Thương mại hóa công nghệ trong nông nghiệp Việt Nam

Đại diện các đơn vị, doanh nghiệp nông nghiệp chia sẻ nghiên cứu công nghệ ứng dụng trong nông–lâm–ngư nghiệp.

 

Một gian hàng tại Triển lãm Quốc tế thiết bị và công nghệ nông – lâm – ngư nghiệp GROWTECH 2017.

Ngày 1/12, hội thảo “Thương mại hóa công nghệ trong lĩnh vực nông nghiệp tại Việt Nam” đã diễn ra tại tại không gian của Triển lãm Quốc tế thiết bị và công nghệ nông – lâm – ngư nghiệp GROWTECH 2017 do Cục phát triển thị trường và doanh nghiệp khoa học và công nghệ, Bộ Khoa học và Công nghệ chủ trì. Công ty cổ phần Adpex là đơn vị thực hiện chương trình.

Tại Hội thảo, đại diện của các đơn vị và doanh nghiệp có kết quả nghiên cứu công nghệ ứng dụng trong nông – lâm – ngư nghiệp được hỗ trợ từ chương trình phát triển thị trường khoa học và công nghệ đến năm 2020 của chính phủ đã có những chia sẻ về quá trình nghiên cứu cũng như thương mại hóa sản phẩm của mình.

Xuất phát từ những kết quả nghiên cứu nội sinh tại đơn vị, doanh nghiệp, Cục Phát triển thị trường và doanh nghiệp khoa học và công nghệ đã có những hỗ trợ, tư vấn phương án sản xuất kinh doanh để tạo ra những sản phẩm có tính thương mại cao, có sức cạnh tranh trên thị trường, mang đến những giải pháp về công nghệ cho hoạt động sản xuất nông – lâm – ngư nghiệp.

Một trong những sản phẩm nhận được sự quan tâm của Hội thảo là giá thể gốm xốp kỹ thuật phục vụ trong sản xuất nông nghiệp được nghiên cứu và chế tạo bởi Học viện Nông nghiệp. Hạt gốm xốp kỹ thuật là một loại giá thể có độ xốp và độ thông thoáng cao, chứa nước, giữ dinh dưỡng và còn là môi trường sinh trưởng thích hợp của các loại vi sinh vật.

So với các loại sản phẩm gần giống gốm xốp thường được gọi là sỏi nhẹ hoặc hạt sét nung đang có mặt trên thị trường, sản phẩm gốm xốp Việt Nam có giá thành rẻ hơn, có thể hút được nước, dự trữ nước và chất dinh dưỡng cho cây trồng.

Theo PGS.TS Nguyễn Thế Hùng – đại diện của nhóm nghiên cứu trình bày tham luận tại Hội thảo – từ tháng 11/2016 nhóm nghiên cứu đã thực thiện dự án “Hỗ trợ thương mại hóa công nghệ sản xuất giá thể hạt gốm xốp kỹ thuật phục vụ phát triển trổng rau, hoa và cây trang trí nội thất” kéo dài tới tháng 10/2018.

Theo ông, để có thể thương mại hóa trước hết phải có một sản phẩm đủ tốt đáp ứng nhu cầu của thị trường, giải quyết được những khó khăn trong sản xuất, cần phải có đội ngũ chuyên gia hỗ trợ thương mại hóa, xây dựng đường bước đưa sản phẩm đến tay người tiêu dùng, đồng thời phải có những cách tiếp cận phù hợp với người nông dân: công nghệ đơn giản, dễ áp dụng, tham gia các Hội thảo, triển lãm trưng bày sản phẩm…

Cũng trong Hội thảo, đại diện công ty CP Công nghệ Vi sinh và Môi trường đã mang đến giải pháp xử lý phế phụ phẩm nông nghiệp thành phân ủ hữu cơ vi sinh bằng chế phẩm EMIC. EMIC (Bộ vi sinh vật hữu hiệu) là tập hợp nhiều vi sinh vật hữu hiệu đã được nghiên cứu và tuyển chọn có tác dụng phân giải nhanh các chất hữu cơ có trong rác thải, phế thải nông nghiệp, các loại mùn hữu cơ; chuyển hóa nhanh lân khó tiêu thành dễ tiêu, tạo chất kháng sinh tiêu diệt vi sinh vật gây bệnh cho cây trồng, tiêu diệt vi sinh vật gây hôi thối, hình thành chất kích thích sinh trưởng thực vật, giúp cây phát triển tốt.

Dây chuyền trích ly các hoạt chất thiên nhiên của công ty TNHH nhiệt công nghiệp HTL cũng là nội dung tiếp theo nhận được nhiều sự quan tâm bởi sự vượt trột của công nghệ: sử dụng máy dung tần ca kết hợp với các hạt Canxi Cacbonat tạo ra như một robot bóc vỏ;công nghệ sấy sôi giúp nguyên liệu không bị nhiễm khuẩn ngoài, không mất các dược tính quý; công nghệ CO2 siêu phân luồng giúp cách hoàn toàn dầu cùng hệ thống nghiền Nano sử dụng công nghệ ohaan ly điện tử giúp nghiền theo cỡ hạt mong muốn.

Hội thảo chính là hoạt động xúc tiến, tạo ra cơ hội để các đơn vị, doanh nghiệp giới thiệu, quảng bá cho sản phẩm công nghệ của mình, góp phần thay đổi nhận thức về sản phẩm của Việt Nam – những sản phẩm được nghiên cứu chế tạo áp dụng khoa học kĩ thuật hiện đại, không thua kém bạn bè quốc tế đồng thời cũng mang lại cho khách tham dự giải pháp tối ưu giúp nâng cao năng suất, sản lượng nông nghiệp, tăng tính cạnh tranh trên thị trường.

Theo Nongnghiep.vn