Theo thông tin từ Hiệp hội Rau quả Việt Nam, 7 tháng đầu năm 2024, kim ngạch XK rau quả nước ta ước đạt hơn 3,8 tỷ USD, tăng 23,4% so với cùng kỳ năm 2023.
Trong 10 thị trường nhập khẩu hàng đầu của rau quả Việt Nam, hầu hết đều tăng trưởng từ 15% đến 96%. Trung Quốc vẫn là thị trường lớn nhất, chiếm 64% tổng kim ngạch xuất khẩu với 2,1 tỷ USD trong nửa đầu năm, tăng 22% so với cùng kỳ. Tiếp theo là Hàn Quốc với 164 triệu USD và Mỹ là hơn 157 triệu USD, lần lượt tăng 55% và 33%.
Đặc biệt, Thái Lan – một đối thủ cạnh tranh của Việt Nam trong xuất khẩu rau quả sang Trung Quốc – cũng tăng cường mua hàng Việt, đạt 97 triệu USD trong 6 tháng đầu năm, tăng gần gấp đôi so với cùng kỳ năm trước. Sầu riêng, chuối và thanh long là những sản phẩm chính đóng góp vào sự tăng trưởng kim ngạch xuất khẩu 7 tháng đầu năm.
Theo Cục Xuất nhập khẩu – Bộ Công Thương, hoạt động xuất khẩu rau quả của Việt Nam sẽ tiếp tục thuận lợi trong thời gian tới nhờ nguồn cung nội địa dồi dào, nhu cầu các thị trường truyền thống và tiềm năng đều có xu hướng tăng.
Cụ thể, tại thị trường xuất khẩu rau quả lớn nhất của Việt Nam là Trung Quốc, thị phần hàng rau quả của Việt Nam đã tăng mạnh từ 7,9% năm 2022 lên 13,99% năm 2023. Hiện cơ quan chức năng của Việt Nam và Trung Quốc đã hoàn tất đàm phán kỹ thuật và sẽ sớm ký kết Nghị định thư xuất khẩu sầu riêng đông lạnh. Ngoài ra, các sản phẩm như dược liệu, dừa và hoa quả đông lạnh cũng sẽ được Trung Quốc mở cửa nhập khẩu trong thời gian tới.
Ngoài thị trường Trung Quốc, những tháng đầu năm 2024 cũng ghi nhận bước phát triển mới trong xuất khẩu rau quả của Việt Nam vào Thái Lan mặc dù đây là quốc gia xuất khẩu nông sản hàng đầu thế giới và có nhiều loại sản phẩm tương đồng với Việt Nam.
Ngoài ra số liệu từ Tổng cục Hải quan cho biết, trong 6 tháng đầu năm 2024, kim ngạch xuất khẩu hạt điều đạt 1,95 tỷ USD, tăng 18,7% so với cùng kỳ năm 2023. Kim ngạch xuất khẩu cà phê đạt 3,22 tỷ USD, giảm 10,6% về lượng, nhưng tăng 34,5% về trị giá so với cùng kỳ năm ngoái. Kim ngạch xuất khẩu hồ tiêu đạt 634,2 triệu USD, giảm 6,8% về lượng nhưng tăng 30,5% về trị giá.
Theo đó, các mặt hàng trên không ngừng lập kỷ lục về giá bán tại thị trường trong nước. Cụ thể, giá cà phê đang ở mức 127-129 ngàn đồng/kg; giá hồ tiêu dao động ở mức 150-151 ngàn đồng/kg, có thời điểm tăng lên mức 180 ngàn đồng/kg (vào tháng 6); giá hạt điều thô có mức trên 50 ngàn đồng/kg. Đây đều là những mức giá cao kỷ lục trong vòng nhiều năm trở lại đây.
Hiệp hội Rau quả Việt Nam dự báo xuất khẩu rau quả của Việt Nam cả năm nay có thể đạt 7 tỷ USD, mức cao kỷ lục từ trước tới nay nhờ nguồn cung dồi dào, nhu cầu tăng.
Đặc biệt một số loại trái cây như sầu riêng đã bước vào vụ thu hoạch chính; thanh long, dứa, dưa hấu, xoài, nhãn… sẽ góp phần tăng trưởng hơn nữa với thị trường Trung Quốc.
Vùng trồng sầu riêng lớn nhất Việt Nam hiện nay ở các tỉnh Tây nguyên sẽ vào mùa thu hoạch rộ trong tháng 9, tháng 10. Năm ngoái đây là giai đoạn xuất khẩu sầu riêng cao kỷ lục của Việt Nam do Thái Lan hết hàng.
Năm 2024, ngành nông nghiệp Việt Nam đặt mục tiêu kim ngạch xuất khẩu đạt 55 tỷ USD, tốc độ tăng trưởng GDP 3,5%. Bước chạy đà của những tháng đầu năm 2024 là tín hiệu tích cực cho thấy sự nỗ lực của toàn ngành trên chặng đường hiện thực hóa mục tiêu.
