạo e ngại ký hợp đồng mới.

Giá gạo xuất khẩu thế giới đứng vững ở mức cao

Theo các dữ liệu của Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA), trong tuần đầu tiên của năm 2024, giá gạo xuất khẩu của các nguồn cung Thái Lan, Việt Nam và Pakistan không có sự biến động so với những ngày cuối năm 2023.

Cụ thể, ở phân khúc 5% tấm, gạo của Việt Nam và Thái Lan hiện có cùng mức giá 653 USD/tấn, bỏ xa gạo cùng phẩm cấp của Pakistan 60 USD/ tấn – gạo 5% tấm của nước này hiện ở mức giá 593 USD/tấn.

Ở phân khúc 25% tấm, gạo của Việt Nam hiện có giá cao hơn các nguồn cung khác khi vững mức giá 633 USD/tấn, vị trí thứ 2 là Thái Lan khi có giá 589 USD/tấn, còn Pakistan hiện ở mức 513 USD/tấn.

Mặc dù không biến động song giá gạo toàn cầu hiện được nhận định vẫn ở mức cao theo hướng có lợi cho người bán, bởi nguồn cầu tiếp tục ở mức cao. Chẳng hạn tại Philippines, theo quan chức Bộ Nông nghiệp (DA) nước này cho biết, mức tiêu thụ cả nước khoảng 36.000 tấn/ngày, tương đương khoảng 1,08 triệu tấn/tháng và nguồn cung gạo của nước này sẽ đủ cho đến khi bắt đầu vụ thu hoạch tiếp theo vào tháng 3/2024.

Tuy nhiên, theo một dự báo từ Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp Liên Hợp Quốc (FAO), việc trồng lúa vụ phụ của Philippines dù đã được tiến hành song lượng mưa dưới mức trung bình ở các vùng trồng lúa có thể ảnh hưởng đến sản xuất lúa vụ phụ (lượng mưa dưới mức trung bình và nhiệt độ tăng cao được dự báo sẽ diễn ra trong khoảng thời gian từ tháng 12/2023 đến tháng 3/2024) do hiện tượng El Nino đang diễn ra. Từ đó, FAO dự báo nhập khẩu gạo năm 2024 của nước này tiếp tục ở mức cao.

Với Bangladesh, các dự báo cho thấy nguồn cung của nước này không đủ so với nhu cầu trong nước và vẫn phải phụ thuộc vào nhập khẩu. Cụ thể, về cung, USDA đã hạ dự báo sản lượng gạo xay xát trong niên vụ 2023/24 (từ tháng 5/2023 – tháng 4/2024) của Bangladesh xuống 36,3 triệu tấn (từ mức 36,4 triệu tấn dự báo chính thức trước đó). Dự báo này giảm nhẹ so với ước tính 36,35 triệu tấn của năm trước. Sự sụt giảm này là do thiệt hại một phần vụ lúa mùa Aman ở một số huyện ven biển do cơn bão “Midhili” tấn công vào ngày 17/11/2023. Trong khi đó về cầu, USDA giữ nguyên dự báo tiêu thụ gạo niên khóa 2023/24 của Bangladesh không thay đổi ở mức chính thức 37,7 triệu tấn do dự báo sản xuất và nhập khẩu gạo thấp hơn. Dự báo tăng nhẹ so với ước tính 37,6 triệu tấn của năm trước.

Ngoài ra, các quốc gia khác gồm Indonesia, Malaysia… cũng được dự báo có nhu cầu lớn trong năm 2024. Từ đó, các chuyên gia dự báo rằng, giá gạo toàn cầu dự kiến sẽ không giảm trước năm 2025. Về nguyên nhân, báo cáo cho biết do các biện pháp hạn chế xuất khẩu từ các nước sản xuất lớn và mối đe dọa từ hiện tượng EI Nino.

Doanh nghiệp không dám ký thêm đơn hàng

Ấn Độ cấm xuất khẩu gạo, nhiều đối tác tìm đến Việt Nam để giải quyết cơn khát lương thực, giá gạo xuất khẩu của nước ta đã tăng rất nhanh và hiện đang neo ở mức cao nhưng doanh nghiệp không dám ký thêm đơn hàng mới.

