Theo đuổi đam mê làm nông nghiệp

Từng có công việc ổn định, song chị Nguyễn Thị Duyên và anh Nguyễn Đức Chinh- Tiến sĩ nông nghiệp-quyết định nghỉ việc để theo đuổi đam mê làm nông nghiệp sạch.

Giấc mơ lớn với nông nghiệp sạch

Trước khi “bỏ phố về vườn”, anh Nguyễn Đức Chinh là tiến sĩ nông nghiệp, còn chị Duyên – vợ anh, là thạc sĩ. Hai người tốt nghiệp Học viện Nông nghiệp Việt Nam, sau đó cùng làm thạc sĩ tại Australia. Ít lâu sau, anh Chinh hoàn thành chương trình tiến sĩ tại Nhật Bản. Cả hai vợ chồng đã có từ 5 – 7 năm công tác tại Viện Khoa học nông nghiệp Việt Nam.

Theo đuổi đam mê làm nông nghiệp

Vợ chồng chị Nguyễn Thị Duyên và anh Nguyễn Đức Chinh bên trang trại rau

Tháng 8/2020, chị Nguyễn Thị Duyên nghỉ việc tại Viện Khoa học nông nghiệp Việt Nam để chuyên tâm phát triển mô hình rau hữu cơ. Trước đó, vợ chồng anh chị đã liên hệ với 35 hộ dân có đất nông nghiệp ven bãi sông Đáy thuộc địa bàn xã Hiệp Thuận (huyện Phúc Thọ) để thuê mướn, phát triển mô hình canh tác nông nghiệp thuận tự nhiên. Nông trại hữu cơ Gen Xanh ra đời khi đó.

Không thể làm “một lúc hai vai”, tháng 6/2021, anh Chinh cũng xin nghỉ việc và cơ hội thăng tiến tại Viện Khoa học nông nghiệp Việt Nam để cùng vợ phát triển mô hình trồng rau hữu cơ. Hai đồng nghiệp khác là anh Trần Văn Luyện và chị Nguyễn Thị Thanh cũng lần lượt theo vợ chồng anh Chinh, nghỉ việc ở Viện Khoa học nông nghiệp Việt Nam, cùng gây dựng lên khu vườn màu xanh ven sông Đáy.

Khởi nghiệp với nguồn vốn không mấy dư dả, vợ chồng anh Chinh phải cố gắng để tiết giảm từng chi phí nhỏ nhất. Nhóm cộng sự trưng dụng thùng container làm nơi tập kết các loại rau, củ, quả để đóng bao gói, nấu nướng và ngả lưng sau những giờ làm việc. Họ tự làm hàng rào, đào mương thoát nước, xây bể lọc… Bao nhiêu vốn liếng, hai vợ chồng đều đổ vào đầu tư cho nông trại hữu cơ Gen Xanh.

Những ngày đầu tiên gắn bó với nông nghiệp sạch, với số vốn ít ỏi, anh chị chỉ thuê được 4 công nhân. Đất làm không hết, cỏ mọc nhanh hơn rau. Suốt 1 năm đầu, tháng nào họ cũng lỗ. Nhân công nhìn ruộng rau bị sâu bọ tấn công sốt ruột mách ông chủ “dùng cách này, cách kia” nhưng cả nhóm vẫn kiên quyết với lý tưởng làm nông nghiệp sạch.

Rồi mẻ rau đầu tiên được thu hoạch, song do thời tiết nắng nóng, nước tưới chưa ổn định nên đa số bị xấu, già và dai. Nhìn vẻ bên ngoài không được tươi ngon, một số khách hàng đã gọi điện bày tỏ sự thất vọng. Một số khác vốn đã quen ăn các loại rau thông thường, không quen với kiểu rau của trang trại nên cũng phàn nàn. Là người trực tiếp kết nối với khách hàng, chị Duyên áp lực tới phát khóc. Chị chỉ biết nhờ khách hủy rau giúp mình và hoàn lại tiền cho họ.

