Cơ giới hóa giúp nông nghiệp bứt phá

Cơ giới hóa có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong sản xuất nông nghiệp, nhất là đối với các địa phương có diện tích đất sản xuất nông nghiệp lớn. Cơ giới hóa góp phần giảm chi phí sản xuất, nâng cao hiệu quả trên cùng diện tích canh tác. Mỗi năm, Việt Nam vẫn phải chi gần 1 tỷ USD để nhập khẩu máy nông nghiệp.

Qua hơn 10 năm tổ chức triển khai thực hiện Nghị quyết số 48/NQ-CP ngày 23/9/2009 của Chính phủ về cơ chế, chính sách giảm tổn thất sau thu hoạch đối với nông sản, thủy sản; các Quyết định của Thủ tướng Chính phủ: Quyết định số 63/2010/QĐ-TTg ngày 15/10/2010; Quyết định số 65/2011/QĐ-TTg ngày 02/12/2011 về  sửa đổi, bổ sung một số điều của Quyết định số 63/2010/QĐ-TTg và Quyết định số 68/2013/QĐ-TTg, việc triển khai thực hiện cơ giới hóa nông nghiệp đã đạt được một số kết quả nổi bật. Theo đó, mức độ cơ giới hóa sản xuất nông nghiệp ngày càng tăng, nhiều loại máy móc, thiết bị được sử dụng trong nông nghiệp. Nhiều khâu sản xuất có mức độ cơ giới hóa cao, nhất là sản xuất lúa tại vùng ĐBSCL và Đồng bằng sông Hồng, khâu làm đất đạt gần 100%, thu hoạch gần 90%.

Cơ giới hóa nông nghiệp cũng đã giải quyết khâu lao động nặng nhọc, tính thời vụ khẩn trương góp phần nâng cao năng suất, chất lượng, khả năng cạnh tranh của một số nông sản, góp phần tạo các sản phẩm nông nghiệp xuất khẩu hàng đầu thế giới. Đồng thời, thúc đẩy quá trình liên kết sản xuất, hình thành các tổ chức dịch vụ ở nông thôn như: mô hình liên kết doanh nghiệp với hợp tác xã, nông dân sản xuất trên cánh đồng lớn với các dịch vụ cơ giới hóa cho các khâu làm đất, cấy, phun thuốc bảo vệ thực vật, thu hoạch, sấy khô, cho thuê kho bảo quản với những ưu đãi nhất định. Thông qua chính sách hỗ trợ mua máy, thiết bị nông nghiệp đã góp phần nâng cao mức độ cơ giới hóa và khuyến khích thúc đẩy các cơ sở cơ khí chế tạo máy nông nghiệp trong nước đầu tư chiều sâu, cải tiến công nghệ, nâng cao chất lượng máy móc thiết bị sản xuất có hiệu quả.

Kết quả trên cho thấy, cơ giới hóa là “chìa khóa” để nâng cao giá trị sản xuất nông nghiệp, giảm sức lao động và chi phí đầu tư, giải quyết được vấn đề thiếu hụt nhân lực làm nông nghiệp. Đây cũng là một nội dung quan trọng trong sản xuất nông nghiệp hiện đại, tạo nền tảng cho nông nghiệp đi theo hướng sản xuất hàng hóa, phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao gắn với xây dựng nông thôn mới bền vững, phát triển.

Tỷ lệ cơ giới hóa trong khâu cày bừa và làm đất đạt 94% đối với sản xuất lúa
Tỷ lệ cơ giới hóa trong khâu cày bừa và làm đất đạt 94% đối với sản xuất lúa

Giải pháp thúc đẩy cơ giới hoá nông nghiệp

Gia tăng hiệu quả sản xuất nông nghiệp, cơ giới hoá đồng bộ từ khâu làm giống, chăm sóc cho đến thu hoạch là đòi hỏi tất yếu. Để công cuộc thực hiện mô hình cánh đồng mẫu lớn hiệu quả, nhanh chóng thành hiện thực, tiến tới hiện đại hóa nông nghiệp, phát triển nông thôn trong lương lai, cần xúc tiến mạnh các giải pháp đồng bộ.

Một là, đẩy mạnh sắp xếp lại nông nghiệp, tái cơ cấu lại ngành nghề sản xuất, canh tác nông nghiệp; thay đổi quy trình sản xuất, thay đổi tập quán canh tác, thay đổi tư duy tiêu dùng để thúc đẩy quá trình chuyển đổi sản xuất nông nghiệp.

Hai là, đẩy nhanh quá trình dồn điền đổi thửa trên cả nước, tạo ra các cánh đồng mẫu lớn, các vùng canh tác lớn để sản xuất chuyên canh tạo ra một khối lượng sản phẩm lớn, đáp ứng yêu cầu sản xuất hàng hóa về chất lượng và số lượng tiêu thụ.

Ba là, chỉ đạo ngành công nghiệp hỗ trợ cho cơ khí nông nghiệp, đặc biệt là công nghiệp chế tạo máy cho  nông nghiệp, xây dựng cơ sở chế biến và sơ chế, dịch vụ cơ khí nông nghiệp… Quan tâm nghiên cứu, đào tạo, huấn luyện cán bộ kỹ thuật, đội ngũ vận hành máy móc lành nghề.

Bốn là, tăng cường thực hiện các chính sách ưu đãi về vốn cho sản xuất nông nghiệp thông qua tăng cường nguồn ngân sách nhà nước đầu tư cho nông nghiệp, nông thôn; tăng vốn đầu tư trực tiếp phát triển nông nghiệp theo hướng ưu tiên nâng cao năng lực, hệ thống cơ sở nghiên cứu khoa học, công nghệ, nhằm tạo ra những đột phá mới về năng suất, chất lượng và hiệu quả kinh tế. Chủ trương đầu tư cần quan tâm cơ giới hóa, bảo quản, chế biến sau thu hoạch, giảm thất thoát và gia tăng giá trị của sản phẩm.

Năm là, tháo gỡ các khó khăn cho nông dân trong việc quy định quyền sử dụng đất, cũng như các thủ tục vay vốn.

Sáu là, tạo điều kiện thu hút vốn đầu tư của các doanh nghiệp và đặc biệt là vốn FDI, vốn ODA đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp của Việt Nam.