Sầu riêng Việt vị thế Á quân

Thái Lan dường như đang đuối sức trong cuộc đua giữa các quốc gia xuất khẩu sầu riêng vào Trung Quốc và EU, nhưng Việt Nam cũng không chắc chắn giành được vị trí dẫn đầu khi Malaysia đang từng bước trở thành một trong những nguồn cung chủ chốt.

Một nghị định thư xuất chính ngạch sầu riêng đông lạnh sẽ sớm được Việt Nam ký với Trung Quốc, giúp tăng giá trị xuất khẩu mặt hàng này thêm 30% mỗi năm, ông Đặng Phúc Nguyên, Tổng thư ký Hiệp hội Rau quả Việt Nam (Vinafruit), nhận xét.

Điều ông Nguyên lo ngại là Malaysia đang nổi lên như một nguồn cung chính, đặc biệt tại thị trường Trung Quốc và EU, đặt ngành sầu riêng Việt Nam vào thế “phải thay đổi”, chỉ khi đó mới có thể mang về 3,5 tỷ USD cho năm nay.

Năm 2023, tổng kim ngạch xuất khẩu rau quả Việt Nam vào EU đạt khoảng 300 triệu USD, trong đó sầu riêng chiếm khoảng 20 triệu USD
Năm 2023, tổng kim ngạch xuất khẩu rau quả Việt Nam vào EU đạt khoảng 300 triệu USD, trong đó sầu riêng chiếm khoảng 20 triệu USD

Thị trường thêm phần khó

Châu Âu, một thị trường trong kế hoạch mở rộng xuất khẩu sầu riêng ngoài Trung Quốc của ngành trái cây Việt Nam đang vấp phải những thách thức mới. Hiện, châu Âu đang nhập khẩu khoảng 90% sầu riêng từ Việt Nam.

Theo thông báo ngày 17/1 của Ủy ban châu Âu (EC), EU đang tăng cường mức độ kiểm soát chính thức việc nhập khẩu các lô hàng sầu riêng từ Việt Nam. Kể từ đầu tháng 2, sầu riêng tươi và đông lạnh của Việt Nam vào thị trường EU bị kiểm tra dư lượng thuốc trừ sâu ngay tại cửa khẩu, với tần suất 10%.

Việt Nam không phải trường hợp cá biệt có hàng hóa bị EU siết chặt kiểm tra an toàn thực phẩm. Tuy nhiên, tần suất kiểm tra 10% ngay lần đầu tiên đã khiến ông Nguyên “giật mình”.

Ông Nguyên dẫn chứng những cảnh báo gần đây ghi nhận xu hướng giảm vi phạm dư lượng hóa chất của hàng nông sản Việt Nam vào EU. Theo Văn phòng Thông báo và Điểm hỏi đáp quốc gia về vệ sinh dịch tễ và kiểm dịch động thực vật (SPS Việt Nam), 10 tháng đầu năm 2023, EU đã đưa ra 55 cảnh báo đối với nông sản, thực phẩm từ Việt Nam, giảm khoảng 15% so với năm 2022.

Tổng thư ký Hiệp hội Rau quả Việt Nam cho rằng dư lượng hóa chất trong sản phẩm sầu riêng xuất sang thị trường EU có thể đã “vô tình” đến từ hai nguồn. Thứ nhất, thu mua sầu riêng bên ngoài để bù đắp số lượng thiếu hụt. Thứ hai, khó xác định 100% phân bón vô cơ hay hữu cơ không lẫn hóa chất.

Hầu hết doanh nghiệp Việt Nam đều nắm vững quy định của thị trường châu Âu, đang tìm cách thích ứng với các quy định mới, khuyến cáo người trồng sầu riêng đặc biệt chú ý áp dụng các phương thức kỹ thuật để đáp ứng yêu cầu của mới của EU, ông nói thêm.

“Tại thị trường châu Âu, tiêu thụ sầu riêng chủ yếu là người dùng gốc Á, người châu Âu ít ăn sầu riêng”, ông Nguyên cho biết. Năm 2023, tổng kim ngạch xuất khẩu rau quả Việt Nam vào EU đạt khoảng 300 triệu USD, trong đó sầu riêng chiếm khoảng 20 triệu USD.

Tổng thư ký Vinafruit cho biết: “Áp lực cạnh tranh đang rất lớn do doanh nghiệp cùng lúc chịu tác động EU tăng tần suất kiểm tra 10% và giá cước cao do vận chuyển đường hàng không”. Tại thị trường châu Âu, sầu riêng Việt Nam đang phải cạnh tranh gay gắt với sầu riêng Thái Lan, đặc biệt là nguồn cung đang mạnh lên từ Malaysia.

Năm 2024, Malaysia dự kiến xuất khẩu sầu riêng tươi sang Trung Quốc – thị trường trị giá 4 tỷ USD – thông báo này được đưa ra sau khi Bộ Nông nghiệp và An ninh lương thực Malaysia cùng Tổng cục Hải quan Trung Quốc ký “thỏa thuận 6 điểm” về xuất khẩu sầu riêng tươi của Malaysia vào Trung Quốc hồi tháng 10/2023.

Trung Quốc đã nhập múi sầu riêng đông lạnh từ Malaysia từ năm 2017 và nguyên trái đông lạnh từ năm 2019. Việc được cấp phép xuất quả tươi sẽ giúp Malaysia cạnh tranh tốt hơn với Thái Lan, quốc gia xuất khẩu 99% tổng lượng sầu riêng nhập khẩu, sầu riêng tươi và đông lạnh, vào thị trường Trung Quốc.

