Sản xuất rau an toàn bước đầu mang lại hiệu quả

Mô hình sản xuất rau an toàn xóm Xuân Đám, xã Đồng Liên (T.P Thái Nguyên) được đầu tư với kỳ vọng tạo giá trị kinh tế cao cho bà con. Tuy nhiên vì nhiều lý do, thời gian đầu mô hình thực hiện kém hiệu quả. Từ khi Hợp tác xã (HTX) rau – củ – quả xóm Xuân Đám (đơn vị trực tiếp được giao triển khai mô hình) phối hợp với Công ty TNHH nông sản Minh Vân khôi phục, đưa giống cây trồng phù hợp vào sản xuất, bước đầu mang lại hiệu quả kinh tế cao.

Mới đây, chúng tôi có dịp trở lại mô hình sản xuất rau an toàn xóm Xuân Đám, xã Đồng Liên. Khác với thực tế 2 năm về trước, vùng trồng rau bị bỏ hoang, cỏ dại mọc um tùm, thì nay đã thay thế bằng những vườn rau ăn lá xanh mướt, những khu nhà lưới với các loại quả sai lúc lỉu.

Đang chăm chút cho những khóm cà chua Trali cùng các thành viên HTX rau – củ – quả xóm Xuân Đám, ông Dương Mạnh Chính, Giám đốc Công ty TNHH nông sản Minh Vân chia sẻ: Khoảng hơn 1 năm về trước, chúng tôi qua đây nhận thấy mô hình sản xuất rau được đầu tư bài bản về hạ tầng nhưng lại bị bỏ hoang, rất lãng phí nên ngỏ ý muốn được hợp tác để phát triển vùng trồng rau này. Sau khi thỏa thuận được với HTX rau – củ – quả xóm Xuân Đám, doanh nghiệp cùng HTX từng bước cải tạo lại mô hình phù hợp để gieo trồng các loại rau xanh chất lượng. Sau hơn 1 năm ký kết tham gia tư vấn kỹ thuật, cùng các thành viên đầu tư trồng rau sạch, đến nay mô hình sản xuất rau an toàn từng bước mang lại nguồn thu nhập cho công ty và thành viên HTX. Theo đó, mỗi tháng doanh thu từ mô hình đạt khoảng 100 triệu đồng. Để có được sản phẩm rau an toàn đạt chất lượng, HTX áp dụng phương thức chăm sóc cây trồng theo quy trình hữu cơ. Hiện nay, sản phẩm của mô hình phân phối tại 6 cửa hàng thực phẩm, rau, củ quả và tiêu thụ tại nhiều trường học trên địa bàn, được đông đảo khách hàng đón nhận.

Tìm hiểu thêm về mô hình, chúng tôi được biết: Nhằm mang lại nhiều lợi ích kinh tế cho người nông dân, năm 2016, UBND huyện Phú Bình đã sử dụng hơn 5,4 tỷ đồng bằng ngân sách Nhà nước thực hiện Dự án xây dựng mô hình sản xuất rau an toàn tại xóm Xuân Đám, với quy mô 10.000m2; bao gồm các hạng mục: Hệ thống nhà lưới, nhà kính, hệ thống bơm nước, cấp điện, bể chứa nước, nhà sơ chế… các hạng mục hoàn thành, đưa vào sử dụng cuối năm 2017. Tuy nhiên, trong quá trình triển khai có nhiều lý do dẫn đến việc thực hiện mô hình kém hiệu quả. Trong đó có một số hạng mục thực hiện sai với thiết kế ban đầu dẫn đến trong quá trình sử dụng không phát huy tác dụng, lãng phí tiền của Nhà nước, gây bức xúc dư luận. Ông Nguyễn Văn Nguyên, Giám đốc HTX rau – củ – quả xóm Xuân Đám cũng thừa nhận: Ban đầu do xây dựng các hạng mục chưa hợp lý, thêm vào đó HTX chưa có kinh nghiệm trong việc triển khai mô hình nên đã bị thất bại. Nhưng sau khi HTX đề nghị chính quyền xã và đơn vị thiết kế Dự án điều chỉnh, sửa chữa lại một số hạng mục bị hư hỏng và phối hợp với Công ty TNHH nông sản Minh Vân đưa các giống rau chất lượng vào sản xuất, mô hình sản xuất rau từng bước mang lại hiệu quả kinh tế.

Hiện HTX có 31 thành viên. Các thành viên HTX đều là những nông dân có đất để thực hiện mô hình trồng rau an toàn. Sau khi vào HTX, các thành viên được hưởng lợi từ tiền thuê đất và mỗi thành viên lao động tại đây sẽ được tính từ 120 nghìn đồng đến 200 nghìn đồng/ngày công lao động. Bình quân hiện nay, mỗi thành viên HTX rau – củ – quả xóm Xuân Đám có thu nhập khoảng 3 triệu đồng/ tháng. Để đảm bảo thu nhập cho các thành viên HTX, ngoài tìm tòi, nỗ lực trong sản xuất, ông Nguyên cũng đề đạt nguyện vọng thời gian tới, UBND xã Đồng Liên và T.P Thái Nguyên có kế hoạch điều chỉnh, sửa chữa lại hệ thống mái che, mương thoát nước để phù hợp với thực tế sản xuất (vì đây là những hạng mục phải đầu tư lớn, HTX không đủ khả năng thực hiện); đồng thời có cơ chế hỗ trợ giống rau mới đạt chất lượng để các thành viên của HTX thực hiện mô hình ngày càng đạt hiệu quả cao.