Vợ chồng cựu thanh niên xung phong nuôi bầy con điên dại

Sau khi tham gia thanh niên xung phong (TNXP) trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, ông Trình lấy vợ, sinh được 5 người con, nhưng các con ông lần lượt bị điên dại. Giờ đây, ngoài lo cho các con, hàng ngày gia đình ông phải lo ăn từng bữa.

Đi vào xóm Kho, thôn Mỗ Xá, xã Phú Nam An, huyện Chương Mỹ, TP. Hà Nội, hỏi thăm nhà cựu TNXP Lê Công Trình hơn 80 tuổi – gia đình có ba thế hệ sống cùng những người điên dại, ngẩn ngơ thì người dân bảo: Ở nhà ông ấy, người không điên có khi cũng hóa điên.

12-36-05_ong_le_cong_khnh_ben_cnh_nguoi_vo_v_cu_con_tri_thn_kinh_phn_liet_suot_nhieu_nm_qu

Hai vợ chồng ông Trình, bà Hiệp bên người con trai bị tâm thần phân liệt nhiều năm qua

Vừa vào cổng, đập vào mắt chúng tôi là căn nhà nhỏ, một người phụ nữ cùng 2 đứa trẻ đang đứng quanh chiếc xe lăn. Chưa kịp hỏi han, người phụ nữ này tự giới thiệu là con dâu thứ 4 của ông Trình, người ngồi trên xe lăn là chồng, còn 2 đứa nhỏ đứng cạnh là con.

“Chú cứ vào đi, ông tôi đang trên nhà nhưng chú đi từ từ kẻo cậu út thấy người lạ vào lại giật mình lao ra đánh thì khổ", con dâu ông Trình dặn dò.

Đúng như lời chị này nói, vừa thấy người lạ mở cánh cửa, con trai út của ông Trình đang ngồi ở bàn uống nước đứng bật dậy, cười ngờ nghệch, mắt nhìn thẳng khiến chúng tôi sợ hãi.

Khi còn trẻ ông Trình tham gia TNXP mở tuyến đường từ Bắc Giang lên Lạng Sơn. Thời bình, ông làm công nhân lái máy xúc tại Thái Nguyên, sau về Chương Mỹ lấy bà Nguyễn Thị Hiệp và sinh được 6 người con, một người không may đã qua đời, giờ còn lại 5.

“Các con tôi sinh ra khỏe mạnh, ngoan ngoãn lắm. Sau đó, lần lượt từng đứa một bị điên dại, ngờ nghệch; có đứa minh mẫn nhất nhà lại bị tai nạn”, ông Trình tâm sự.

Cũng theo ông Trình, người con cả của ông bà, anh Lê Công Độ, sinh năm 1970, đã lập gia đình ra ở riêng nhưng hiện tại bị mắc bệnh hoang tưởng, nói luyên thuyên suốt ngày. Nhấp ngụm nước trà, ông Trình chỉ tay vào người con thứ 2 là chị Lê Thị Thu, sinh năm 1972, chị này chỉ quanh quẩn ở nhà, tuy không khôn ngoan nhưng lại phải phục vụ, chăm sóc cho cả gia đình. “Trí tuệ nó không được bình thường, bảo trước quên sau, nấu được bữa cơm phải mất nửa buổi. Nó chậm chạp, ngu ngơ nhưng vẫn đỡ đần gia đình được”, ông Trình nói.

Cả gia đình được người con thứ 3 khỏe mạnh, bình thường thì chị này đi lấy chồng xa thi thoảng về thăm nom bố mẹ. Còn người con thứ 4, anh Lê Công Đệ sinh năm 1982 phải ngồi xe lăn do bị tai nạn cách đây 2 năm, gẫy 5 đốt sống cổ, nằm liệt giường. “Ngày nào nó cũng lẩm bẩm suốt ngày như vậy. Hồi bé nó đẹp trai, thông minh lắm, học giỏi nhất lớp cho đến năm 11 thì bắt đầu bị bệnh, giờ thì thần kinh nặng”, nhìn vào người con út  Lê Công Khánh đang cười ngây ngô, ông Trình nói.

Bệnh tật như vậy, anh Khánh không thể phục vụ sinh hoạt cá nhân được, ăn uống tắm giặt, đều do người chị thứ 2 dở điên dở khùng phụ trách. “Khi lên cơn nó đánh cả tôi với ông nhà đấy. Tối đến đi ngủ con Thu phải xích lại để nó khỏi đi lung tung, ra đường không biết đường về, đi tìm nó khổ lắm”, bà Hiệp chỉ vào sợi dây xích trong buồng cho biết.

Bà Hiệp quanh năm lam lũ ruộng vườn, đến nay cũng già yếu. Bà bị thấp khớp nặng đi lại khó khăn, phải dùng gậy chống và chưa được hưởng trợ cấp gì. Thời gian gần đây ông Trình bị tai biến phải chạy chữa khắp nơi, số lương hưu đó cũng chỉ đủ để ông thuốc thang hàng ngày. Còn tiền ăn uống, sinh hoạt lại trông ngóng vào số tiền trợ cấp 500 nghìn/tháng của chị Thu và anh Khanh, nhiều khi cũng phải đi vay mượn để sống. “Không biết sau này tôi và ông ấy mất đi, chúng nó có biết thổi cơm mà ăn không nữa", bà Hiệp than thở.

Rời căn nhà chính, chúng tôi di chuyển xuống căn nhà ngang nơi vợ chồng người con thứ 4 của ông Trình ở riêng. Ngồi trong căn phòng nhỏ chỉ đủ kê được chiếc giường cho 4 con người ngủ, với cái tivi đặt phía trước, chị Ngô Thị Nguyên (vợ anh Đệ) sụt sùi nói: “Từ ngày nhà em bị tai nạn kinh tế kiệt quệ, nợ nần lên đến cả trăm triệu, mình em cáng đáng 4 miệng ăn”.

12-36-05_chi_nguyen_-_vo_nh_de_dng_lm_them_cong_viec_dn_lt

Chị Nguyên đang làm thêm công việc đan lát

Khi hỏi về cuộc sống gia đình rơi vào bế tắc, có khi nào chị muốn buông bỏ tất cả không? “Mệt, bất lực và muốn từ bỏ lắm chứ, chồng thì như vậy, lại còn các con nhỏ nữa, một mình em xoay không nổi. Nhưng khi nghĩ lại tình cảm vợ chồng, nhìn các con đang tuổi ăn học em không nỡ lòng nào”, chị Nguyên ngân ngấn nước mắt nói.

Ông Lê Bá Hải, Trưởng thôn Mỗ Xá, chia sẻ: Mọi khó khăn, khổ sở nhất đã rơi vào nhà ông ấy. Qua đây, đại diện cho chính quyền thôn Mỗ Xá, tôi xin kêu gọi các nhà hảo tâm quan tâm chia sẻ để gia đình nhà ông Trình qua cơn bĩ cực.

Chuyện ở nơi có đường dây ‘chạy’ để được làm người tâm thần?

Lão ‘Rái cá’ một chân nức tiếng đầm Thủy Triều​

Theo Nông nghiệp