Malaysia đang nổi lên trong vai trò nguồn cung mới cho thị trường sầu riêng thế giới. Dữ liệu của Bộ Nông nghiệp và An ninh lương thực Malaysia cho thấy năm 2023, sản lượng sầu riêng của quốc gia này đã đạt 455.458 tấn. Trong đó có 10% được vận chuyển đông lạnh sang Trung Quốc, Hồng Kông và Singapore.

Trong 2 tháng đầu năm 2024, nếu xét về giá sầu riêng Việt Nam xuất sang Trung Quốc vẫn thấp hơn Thái Lan 1.217 USD mỗi tấn
Trong 2 tháng đầu năm 2024, nếu xét về giá sầu riêng Việt Nam xuất sang Trung Quốc vẫn thấp hơn Thái Lan 1.217 USD mỗi tấn

Thái Lan sẽ không ngồi yên

Thái Lan từng là nguồn cung duy nhất xuất khẩu sầu riêng cho thị trường Trung Quốc, nhưng thị phần đang suy giảm. Theo Hải quan Trung Quốc, Việt Nam trong 2 tháng đầu năm 2024, đã vượt qua Thái Lan để vươn lên vị trí số 1 về xuất khẩu loại nông sản này vào Trung Quốc, với 32.750 tấn, tăng 2,4 lần so với cùng kỳ năm 2023. Mức tăng này, đưa thị phần trái sầu Việt Nam tăng lên 57% tại Trung Quốc, so với mức 32% năm 2023.

Thái Lan chắc chắn không ngồi yên nhìn miếng bánh thị phần bị chia thành các phần nhỏ hơn, theo nhiều nghiên cứu về xuất khẩu rau quả. Chất lượng đồng nhất và mẫu mã được xem là yếu tố sống còn giúp Thái Lan giải bài toán cạnh tranh với Việt Nam, cũng như các nguồn cung mới, như Malaysia và một lượng nhỏ đến từ Philippines.

Ngành nông nghiệp Thái Lan thường xuyên tổ chức tập huấn tới từng hộ nông dân về quy trình canh tác, giám sát từ khi cây ra hoa, xả nhụy đến khi cắt trái, kiểm tra chất lượng trước khi cắt bán cho doanh nghiệp. Cách quản lý này giúp sầu riêng Thái Lan cạnh tranh về chất, thay vì lượng.

Việc kiểm soát chặt chẽ chất lượng sầu riêng đã mang lại cho Thái Lan những lợi thế nhất định. Theo dữ liệu của Hải quan Trung Quốc, trong 2 tháng đầu năm 2024, nếu xét về giá, bình quân mỗi tấn sầu riêng Việt Nam xuất sang Trung Quốc là 4.916 USD, vẫn thấp hơn so với mức 6.133 USD của Thái Lan.

Xuất khẩu sầu riêng sang Trung Quốc tăng trưởng tốt, nhưng cũng cảnh báo những rủi ro “bỏ trứng vào một giỏ”. Quý 1/2024, giá trị xuất khẩu sầu riêng sang Trung Quốc chiếm tới 98% trong tổng kim ngạch xuất khẩu sầu riêng của Việt Nam, theo số liệu từ Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.

Thống kê năm 2023 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ghi nhận, diện tích trồng sầu riêng của Việt Nam ước đạt 110.000 ha, tăng 24% so với năm trước
Thống kê năm 2023 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ghi nhận, diện tích trồng sầu riêng của Việt Nam ước đạt 110.000 ha, tăng 24% so với năm trước

Việc Trung Quốc cảnh báo 30 lô hàng sầu riêng của Việt Nam nhiễm kim loại nặng cadimi vượt giới hạn quy định an toàn thực phẩm, cho thấy sự phức tạp và thách thức xuất khẩu mặt hàng này đang lớn hơn bao giờ hết.

Theo ông Hoàng Trung, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, lợi thế của sầu riêng Việt Nam là khả năng cung cấp quanh năm so với Malaysia và Thái Lan phụ thuộc vào mùa vụ, đặc biệt chi phí logistics từ Việt Nam thấp hơn khi xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc, giúp giá thành cạnh tranh hơn so với các sản phẩm cùng loại của Malaysia và Thái Lan.

Việt Nam đứng trước khả năng tăng kim ngạch xuất khẩu sầu riêng khi diện tích trồng sầu riêng của Việt Nam tiếp tục tăng lên trong những năm gần đây. “Vấn đề lớn nhất của ngành hàng sầu riêng là phải giữ được thị trường, phải cạnh tranh với các nước khác bằng chất lượng chứ không phải bằng số lượng”, ông Hoàng Trung nhận xét.

Thống kê năm 2023 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ghi nhận, diện tích trồng sầu riêng của Việt Nam ước đạt 110.000 ha, tăng 24% so với năm trước. Trong đó, diện tích cho thu hoạch là 54.400 ha, với năng suất 16,5 tấn/ha, sản lượng đạt 849.100 tấn.

Thứ trưởng Trung cho biết thêm thời điểm từ tháng 9 hàng năm, gần như chỉ có Việt Nam có sầu riêng, đây là lợi thế về xuất khẩu. Tây Nguyên, vùng sầu riêng lớn nhất Việt Nam, thường thu hoạch rộ vào tháng 9, trong khi các nước khác vào cuối vụ, sản lượng hạn chế, gần như chỉ còn sản phẩm đông lạnh.