Thị trường đã mở, nhu cầu nông, lâm, thủy sản trên toàn cầu được dự báo sẽ còn tăng, thì nâng cao năng lực thực thi các quy định về chất lượng sản phẩm, lao động, môi trường… trong sản xuất và xuất khẩu sẽ giúp nông sản Việt Nam thắng lớn trên thị trường quốc tế.
Cấp“Hộ chiếu” cho xuất khẩu nông sản
Thời gian qua, với sự cạnh tranh gay gắt giữa các loại nông sản trên thị trường thế giới cho thấy, việc cấp chứng nhận truy xuất nguồn gốc cho nông sản mang tầm quốc tế trở thành điều cấp thiết của ngành trồng trọt ở Việt Nam nói chung và Thủ đô Hà Nội nói riêng. Theo đó, mã số vùng trồng được xem là tấm vé thông hành quan trọng để nông sản xuất khẩu. Do đó, việc xây dựng mã số vùng trồng đang là việc làm rất cần thiết nhằm tạo niềm tin cho người tiêu dùng với những sản phẩm có nguồn gốc rõ ràng, chất lượng đảm bảo phục vụ nhu cầu thị trường, từ đó góp phần đưa nông sản vươn tầm thế giới.
Bên cạnh đó, việc cấp mã số vùng trồng không chỉ giúp người tiêu dùng và cơ quan chức năng dễ dàng truy xuất nguồn gốc, đáp ứng yêu cầu của nước nhập khẩu thông qua việc sản xuất theo quy trình nhất định có kiểm soát dịch hại, đảm bảo vấn đề an toàn thực phẩm, mà còn giúp nông dân ý thức được vấn đề sản xuất liên quan chặt chẽ đến chất lượng và giá thành sản phẩm. Đồng thời, có thể xem đây là “chìa khóa” trong việc xây dựng lòng tin về chất lượng, uy tín nông sản Việt Nam nói chung trên thị trường quốc tế cũng như lợi ích kinh tế của người nông dân.
Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, việc thiết lập và cấp mã số vùng trồng, cơ sở đóng gói đã đạt được nhiều kết quả tích cực góp phần ịnh hướng sản xuất theo nhu cầu của thị trường, nâng cao uy tín của nông sản Việt Nam.
Đến nay đã cấp 7.558 mã số vùng trồng tại 56 tỉnh và 1.558 mã số cơ sở đóng gói được phép xuất khẩu sang các thị trường: Trung Quốc, Mỹ, Australia, New Zealand, Hàn Quốc, Nhật Bản, EU…
Trong đó, vùng Đồng bằng sông Cửu Long có số lượng mã số vùng trồng lớn nhất cả nước với 3.975 mã (chiếm 57%) đang hoạt động.
Tỉnh Đồng Tháp có 2.469 mã số vùng trồng được cấp, lớn nhất cả nước, Tiền Giang có 528 mã số vùng trồng và cơ sở đóng gói, Bến Tre có 84 mã số vùng trồng và cơ sở đóng gói.
Riêng đối với Hà Nội, tính đến hết năm 2023, Thành phố đã có 124 cơ sở được cấp mã số vùng trồng với tổng diện tích 794,4ha. Trong đó cây lúa có 56 cơ sở, với tổng diện tích 447,5ha; cây rau 27 cơ sở, 86ha; cây ăn quả 34 cơ sở, 231,4ha và cây dược liệu, hoa cây cảnh có 7 cơ sở, tổng diện tích 29,5ha. Bên cạnh đó, lực lượng chức năng đã kiểm tra, giám sát 43 cơ sở được cấp mã số vùng trồng nội địa, kết quả có 38 cơ sở bảo đảm duy trì mã số vùng trồng theo quy định, 5 cơ sở ghi chép nhật ký truy xuất nguồn gốc chưa đầy đủ.
Xây dựng mã số vùng trồng không chỉ tạo điều kiện thuận lợi khi tiêu thụ trên thị trường trong nước và xuất khẩu, mà còn có tác động, thay đổi nhận thức, tập quán canh tác của người dân, chuyển hướng sang sản xuất theo tiêu chuẩn an toàn, hướng đến nền sản xuất nông nghiệp chuyên nghiệp và bền vững hơn.
Có thể thấy, trong thời kỳ Cách mạng công nghiệp 4.0, bối cảnh phát triển, sự cạnh tranh của các mặt hàng nông sản ngày càng tăng và bên cạnh chất lượng, vấn đề truy xuất nguồn gốc, an toàn thực phẩm… ngày càng trở nên quan trọng.
Việc đăng ký mã số vùng trồng là một cơ sở quan trọng để khẳng định về chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm của nông sản, qua đó, không chỉ xây dựng lòng tin của người tiêu dùng Thủ đô về chất lượng sản phẩm nông sản, mà còn nâng cao uy tín, thương hiệu sản phẩm nông sản của Thủ đô trên thị trường trong và ngoài nước.
Theo Doanh nghiệp & Thương hiệu