Rừng dừa nước Cà Ninh sắp bị khai tử, chim trời hết chốn nương thân

50 ha rừng dừa nước Cà Ninh ở huyện Bình Sơn, tỉnh Quảng Ngãi sắp bị khai tử, lại là cái nôi của lũ chim trời tội nghiệp ngoài biển Đông mỏi cánh bay về…

Vừa bước vào mé rừng dừa nước Cà Ninh, lũ chim bìm bịp đã chạy xào xào vào giữa đám cây ken dày rồi nghếch cổ nhìn ra. Bầy cò trắng chao lượn trên cánh đồng vừa gặt hái giữa âm thanh réo rắt của bầy sáo đá. 50 héc ta rừng dừa nước Cà Ninh ở huyện Bình Sơn, tỉnh Quảng Ngãi sắp bị khai tử, lại là cái nôi của lũ chim trời tội nghiệp ngoài biển Đông mỏi cánh bay về.  

Ngoài rừng, trong sông

Trưa tắt nắng, rừng dừa nước Cà Ninh xanh ngát một màu và lốm đốm bóng cò trắng chao lượn. Rừng dừa nước đứng im phăng phắc trước không gian lặng gió nhưng rồi đây sẽ phải hứng chịu “bão” và chấm dứt số phận của cánh rừng trăm năm bởi Nhà máy bột giấy VNT 19.

16-47-09_2_dong_song_len_loi

Những nhánh sông trong xanh như ngọc len lỏi giữa rừng dừa

Một người dân địa phương khoát tay nói vài điều về rừng dừa nước đã mang cho tôi cảm giác về một nơi yên bình và vô cùng thú vị: “Rừng dừa nước bao ở ngoài, đi lọt qua rừng dừa là tới bờ sông, chèo đò vô giữa con sông là tới ruộng, ruộng ở đây tốt tới mức lúa mọc ngang lưng như Đồng Tháp Mười, tới mùa chim về vô kể”.

Rừng ngập mặn ở huyện Bình Sơn có diện tích khoảng 120 héc ta, trong đó 70 héc ta là rừng dừa nước lâu năm. Cánh rừng trải dài vài km, tụ lại xanh tốt ở đoạn sông giáp biển, nơi giao nhau giữa 2 dòng nước ngọt – mặn. Do cánh rừng mỗi ngày một ken dày như một bức tường lũy, nên nơi đây trở thành chiếc nôi của bao loại chim trời và hải sản có điều kiện bảo tồn, sinh sôi. Những ngày đầu mùa mưa, cá tràu bươn loạt xoạt trên bùn, cá rô phi lượn đầy mặt nước, tôm, ốc, lươn, ghẹ thập thò giữa muôn trùng gốc dừa đã tạo nguồn sinh kế cho người dân. Mùa cá chạy, nước nổi, người dân thị trấn Châu Ổ cũng kéo xuống thả câu, nhắm rượu, hưởng thú vui an nhàn sau một ngày lao động mệt nhọc.

Cậu bé chăn trâu đưa tôi băng qua vạt ruộng tiến vào rừng dừa nước ở phía đầu con sông. Cậu kể về những nơi chưa dám đặt chân đến vì sợ trăn rừng. Vừa “xâm phạm lãnh thổ” của lũ chim trời, tôi đã bị hút mắt theo tiếng sột soạt, xào xào 2 bên lối đi. Đó là lũ chim bìm bịp có ngực và đuôi màu đen, bộ cánh pha màu cà phê như chiếc áo khoác cách điệu. Có lẽ đang canh giữ ngôi nhà và bầy con ở gần đâu đó nên những con bìm bịp mẹ chỉ chạy vòng quanh rồi ngấp nghé nhìn sang. Tôi chưa từng gặp nơi nào có nhiều chim bìm bịp như ở rừng dừa nước Cà Ninh. Càng vào sâu, chim bìm bịp xuất hiện càng nhiều và càng dạn dĩ hơn với con người.

Trên cánh đồng vừa gặt là những bầy chim sáo đang nhảy nhót với bộ lông căng mượt. Lũ chim ở đây có cuộc sống an toàn, nhờ dựa vào cánh rừng dừa dày đặc tạo ra thành lũy ngăn cản tham vọng của con người. Ông Nhật, một người dân địa phương lắc đầu không dám tiếp tục đi sâu vào vạt rừng bên trong. Ông nói rằng, “có dao rựa mới dám vô, vì sợ trăn, lỡ có rắn”. Thì ra, rừng Cà Ninh ẩm ướt, thoang thoảng mùi bùn đất còn những nơi mà con người phải ái ngại, là cơ hội để chim muông phát triển. Còn lũ trẻ trong làng thì nghĩ ra những điều giống như trong chuyện cổ tích.  

Thế giới chim, cò

“Nay mai tỉnh Quảng Ngãi sẽ trưng dụng rừng này làm hồ chứa cho Nhà máy bột giấy VNT 19, mất rừng dừa nước ngập mặn thì có tiếc không?”. Tôi đặt câu hỏi với nhiều người lớn tuổi, bà con trả lời rằng, “xã có chủ trương thì bà con nghe thôi, còn những người trẻ tuổi thì chưa chịu”. Nhưng rồi sực nhớ ra điều gì, một lý lẽ mà người dân chưa thể cắt nghĩa hết được nên cuối câu chuyện bà con lại nói “ờ, mà sao nơi khác họ trồng dừa nước, chặt một cây dừa nước ở rừng Bảy Mẫu bên tỉnh Quảng Nam là bị phạt nặng, còn mình lại đi phá nó, mùa đông chim cò về không biết sẽ ở đâu?”.

