Đánh thức “dược tiên” trên đỉnh núi Dành

Từng được lưu truyền là “dược tiên” chữa khỏi mắt cho mẹ Vua Tự Đức, sâm Nam là sản vật quý hiếm chỉ có ở vùng núi Dành huyện Tân Yên, tỉnh Bắc Giang, bị săn đào gần như biến mất. Sau nhiều nỗ lực, cộng hưởng của các nhà khoa học cùng các cấp chính quyền và Nhân dân, sâm Nam núi Dành nay đã hồi sinh và được nhân rộng và phát triển cho giá trị kinh tế cao.

Từ huyền tích “sâm tiên”…

Vùng núi Dành – nơi có huyền tích về loài dược liệu quý, xưa kia có tên là núi Chung Sơn, nay thuộc địa phận của hai xã Liên Chung và Việt Lập, huyện Tân Yên, tỉnh Bắc Giang. Trong sách “Đại Nam nhất thống chí” có ghi: “Tên nỏ sản xuất tại Yên Thế. Sâm Nam sẵn ở đỉnh núi Chung Sơn.”

Trải qua hàng nghìn năm tồn tại, núi Dành gìn giữ trong mình một sản vật độc nhất đó là sâm Nam. Được dân gian tương truyền là thần dược chữa khỏi mắt cho mẹ vua Tự Đức mà từ đó sâm Nam núi Dành trở thành thứ đặc sản tiến Vua nổi danh đất Bắc.

Vì sự thần dược của nó đem lại giá trị kinh tế cao mà sâm Nam núi Dành đã bị khai thác triệt để không có sự tái tạo, duy trì nguồn giống. Theo các già làng kể lại: đến khoảng những năm 70 của thế kỷ 20 thì sâm núi Dành gần như tuyệt diệt và người ta không còn nhìn thấy sự hiện hữu của nó. Có chăng, những giai thoại về loại sâm quý này chỉ còn được biết đến qua những câu chuyện truyền miệng, những thư tịch cổ còn sót lại.

Mãi đến năm 2010, lần đầu tiên huyền tích về cây sâm Nam núi Dành được phát hiện. Chính dưới chân núi Dành, trong vườn của ông Thân Hải Đăng ở thôn Đồng Sen, xã Việt Lập còn tồn tại một gốc sâm Nam. Được biết gốc sâm này do bà ngoại của ông cất công lên núi Dành tìm và trồng trong vườn con rể, sau này được truyền lại cho ông Đăng. Gia đình ông trân quý, gìn giữ nhân giống phát triển nó như một báu vật trong nhà đến nay.

Picture1
Vườn sâm được ông Đăng tận tuỵ chăm sóc, bảo tồn giống cây quý này.

Đến giống cây đặc trưng đem lại hiệu quả kinh tế cao

Năm 2012, Trung tâm Khoa học công nghệ và Môi trường huyện Tân Yên thực hiện đề tài khoa học: “bảo tồn và nhân giống sâm Nam núi Dành”. Đến năm 2015, Trung tâm Thực nghiệm sinh học nông nghiệp công nghệ cao (Viện Di truyền Nông nghiệp) đã thực hiện đề tài “nghiên cứu, đánh giá, bảo tồn nguồn gen cây sâm Nam núi Dành phân bố trên địa bàn tỉnh Bắc Giang” tại vườn nhà ông Đăng.

Theo tìm hiểu, sâm Nam núi Dành có lớp vỏ bên ngoài hơi cứng, bên trong lõi màu vàng nhạt, mùi thơm dịu và có vị hơi ngọt. Qua nghiên cứu cho thấy, nhóm chất chính trong sâm Nam núi Dành gồm: saponin, flavonoid (hoạt chất chống lão hóa), acid hữu cơ, acid amin… có tác dụng đặc biệt tốt đối với sức khỏe. Theo nghiên cứu, hàm lượng saponin của sâm Nam núi Dành tương đương với sâm Hàn Quốc và chỉ đứng sau sâm Ngọc Linh – loại sâm quý, hiếm nhất thế giới.