Sau khi vấp phải những thất bại đầu tiên, vợ chồng anh dần rút kinh nghiệm. Đối với những luống rau “khó tính”, anh chị dùng lưới để che phòng tránh sâu bọ khi cây còn non, sau đó, dùng các vi sinh vật bản địa ngâm với các chế phẩm hữu cơ để tạo thành nguồn đạm bón cho rau.

Vợ chồng chị Duyên tự trồng đậu tương, mua trứng… lên men để tưới cho cây. Giai đoạn cây trưởng thành, họ cùng nhân công bắt từng con sâu… Nông nghiệp sạch tốn nhiều thời gian để xử lý sâu bệnh và cỏ. Tuy nhiên, rau sau đó đủ nắng đủ gió, tích được đủ dinh dưỡng thì ngọt và ngon hơn hẳn rau bán ngoài chợ.

Khách hàng ưa chuộng

Trải qua những giai đoạn khó khăn, trang trại trồng rau hữu cơ Gen Xanh được nhiều người biết đến, dần dần, lượng khách của anh Chinh, chị Duyên tăng gấp đôi, bắt đầu hòa vốn.

Theo đuổi đam mê làm nông nghiệp

Thành quả đến từ những nỗ lực không mệt mỏi

Trên diện tích 2ha gom được của bà con nông dân xã Hiệp Thuận, anh Chinh và các cộng sự phát triển mô hình rau canh tác theo tiêu chuẩn hữu cơ. Nông trại hiện có hàng trăm loại rau, củ, quả, mùa nào thức đó. Trung bình mỗi ngày, nông trại cung ứng cho thị trường từ 4 – 5 tấn rau, củ, quả hữu cơ các loại.

Hiện nay, Gen Xanh đang sản xuất bằng quy trình được hình thành dựa trên 3 yếu tố chính là thuận tự nhiên, công nghệ và bản địa. Gen Xanh tuân thủ nghiêm ngặt yêu cầu 5 không: Không sử dụng phân bón hóa học, thuốc bảo vệ thực vật hóa học, thuốc diệt cỏ, chất kích thích sinh trưởng và giống biến đổi gen.

Bên cạnh yếu tố thuận tự nhiên, anh Chinh cũng áp dụng nhiều công nghệ nông nghiệp vào canh tác. Đầu tiên phải kể đến là công nghệ vi sinh. Phân bón hữu cơ được ủ thủ công từ trứng, dịch chuối, các vi sinh vật lợi khuẩn, phân chuồng, ủ mục tàn dư thực vật và cỏ dại… Ngoài ra, anh Chinh sử dụng hệ thống tưới nhỏ giọt tự động để tăng hiệu quả sử dụng nước và giảm công tưới. Với mô hình trồng rau hữu cơ, chị Thanh cho biết, trang trại không phun thuốc bệnh, thuốc sâu, nếu sâu quá là bỏ, chỉ làm cỏ, luân canh, xen canh để đỡ sâu bọ.

Hiện tại, Gen Xanh cung cấp rau cho khách lẻ, có một số cửa hàng nhỏ bán thực phẩm sạch, một số bếp ăn… Với họ, trồng rau sạch đã khó, bán được sản phẩm khó hơn khi giá thành cao hơn so với thị trường vì công sức bỏ ra rất nhiều, thu hoạch không hết phải cắt bỏ.

Sau 3 năm đi vào hoạt động, Gen Xanh được chứng nhận sản xuất rau hữu cơ theo tiêu chuẩn Việt Nam (TCVN 11041). Năng suất năm 2021 ước tính đạt 20 – 25 tấn/ha/năm – cao gấp đôi năng suất của trang trại năm trước và bằng năng suất của những vùng trồng rau hữu cơ từ lâu.

Khó khăn là thế, nhưng giấc mơ với nông nghiệp sạch luôn bùng cháy trong lòng anh Chinh, chị Duyên. Trời không phụ lòng người, trong thời gian tới, vợ chồng anh Chinh, chị Duyên và hai người đồng nghiệp của mình sẽ còn bận rộn hơn khi chuẩn bị mở rộng canh tác ở khu vườn bên cạnh vì có đối tác đã đặt vấn đề sản xuất xuất khẩu ra nước ngoài.