16-47-09_1_chim_choc

Đàn cò bám theo trâu gặm cỏ, tạo ra khung cảnh thanh bình bên cánh rừng dừa nước

Tục ngữ, ca dao thường nhắc đến con cò và gắn với hình tượng ốm o, khổ sở, lầm lũi, sống qua ngày trên những cánh đồng vừa gặt và sợ bão giông, khơi xa. Nhưng sự thật khiến ta kinh ngạc, đó là cò bay ra chung sống với hải âu giữa biển, cách đất liền vài trăm hải lý, đu bám trên những đồ vật trôi nổi. Ngày trời đổ bão, cò bu bám rợp trên những con tàu với vẻ mặt cầu xin con người cho chúng nương nhờ, nếu động đến, chúng kêu quang quác và mổ. Khi trời yên gió thì cò sẽ rời tàu tiếp tục cuộc lưu hành viễn phương.

Rừng dừa nước Cà Ninh nằm sát biển. Mùa hè đầy những bóng cò trắng lốp chao lượn trên cánh đồng, bám theo bầy trâu bắt ruồi. Nhưng đó chỉ là những “cư dân” ít ỏi không rời quê đi kiếm sống nơi xa. Mỗi khi đông về, rừng dừa nước Cà Ninh sẽ trở thành thiên đường cò tụ về từ biển cả. Ông Nhật cố gắng tìm những từ ngữ đầy đủ nhất để tả về bầy cò mùa đông: “Tính sao cho hết, cả triệu triệu con cò. Nó đứng trắng cả rừng, tàu lá dừa có lúc oằn xuống”. Ông Nhật cũng khẳng định, điều hay nhất ở rừng Cà Ninh, đó là người dân không đi săn bắn chim, nếu muốn ăn thì cứ vào rừng soi tìm lũ chim bị cóng nước. Đó là chim quá nhiều nên rơi xuống gốc cây.

Lũ trẻ và người lớn ở rừng dừa nước Cà Ninh có vẻ thích thú mỗi khi nhắc đến chuyện “chim cò, cá”. Mọi người thống kê có rất nhiều loại chim đang cư trú trong rừng và mỗi ngày kéo đến một đông. Đó là sáo đá, sáo nâu, chim chích quạch, chim sẻ, chào mào, vịt trời, gà rừng, con nen (giống gà rừng nặng khoảng 1 kg)… Cò ở rừng dừa nước có loại cò trắng, bên cạnh đó là cò lửa. Cò trắng thường đi thành từng bầy, còn cò lửa đi lẻ hoặc chỉ đi từng nhóm nhỏ. Người dân ở đây cho biết, nếu vào rừng thấy bẫy chim của ai đặt thì chặt bỏ. Không ai quy định về chuyện cấm săn bắn, nhưng bà con ở đây đã quen với việc bảo tồn các loài chim từ mấy chục năm nay.  

Dành bảy mẫu, bỏ Cà Ninh

Trên là rừng xanh mát, dưới là nước trong xanh như màu ngọc bích, rừng dừa nước Cà Ninh là món quà vô giá của thiên nhiên ban tặng cho con người (chiếm 70% diện tích rừng ngập mặn của Quảng Ngãi). Theo các nhà nghiên cứu, rừng dừa nước chính là bộ lọc thiên nhiên, giúp cho các loại tạp chất trong nước lắng đọng, phân hủy, trầm tích, sau đó mới xả nước về với mẹ biển. Rừng dừa nước Cà Ninh ngày càng trở thành nơi thu hút chim trời, vì nhiều năm nay, nhu cầu thu mua lá dừa nước làm mái che bán ra thị trường không còn đắt đỏ, nên bà con cứ để rừng mọc tự nhiên. Đến mùa, trái dừa nước bung múi, lẩy hạt xuống bùn, cây con đâm chồi mọc ken dày, tạo thành lũy cho lũ chim và tôm cá sinh sôi.

16-47-09_3_tieng_dp_du

Tiếng đập dừa sột soạt của ông Nhật làm rúng động bầy chim, cò

Đầu đường vào xã Bình Phước treo tấm pano viết sai chính tả: “Giành những gì tốt đẹp nhất cho trẻ em”. Rừng dừa nước ngập mặn sắp bị chặt bỏ để dành diện tích cho phát triển công nghiệp. Tương lai dành cho lũ trẻ có thể trở thành công nhân, thay vì chúng có thể mưu sinh bằng nghề du lịch sinh thái. Nếu mang ra so sánh thì rừng dừa nước ngập mặn Cà Ninh hơn hẳn rừng Bảy Mẫu rất nổi tiếng của tỉnh Quảng Nam ở sự nguyên sơ, làn nước xanh biếc, tôm cá phong phú và nhất là âm thanh ríu rít của lũ chim trời. Rừng Bảy Mẫu được ví như mỏ vàng, vì thu hút 1.000 – 3.000 khách du lịch/ngày. Còn Cà Ninh thì bị nhà máy giấy “giành” mất, nên bầy chim trời sắp hết chốn nương thân và lũ trẻ sẽ qua thời mơ mộng.

Phát triển công nghiệp gắn với giữ nguyên cảnh quan môi trường luôn là bài toán khó. Theo báo cáo của UBND tỉnh Quảng Ngãi, 50 héc ta rừng dừa nước gần 100 năm tại xã Bình Phước sẽ bị chặt để xây hồ tích trữ nước cho Nhà máy bột giấy VNT 19 (công suất 200.000 tấn giấy tráng phấn/năm). Tỉnh sẽ chọn xã lân cận để trồng lại dừa nước.

Quảng Nam: Xác định đối tượng thuê dân “cạo trọc” rừng để trồng keo

Chợ An Đông ở thành phố Hồ Chí Minh lâm cảnh mục nát​

Theo Nông nghiệp