Thách thức mới cho xuất khẩu cà phê vào EU

Nghị viện châu Âu đã tạm trì hoãn việc thực thi “Quy định không phá rừng của Liên minh châu Âu – EU (EUDR – EU Deforestation-free Regulation). Mặc dù vậy, chúng ta phải hiểu đây chỉ là tạm dừng “kỹ thuật” vì lý do khách quan, chứ không phải không thực thi. Và các cơ quan hữu quan Việt Nam cũng như các đơn vị xuất khẩu cà phê vào EU cần khẩn trương chuẩn bị để thích ứng với quy định này khi nó tái khởi động.

Từ quy định EUDR

Ngày 19 tháng 4 năm 2023, Nghị viện Liên minh châu Âu (EU) đã thông qua luật thương mại quốc tế liên quan quy định về chống phá rừng (EUDR) với mục tiêu giảm thiểu và cuối cùng là loại bỏ nạn phá rừng trong nông nghiệp, vốn là tác nhân hàng đầu gây ra biến đổi khí hậu. Theo quy định, EU sẽ cấm nhập khẩu 7 mặt hàng bao gồm: Gia súc, ca cao, cà phê, dầu cọ, đậu nành, cao su và gỗ nếu phát hiện có hành động gây mất và suy thoái rừng trong khâu sản xuất và chế biến.

Doanh nghiệp có từ 18-24 tháng sau khi EUDR có hiệu lực để chứng minh sản phẩm đáp ứng với các yêu cầu của EUDR. Điểm chú ý là toàn bộ các nông sản sẽ chỉ được nhập khẩu vào EU nếu toàn bộ quy trình sản xuất không diễn ra trên diện tích rừng bị chặt phá kể từ sau ngày 31-12-2020.

Với việc tuân thủ EUDR, các mặt hàng trong danh mục nhập khẩu vào EU sẽ được đánh giá dựa trên 3 mức rủi ro: Thấp, trung bình và cao. Theo đó hàng nhập vào EU sẽ kiểm tra 9% lô hàng đến từ các nước có rủi ro phá rừng cao, 3% lô hàng đối với các nước có rủi ro trung bình và 1% lô hàng từ các nước có rủi ro thấp. Đặc biệt, các mặt hàng có mức độ rủi ro thấp nhưng thuộc phạm vi vùng/quốc gia với một mặt hàng có rủi ro cao thì cũng đối mặt với nguy cơ bị EU coi là mặt hàng có độ rủi ro cao.

Việt Nam chủ yếu xuất khẩu cà phê thô, chiếm hơn 95% tổng giá trị xuất khẩu cà phê sang EU
Việt Nam chủ yếu xuất khẩu cà phê thô, chiếm hơn 95% tổng giá trị xuất khẩu cà phê sang EU

Đến tạm hoãn quy định EUDR

Sau khi được ban hành, EUDR đã hứng chịu nhiều lời chỉ trích từ đại diện doanh nghiệp và chuyên gia toàn cầu, do lo ngại rằng các nhà sản xuất cà phê sẽ không thể thực hiện những thay đổi cần thiết, cũng như chứng minh nguồn gốc sản phẩm của mình sao cho kịp với thời hạn của EU.

Tại Việt Nam, hiện nhiều doanh nghiệp gặp khó khăn khi phải chứng mình nguồn gốc đất trồng cà phê vì diện tích trồng cà phê phần lớn chưa được số hóa. Nông dân trồng cà phê hiện đóng vai trò chủ đạo ngay từ đầu chuỗi cung ứng, họ trực tiếp quản lý tới hơn 80% diện tích trồng cà phê, đóng góp 95% tổng nguồn cung cà phê Việt Nam.

Chuỗi cung ứng cà phê của Việt Nam lại có đặc điểm là hơn một nửa sản lượng cà phê có nguồn gốc từ các hộ trồng cà phê nhỏ, có diện tích chuyên canh thường nhỏ hơn 3 ha/hộ, mỗi hộ có nhiều rẫy cà phê rất khác nhau. Chuỗi cung ứng tuy rộng khắp nhưng lại có nhiều tầng, nấc trung gian khá phức tạp từ xã đến tỉnh, thành phố, rồi mới tới các công ty chế biến, xuất khẩu khiến việc truy xuất nguồn gốc càng trở nên rất khó khăn. Chưa kể gần 75% vườn trồng cà phê chưa có dữ liệu định vị theo tiêu chuẩn EUDR. Điều đó dẫn tới việc xây dựng cơ sở dữ liệu truy xuất nguồn gốc trong thời gian ngắn là không thể.

Chưa kể các quy định trong EUDR cũng rất phức tạp, khiến chính các quan chức EU cũng cần thêm thời gian để hoàn thiện hệ thống phân loại trước đó vốn chỉ được chia ở ba mức: Thấp, trung bình và cao.

Đầu tháng 3 năm 2024, Liên minh châu Âu đã thông báo về việc tạm thời hoãn phân loại rủi ro phá rừng (EUDR). Mọi mặt hàng cà phê tất cả các nước xuất vào vào EU đều sẽ được đánh giá rủi ro phá rừng ở mức trung bình đối với cà phê vào lục địa này, để chờ những quy định cụ thể hơn. Chúng ta phải hiểu, đây chỉ là tạm trì hoãn vì lý do khách quan, chứ không phải không thực thi.

Nông dân hiện đóng vai trò chủ đạo và trực tiếp quản lý tới hơn 80% diện tích trồng cà phê, đóng góp 95% tổng nguồn cung cà phê Việt Nam
Nông dân hiện đóng vai trò chủ đạo và trực tiếp quản lý tới hơn 80% diện tích trồng cà phê, đóng góp 95% tổng nguồn cung cà phê Việt Nam

Việt Nam tích cực chuẩn bị EUDR

Theo các chuyên gia, doanh nghiệp cà phê Việt Nam nên tận dụng khoảng thời gian EUDR được sửa đổi để chạy đua với thời gian, hoàn thiện thủ tục và quy trình sản xuất, truy xuất nguồn gốc. Mọi sự chuẩn bị cần bám sát khung kế hoạch hành động thích ứng với EUDR với những ưu tiên rất cụ thể như: tăng cường giám sát chặt chẽ vùng nguy cơ rủi ro cao; xây dựng và công nhận cơ sở dữ liệu quốc gia về rừng tự nhiên và vùng trồng; xác định các giải pháp phù hợp trong việc giám sát, bảo vệ và khôi phục rừng và thiết lập hệ thống truy xuất, hỗ trợ sinh kế, sản xuất bền vững. Kế hoạch thích ứng cũng khuyến nghị việc hoàn thiện khung pháp lý của Việt Nam trong lĩnh vực EUDR cần tập trung hơn vào các hộ kinh doanh nhỏ lẻ, nông hộ nghèo và những khu vực nông nghiệp trồng trọt phát triển không bền vững.