Vì sao, xuất khẩu gạo đạt kỷ lục gần 8,3 triệu tấn và 4,78 tỷ USD?

Khép lại năm 2023, giá trị xuất khẩu gạo của Việt Nam đã đạt kỷ lục về số lượng và giá trị với 8,3 triệu tấn và 4,78 tỷ USD, tăng 38,4% so với năm 2022. Nhiều chuyên gia đã lý giải con số kỷ lục trên.

1
Vì sao, xuất khẩu gạo đạt kỷ lục gần 8,3 triệu tấn và 4,78 tỷ USD? Ảnh internet.

Ông Đỗ Hà Nam, Phó Chủ tịch Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA) nhấn mạnh, 2023 là một năm rất thành công đối với ngành gạo, Việt Nam xác lập 02 kỷ lục mới. Đó là giá lúa gạo xuất khẩu của Việt Nam cao chưa từng có trong lịch sử ngành hàng. Sản lượng gạo xuất khẩu lập đỉnh trên 8 triệu tấn. Đây là năm đầu tiên Việt Nam xuất khẩu được 8 triệu tấn.

Theo chuyên gia, giá gạo của Việt Nam luôn được chào bán ở mức cao và nhiều tuần, tháng không thay đổi so với trước đó. Một thương nhân có trụ sở tại thành phố Hồ Chí Minh cho biết: “Nguồn cung vẫn ở mức thấp và chúng tôi dự đoán nhu cầu đối với gạo Việt Nam sẽ mạnh trong năm 2024, đặc biệt là từ Philippines và Trung Quốc”.

Lý do tiếp theo là Ấn Độ và Thái Lan là hai quốc gia xuất khẩu gạo nhiều của Châu Á nhưng năm qua, Ấn Độ bị thiên tai nên sản lượng lúa gạo ít và do chính sách hạn chế xuất khẩu gạo. Với Thái Lan, gạo thương phẩm của họ không giữ được giá như trước đây và diện tích trồng lúa cũng bị thu hẹp so với trước nên sản phẩm cung cấp ra thị trường không phong phú về chất lượng và số lượng.

2
Vì sao, xuất khẩu gạo đạt kỷ lục gần 8,3 triệu tấn và 4,78 tỷ USD? Ảnh internet.

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã phát động Đề án “Phát triển bền vững 1 triệu ha chuyên canh lúa chất lượng cao và phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh vùng Đồng bằng sông Cửu Long đến năm 2030”.

Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan cho biết, trong quá trình triển khai đề án, sẽ thực hiện thí điểm các chính sách mới như: chi trả tín chỉ carbon dựa trên kết quả; tập trung vào sản xuất phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh; phát triển kinh tế nông nghiệp theo hướng tuần hoàn, tận dụng tối đa phụ phẩm từ sản xuất lúa gạo; khai thác đa giá trị, tạo ra nhiều sản phẩm chế biến từ lúa gạo…

Các thí điểm thành công tại Đồng bằng sông Cửu Long sẽ được mở rộng ra toàn quốc, hướng tới mục tiêu đưa “Phát triển xanh, giảm phát thải, chất lượng cao” trở thành thương hiệu của lúa gạo Việt Nam.