Giá gạo xuất khẩu Việt Nam lên mức cao nhất trong vòng hơn 10 năm trở lại đây

Trong phiên giao dịch ngày 1/11, giá gạo loại 5% tấm của Việt Nam đã tiếp tục được điều chỉnh tăng thêm 10 USD/tấn, lên mức 653 USD/tấn, đây là mức giá cao nhất trong vòng hơn 10 năm trở lại đây.

gao-2020231101084932
Giá gạo xuất khẩu Việt Nam lên mức cao nhất trong vòng hơn 10 năm trở lại đây.

Trong tuần này, giá gạo xuất khẩu của Việt Nam tiếp đà tăng mạnh tại cả thị trường xuất khẩu và trong nước.

Theo đó, trên thị trường xuất khẩu, dữ liệu từ Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA) cho thấy, trong phiên giao dịch ngày 1/11, giá gạo loại 5% tấm của Việt Nam đã tiếp tục được điều chỉnh tăng thêm 10 USD/tấn, lên mức 653 USD/tấn; gạo 25% cũng được điều chỉnh tăng 10 USD/tấn, lên 638 USD/tấn. Đây là mức giá cao nhất của gạo Việt Nam kể từ khi cơn sốt gạo diễn ra vào cuối tháng 7 vừa qua và cũng là mức giá cao nhất trong vòng hơn 10 năm trở lại đây.

Trong khi giá gạo của Việt Nam tăng mạnh thì các nguồn cung khác là Thái Lan và Pakistan ghi nhận giảm. Cụ thể, gạo Thái Lan giảm từ 1 – 3 USD/tấn cho cả 2 chủng loại 5% và 25% tấm. Giá sau điều chỉnh gạo 5% tấm của nước này hiện ở mức 561 USD/tấn; gạo 25% tấm ở mức 521 USD/tấn.

Gạo của Pakistan vẫn giữ nguyên mức giá so với phiên giao dịch ngày 30/10 là 563 USD/tấn với gạo 5% tấm và 488 USD/tấn với gạo 25% tấm, song gạo 100% tấm lại quay đầu giảm mạnh 15 USD/tấn, xuống còn 458 USD/tấn.

Với mức giá hiện nay, gạo loại 5% tấm của Việt Nam đang tiếp tục kéo dài khoảng cách với gạo cùng chủng loại của Thái Lan 92 USD/tấn và Pakistan 90 USD/tấn. Đây cũng là mức chênh lệch lớn nhất giữa gạo Việt Nam với Thái Lan trong vòng nhiều năm trở lại đây.

Việc giá gạo xuất khẩu tăng đã góp phần kéo giá lúa gạo nội địa nóng hơn.

gao-vn-4120231101085152
Giá lúa gạo nội địa tăng nóng.

Anh Thành – đại lý gạo ở quận Tân Bình (Thành phố Hồ Chí Minh) cho biết gạo Đài Thơm lấy từ các công ty lớn trong nước có giá 21.000 đồng một kg, tăng 1.000 đồng (5%) so với tháng trước và tăng 3.000 đồng (16%) so với cùng kỳ năm ngoái.

Gạo được các cửa hàng lấy của Tập đoàn Lộc Trời cùng các giống ST21 và 24 từ các doanh nghiệp vừa và nhỏ cũng tăng 500 đồng một kg so với cách đây một tháng. Với Thơm Lài Long An, giá mỗi kg là 21.000 đồng, Gò Công 22.000 đồng, đồng loạt tăng 1.500 đồng.

Tương tự, tại cửa hàng gạo trên đường Lê Đức Thọ (Gò Vấp), ngoài loại gạo tầm trung tăng cao, mỗi kg gạo bình dân cũng tăng cao nhất tới 2.000 đồng so với tháng trước đó. Đặc biệt, gạo Thơm Dẻo, Thơm Hoa Sữa đã lên 16.000 – 17.500 đồng một kg, tăng 12% so với tháng trước.

Chị Hoa, chủ cửa hàng gạo này, cho hay từ đầu tuần trước tới nay, giá gạo tăng mỗi ngày. Các cơ sở sản xuất báo mức tăng dao động 100 – 500 đồng một kg, tính chung cả tuần, giá điều chỉnh thêm khoảng 3.000 đồng. Tuy nhiên, sức mua trên thị trường yếu nên chị chỉ tăng giá bán lẻ ở mức tương đối.

“Nhiều cơ sở sản xuất báo giá gạo còn tăng tiếp vì lúa thu mua trong dân thời gian tới đã được đặt cọc cao hơn giá hiện tại”, chị Hoa cho hay.

Tại các hệ thống siêu thị ở khu vực trung tâm, nhiều loại gạo cũng tăng thêm 5 – 10% so với cùng kỳ năm ngoái. Theo đó, tại Winmart và Winmart+, giá gạo phần lớn tăng so với cùng kỳ 2022. Chỉ có gạo Ngọc Nương truyền thống ST25 được cam kết giữ giá đến cuối năm.

Với Central Retail, siêu thị cho biết tháng 9, các doanh nghiệp cung ứng đã tăng giá lên khoảng 10%. Tuy nhiên, để hỗ trợ người tiêu dùng, hệ thống này cho biết chưa điều chỉnh giá bán lẻ mới. Tại Saigon Co.op, các doanh nghiệp phân phối gạo đang xin điều chỉnh giá, nhưng hệ thống này đang trong quá trình xem xét.

Dữ liệu từ Hiệp hội Lương thực Việt Nam cũng ghi nhận giá gạo nội địa từ đầu tháng 10 đến nay tăng 100 – 500 đồng, trong đó gạo xát trắng đang được bán với giá 15.500 đồng một kg, gạo tấm 50% là 12.600 đồng, 5% tấm là 15.400 đồng.

Có thể thấy, kể từ tháng 10 tới nay, giá gạo xuất khẩu của Việt Nam liên tục ngược chiều tăng so với các đối thủ. Đặc biệt, việc giá gạo xuất khẩu cũng như nội địa tăng là một tín hiệu đáng mừng cho ngành lúa gạo Việt bởi sau nhiều năm xuất khẩu thì đây là năm đầu tiên gạo Việt có mức giá cao cũng như vị thế làm chủ về giá như hiện nay.

Tuy nhiên, bên cạnh niềm vui tăng giá, theo chia sẻ của các doanh nghiệp xuất khẩu, họ đang gặp khó khăn trong việc thu mua gạo vì giá gạo trong nước đang cao và lượng hàng trong kho không nhiều. Thậm chí, nhiều doanh nghiệp còn không dám ký hợp đồng mới vì lo sợ giá gạo còn tăng, dẫn đến thua lỗ.

Ông Nguyễn Văn Thành, Giám đốc Công ty TNHH Sản xuất – Thương mại dịch vụ Phước Thành IV cho hay, lúc này không có doanh nghiệp nào dám bán gạo bởi muốn bán phải có tồn kho, trong khi đó nguồn cung gạo thời điểm này đã cạn và phải chờ tới vụ thu đông mới có.

Theo số liệu sơ bộ của Tổng cục Hải quan, xuất khẩu gạo trong tháng 10/2023 của Việt Nam đạt 700.000 tấn, tương ứng 433 triệu USD, tương đương về lượng nhưng tăng 27% về giá trị so cùng kỳ năm 2022. Lũy kế 10 tháng năm 2023, Việt Nam đã xuất khẩu hơn 7,1 triệu tấn gạo, tương ứng gần 4 tỷ USD, tăng 17% về lượng, tăng 35% về giá trị so với cùng kỳ năm 2022.