Ông Nguyễn Văn Thành, Giám đốc Công ty TNHH Sản xuất – Thương mại Phước Thành IV cho biết thời điểm này, chỉ có doanh nghiệp dư hàng mới dám chào bán, còn lại các doanh nghiệp chủ yếu trả các đơn hàng cho các đối tác truyền thống, không dám ký thêm nhiều đơn hàng vì lo ngại giá lúa nguyên liệu cao. Đây cũng là câu chuyện mà các doanh nghiệp gạo như Trung An, Việt Hưng chia sẻ với báo chí.

Ông Phan Văn Có, Giám đốc marketing Công ty TNHH Vrice cũng cho rằng các doanh nghiệp cần “cẩn trọng” ở mức cao vì trường hợp Ấn Độ dỡ bỏ lệnh cấm, hạn chế xuất khẩu gạo, tình thế có thể sẽ đảo ngược và doanh nghiệp có thể đối mặt với rủi ro thua lỗ khi mua nguyên liệu giá cao.

Để giữ cho doanh nghiệp trong vùng an toàn, GS. TS Võ Tòng Xuân khuyến cáo các công ty không nên ký hợp đồng theo giá cố định mà đàm phán giá kèm theo điều kiện tăng/giảm trong phạm vi nhất định khi nguyên liệu biến động mạnh.

Ngay cả các hợp đồng thu mua nguyên liệu với nông dân cũng cần có sự linh hoạt, giá cao doanh nghiệp sẽ bù thêm cho nông dân, giá giảm thì nông dân chia sẻ với doanh nghiệp. Trong mối liên kết bền vững, doanh nghiệp và nông dân sẽ cùng nhau chia sẻ cơ hội và rủi ro.

Ở một góc nhìn khác, PGS. TS Đinh Trọng Thịnh, Giảng viên cao cấp của Học viện Tài chính cho biết giá gạo của nước ta đắt nhất thế giới là một tin vui, tuy nhiên sự biến động về giá này chỉ diễn ra trong thời gian ngắn, giá gạo tăng và đứng ở mức rất cao nhưng sau đó sẽ giảm xuống và trở về mức cân bằng, mức này thường thấp hơn mức đã lập đỉnh khá nhiều.

“Các doanh nghiệp cần hết sức cẩn trọng, nếu doanh nghiệp không tỉnh táo, đu đỉnh có thể dẫn đến già néo đứt dây”, PSG. TS Đinh Trọng Thịnh cảnh báo.

Khi giá cả các mặt hàng nói chung và mặt hàng gạo nói riêng biến động mạnh sẽ ảnh hưởng đến quá trình tiêu thụ cũng như hoạt động sản xuất, kinh doanh, tích trữ.

Ông Nguyễn Duy Thuận, tổng giám đốc Tập đoàn Lộc Trời, cho rằng giá gạo xuất khẩu tăng lẽ ra là cơ hội để gạo Việt có thể khẳng định uy tín trên thị trường với nguồn cung ổn định, chất lượng tốt. Tuy nhiên, nhiều doanh nghiệp đã ký hợp đồng trước đó, khi chưa có hàng cũng không có cam kết với nông dân trồng lúa. Khi giá gạo trên thị trường thế giới tăng, các doanh nghiệp phải giành giật nhau mua gạo giá cao nhằm có hàng giao theo hợp đồng, các nhà máy xay xát đi mua lúa giá cao.

“Giá lúa tăng do thông tin nhiễu loạn, nông dân bẻ kèo đền cọc cho những nhà máy đã đặt cọc để mong bán lúa giá cao hơn nữa… Hiện tượng này làm cho thị trường lúa gạo trong nước bị nhiễu loạn một cách không cần thiết, thậm chí có hại về lâu dài do quan hệ đối tác bị bẻ gãy, nông dân, thương lái, nhà máy và nhà xuất khẩu không còn tin tưởng lẫn nhau”, ông Thuận cảnh báo.