Mùa khai thác nghêu thịt

“Hợp tác xã (HTX) hiện có 111 xã viên, trong đó có 42 hộ nghèo. Nhờ mô hình này mà một số hộ dân không đi làm ăn xa, ổn định cuộc sống”, ông Phan Quốc Việt, Phó giám đốc HTX nghêu Ðất Mũi, ấp Kênh Ðào, xã Ðất Mũi, huyện Ngọc Hiển, tỉnh Cà Mau, cho biết.

Mùa khai thác nghêu ở xã Ðất Mũi diễn ra sôi động từ tháng 10 dương lịch kéo dài đến cuối năm. Năm nay, sản lượng nghêu trong HTX giảm, một phần do tình hình dịch bệnh trên nghêu. Ước tính đến cuối năm nay, tổng sản lượng nghêu thu hoạch khoảng 500 tấn. Nhờ khai thác bằng máy, không còn làm thủ công như trước nên việc thu hoạch nghêu của các xã viên cũng đỡ vất vả hơn trước.

“Trước đây cũng dùng máy nhưng phải cào nghêu hết một lượt mới lựa lại, còn bây giờ có lưới sàn nghêu tại bãi nên thu hoạch nhanh chóng hơn; nghêu cũng đạt trọng lượng, kích cỡ theo ý mình”, ông Việt cho biết thêm.

Nhờ có dụng cụ là lưới sàn nên công việc của các xã viên khai thác nghêu đỡ cực nhọc hơn.

Bình quân mỗi người trực tiếp khai thác nghêu ở bãi thu nhập được từ 300.000-400.000 đồng/ngày.

Anh Nguyễn Văn Linh, HTX nghêu Ðất Mũi, thông tin: “Tham gia HTX, mình được hưởng các chế độ bảo hiểm y tế, bảo hiểm xã hội; khai thác có thu nhập. Tôi còn ở chòi trông giữ bãi nghêu với nhiệm vụ sửa chữa hàng rào, lưới, cặm cây…, nếu bà con có vô khai thác thì mình nhắc nhở, bảo vệ vùng nuôi của HTX”.

Nghêu được khai thác tại bãi có trọng lượng từ 70-75 con/kg, bán với giá 18.000 đồng/kg. Vừa khai thác, vừa đợi nghêu lớn, mỗi ngày, các xã viên thu hoạch khoảng 500 kg, đảm bảo duy trì các đầu mối thu mua nghêu. Hiện nay đầu ra của nghêu thịt chủ yếu ở chợ Bình Ðiền, TP Hồ Chí Minh và một số nơi trong tỉnh Cà Mau.

Nghêu đạt trọng lượng từ 70-75 con/kg thì bắt đầu thu hoạch. Những con nghêu có kích cỡ đều và đạt chất lượng, sau khi được rửa sạch cát mới xuất bán. Nghêu thịt được tiêu thụ mạnh ở TP Hồ Chí Minh.

HTX nuôi nghêu thu hút nhiều xã viên tham gia, dự kiến thời gian tới, nếu khu vực Vườn Quốc gia Mũi Cà Mau có phương án cho thuê thì HTX nuôi nghêu Ðất Mũi sẽ mở rộng diện tích nuôi, nhằm tạo việc làm cho lao động nhàn rỗi ở nông thôn.