Cách khắc phục rầy nâu truyền bệnh vàng lùn, lùn xoắn lá

Hỏi: Tôi ở Long An, lúa nhà tôi đang bị rầy nâu gây hại nhiều. Tôi đã dùng biện pháp bơm nước nhấn chìm rầy. Xin hỏi tỷ lệ phần trăm virus truyền bệnh vàng lùn, lùn xoắn lá là bao nhiêu để thực hiện biện pháp phòng trừ.

Trả lời:

Rầy nâu thường sống ở dưới gốc cây phần giáp mặt nước, nó có khả năng bay. Rầy nâu có 2 loại cánh dài và cánh ngắn. Rầy cánh dài bay ra nên nếu xuất hiện nhiều rầy cánh dài thì dịch bệnh dễ bùng phát ở nhiều nơi do khả năng mang nguồn bệnh đi xa của rầy. Rầy cánh ngắn thì chỉ phá cục bộ theo vùng, do không bay được xa.

Diệt rầy dùng biện pháp bơm nước không có tác dụng vì chúng lại bò lên cây. Nếu có thể thì ruộng phải đổ thêm dầu khi rầy rơi xuống nước, dầu dính vào người làm cho rầy không bay được, sau đó phun thuốc ở dưới gốc thì rầy sẽ chết nhiều.

* Bệnh vàng lùn, lùn xoắn lá phát triển phải có 2 điều kiện:

Một là phải có mầm bệnh vi rus: mầm bệnh đó có thể tồn tại trên cây lúa,  trên cây lúa hoang, lúa chét, trên ngô, trên cỏ lồng vực, cỏ chát….. nó tồn tại cho đến khi chúng ta nhổ bỏ cây đó đem đi đốt hoặc chôn vùi thật sâu.

– Vi rút gây bệnh không truyền qua trứng rầy, đất, nước, không khí.

– Bệnh vàng lùn do vi rút gây bệnh lúa cỏ có tên RGSV (Rice Grassy Stunt Virus) gây ra. Bệnh lùn xoắn lá do vi rút có tên RRSV (Rice Ragged Stunt Virus) gây ra.

Hai là phải có rầy. Rầy chích hút từ cây có mầm bệnh truyền sang cây khỏe.

Nếu có mầm bệnh, không có rầy thì cũng không có sự lây lan.

Nếu không có mầm bệnh thì có nhiều rầy cũng không xuất hiện bệnh vàng lùn, lùn xoắn lá. Tuy nhiên nếu quá nhiều rầy, bản thân nó chích hút nhựa cây cũng làm cho cây bị héo, héo vàng.

Trong một ngày, một con rầy có thể chích hút từ sáu đến bảy cây lúa và nó có thể truyền vi rus cho đến khi nó chết (không giống muỗi, muỗi truyền xong thường chết luôn).  Rầy nâu chích hút cây lúa bệnh sau 5-10 phút là mang mầm bệnh trong cơ thể;

Do vậy, mật độ rầy càng cao thì tốc độ lây truyền và tỷ lệ lúa nhiễm bệnh càng lớn. Lúa càng non, nguy cơ nhiễm bệnh càng cao.

Khi bị bệnh ở giai đọan lúa non, lúa sẽ không trổ bông, năng suất  giảm nghiêm trọng hoặc mất trắng.

Chính vì vậy để ruộng lúa không bị bệnh vàng lùn, lùn xoắn lá thì cần phải tiêu hủy hết những cây có mầm mống virus và phải diệt trừ rầy nâu.

Chuyên gia Th.S Phạm Thị Kim Hoàn