Để bảo tồn và phát triển loài cây thảo dược quý và có giá trị này đối với Bắc giang và Nhân dân trong vùng. Năm 2017, sâm Nam núi Dành được Cục Sở hữu trí tuệ đưa vào diện bảo hộ và quản lý quyền Sở hữu trí tuệ cho sản phẩm sâm Nam núi Dành của tỉnh Bắc Giang. Đến năm 2020, Cục tiếp tục cấp giấy chứng nhận chỉ dẫn địa lý dưới tên “sâm Nam núi Dành Tân Yên” như một lời khẳng định về ý nghĩa, tầm quan trọng của giống cây này trong phát triển kinh tế – xã hội tại địa phương, mở ra nhiều tư duy, hướng phát triển cho bà con và doanh nghiệp đầu tư.

Ngay chính gia đình ông Thân Hải Đăng, hiện đang có 7.000 m2 đất trồng sâm. Ông Đăng cho biết, sâm trồng 5 năm mới được thu hoạch củ, mỗi gốc sâm nặng từ 2 – 3 kg, thường được ngâm rượu bán từ 1,5 – 2 triệu/bình. Ngoài củ sâm, ông còn bán hoa sâm và cây sâm giống. Hoa sâm hàng năm đều được thu hoạch cũng đem lại nguồn giá trị kinh tế cao khoảng 700 nghìn đồng/kg hoa khô. Từ đầu năm đến nay, ông cũng đã xuất khoảng 4.000 cây sâm giống với giá trị 30.000 – 35.000 đồng/cây cho các vùng lân cận.

Picture2
Ông Thân Hải Đăng giới thiệu về sản phẩm rượu sâm và hoa sâm khô.

Năm 2020, Hợp tác xã (HTX) sản xuất và tiêu thụ sâm Nam núi Dành được thành lập với 11 hộ và tổng diện tích trên 6 ha. Từ một gốc sâm cổ của gia đình ông Đăng, bây giờ có hàng chục gia đình trồng sâm Nam trên cả 2 xã Việt Lập và Liên Chung (Tân Yên) với hàng chục nghìn gốc sâm. Không ít hộ đã có thu nhập từ hàng trăm triệu đến hàng tỷ đồng từ loài cây này. Tới đây, HTX sẽ mở rộng diện tích lên khoảng 20 ha, góp phần bảo tồn nguồn gen quý, tạo thu nhập cho bà con.

Picture3
Nhà trưng bày và giới thiệu sản phẩm sâm Nam núi Dành của HTX sản xuất và tiêu thụ sâm Nam núi Dành huyện Tân Yên.

Cùng với đó, Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện đã tham mưu, làm tốt công tác quy hoạch, định hướng phát triển sản xuất dược liệu gắn với tiềm năng, lợi thế của địa bàn từ nay đến năm 2030, trong đó có phát triển sâm Nam núi Dành tại xã Liên Chung và Việt Lập. Lồng ghép có hiệu quả các nguồn vốn hỗ trợ để mở rộng và nâng cao hiệu quả sản xuất sâm.

z3400573508425_e33bc564a656e2a848b4cede3a4ab80f
Niềm vui sướng của bà con vào mùa thu hoạch.

Sâm Nam núi Dành hiện được công nhận đạt chuẩn OCOP 4 sao của tỉnh Bắc Giang. Từ giá trị dinh dưỡng thực tế cũng như độ quý của cây cộng với sự quan tâm của chính quyền địa phương, sâm Nam đang được nhân rộng đầu tư phát triển trở thành giống cây đặc sản cho giá trị kinh tế cao, góp phần nâng cao thu nhập cho người dân và phát triển kinh tế – xã hội của tỉnh Bắc Giang.