Vùng trồng cây ăn trái bị nước mặn tấn công

Ngày 7-4, Chi cục trưởng Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh Sóc Trăng Nguyễn Thành Phước cho biết, hiện một số vườn cây ăn trái tại huyện Kế Sách bị ảnh hưởng hạn, mặn rất nghiêm trọng, chủ yếu là trên cây sầu riêng của hai xã An Lạc Tây và Kế Thành.

Vùng trồng cây ăn trái bị nước mặn tấn công

Mô hình chuyển đổi trồng cây có múi hiệu quả tại tỉnh Sóc Trăng.

Hiện có khoảng hai ha sầu riêng và mít bị ảnh hưởng do nước mặn tấn công. Để khắc phục, đơn vị đang tích cực hướng dẫn nhà vườn tiến hành các kỹ thuật rửa mặn cho cây sầu riêng, bổ sung các loại khoáng chất cần thiết trên cây, bỏ bớt hoa, trái trên cây, cắt tỉa cành khô…

Hiện ngành chức năng của Sóc Trăng khuyến cáo nhà vườn trong tỉnh phải tuân thủ việc quy hoạch trong sản xuất cây ăn trái để ngành chức năng chuyển giao quy trình kỹ thuật cũng như có các hỗ trợ cần thiết nếu có trường hợp thiệt hại do thiên tai gây ra, bởi hạn, mặn xảy ra hằng năm. Cụ thể, tại một số xã của huyện Kế Sách, ngành chức năng khuyến khích nhà vườn trồng các loại cây có múi thay cho sầu riêng, măng cụt, chôm chôm, vì đây là loại cây trồng rất mẫn cảm với nước mặn.

Theo thống kê, Sóc Trăng có hơn 32 nghìn ha diện tích trồng cây ăn trái như: bưởi, vú sữa, cam, quýt, xoài, nhãn, măng cụt, chôm chôm, sầu riêng… Trong đó, huyện Kế Sách có diện tích cây ăn trái hơn 16 nghìn ha. Vùng quy hoạch trồng cây ăn trái của tỉnh Sóc Trăng là vùng hở do hệ thống các cống dọc sông Hậu chưa được đầu tư khép kín, người dân ngăn mặn chủ yếu bằng hệ thống các bọng nhỏ tự có. Hiện nước mặn xâm nhập sâu và kéo dài đã ảnh hưởng trực tiếp đến sản xuất vùng này.