Sẩn phẩm OCOP ngày càng khẳng định vị thế trên thị trường

Trong những năm qua, việc triển khai chương trình OCOP trên đã khơi dậy tiềm năng, lợi thế khu vực nông thôn, nâng cao thu nhập cho người dân; thúc đẩy kinh tế nông thôn phát triển…; góp phần xây dựng nông thôn mới đi vào chiều sâu, hiệu quả và bền vững. thương hiệu sản phẩm OCOP đã khẳng định được vị thế trên thị trường, tạo lòng tin với người tiêu dùng.

Sản phẩm OCOP ngày càng được nhiều khách hàng tin tưởng lựa chọn

Trong thời gian qua, với nhiều giải pháp được triển khai mạnh mẽ, Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) đã tạo phong trào khởi nghiệp mạnh mẽ, góp phần chuyển đổi sản xuất, với danh mục các sản phẩm ngày càng đa dạng, phong phú.

1
Người tiêu dùng ngày càng mua sắm sản phẩm OCOP nhiều hơn. 

Ông Nguyễn Minh Tiến, Giám đốc Trung tâm Xúc tiến Thương mại Nông nghiệp, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn thông tin, đến giữa tháng 12/2023, cả nước đã có 11.054 sản phẩm OCOP, trong đó có 68,9% là sản phẩm được công nhận 3 sao và gần 30% được công nhận sản phẩm 4 sao và đặc biệt là có 42 sản phẩm được chính thức Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn và các bộ, ngành công nhận là sản phẩm OCOP 5 sao và còn lại là các sản phẩm có tiềm năng 5 sao.

Tính đến nay, nhiều sản phẩm của Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) đã trở thành mặt hàng quen thuộc của người dân và ngày càng khẳng định được thế mạnh trên thị trường.

Cao Bằng là tỉnh miền núi phía Đông Bắc, có sự đa dạng của khí hậu, thổ nhưỡng là điều kiện thuận lợi cho việc sản xuất nhiều loại sản phẩm đặc sản, đặc hữu có giá trị kinh tế cao. Đây là điều kiện thuận lợi để địa phương phát triển chương trình OCOP gắn với xây dựng nông thôn mới.

Sau gần 4 năm thực hiện Chương trình OCOP, đến nay, toàn tỉnh có 9 sản phẩm OCOP đạt 4 sao và 88 sản phẩm đạt 3 sao của 67 chủ thể gồm 22 HTX, 1 tổ hợp tác, 14 doanh nghiệp và 30 hộ sản xuất, kinh doanh. Chương trình có tác động lớn đến sản xuất nông nghiệp hàng hóa của tỉnh với những chuyển biến tích cực từ tư duy sản xuất nhỏ lẻ sang sản xuất hàng hóa, từ sản xuất nguyên liệu thô sang xây dựng thương hiệu riêng, chú trọng việc nâng cấp bao bì, mẫu mã sản phẩm theo nhu cầu thị trường, đảm bảo sản phẩm tiện dụng, đúng quy định, nâng cao được giá trị sản phẩm và tuân thủ nghiêm các quy định về an toàn thực phẩm, môi trường đáp ứng các tiêu chí của Chương trình OCOP, nâng cao giá trị gia tăng sản phẩm.

Các sản phẩm OCOP sau khi có chứng nhận được nhiều khách hàng trong và ngoài tỉnh biết đến, tin dùng và đánh giá cao, gia tăng được giá trị, thương hiệu sản phẩm. Hiện nay, một số sản phẩm OCOP tiêu biểu của tỉnh được phân phối, tiêu thụ tại các siêu thị, cửa hàng bán lẻ trong và ngoài tỉnh chủ yếu tập trung ở Hà Nội, Thái Nguyên, Bắc Ninh, Hải Phòng, Quảng Ninh, Thành phố Hồ Chí Minh. Các sản phẩm OCOP như: Lạp sườn, thịt hun khói của HTX Tâm Hòa, miến dong Tân Việt Á của HTX nông sản sạch Tân Việt Á, lục trà và hồng trà của Công ty TNHH Kolia Cao Bằng, gạo nếp Hương Bảo Lạc của Doanh nghiệp tư nhân 668 Bảo Lâm, thạch đen Lê Thùy của hộ kinh doanh Nông Thị Lệ Thùy; các sản phẩm bún khô của HTX nông nghiệp 3 sạch Hưng Đạo, Công ty TNHH Cao Tuyền… ký kết hợp đồng với một số chuỗi siêu thị lớn như hệ thống siêu thị Winmart+, Big C, AEON và tham gia thị trường tại các đại lý, cửa hàng bán lẻ trong và ngoài tỉnh. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều sản phẩm OCOP mới chỉ tiêu thụ trong tỉnh.

Được triển khai từ năm 2019, Chương trình OCOP của tỉnh Thái Nguyên đã thu hút nhiều doanh nghiệp, hợp tác xã (HTX), hộ sản xuất – kinh doanh tham gia. Qua đó, giúp các địa phương tìm kiếm, xây dựng sản phẩm hàng hóa chủ lực, đặc trưng, có thế mạnh. Tính đến nay, Thái Nguyên có 173 sản phẩm OCOP được công nhận đạt từ 3-5 sao. Trong đó có 91 sản phẩm 3 sao, 80 sản phẩm 4 sao, 2 sản phẩm 5 sao.

Các sản phẩm OCOP đã và đang được ngành chức năng, địa phương cùng các chủ thể quan tâm chú trọng quảng bá, giới thiệu, kết nối tiêu thụ thông qua các hoạt động xúc tiến thương mại, hội chợ ở nhiều tỉnh, thành trong nước. Qua đó, giúp cho các chủ thể OCOP tiếp cận với thị trường, hiểu được thị hiếu, nhu cầu của người tiêu dùng. Từ đó, tiếp tục nâng cao năng lực sản xuất, đa dạng sản phẩm, cải tiến mẫu mã, xúc tiến bán hàng.

Nhờ đó, những năm gần đây, các sản phẩm OCOP của tỉnh không chỉ được tiêu thụ ở phạm vi hẹp tại địa phương mà đã có mặt tại không ít siêu thị, cửa hàng lớn trong nước. Trong số này, đa phần là sản phẩm chè của các đơn vị như HTX chè Thịnh An, HTX chè an toàn Khe Cốc, HTX chè Sơn Dung, HTX chè Hảo Đạt; Công ty CP chè Tân Cương – Hoàng Bình; Công ty CP Chè Hà Thái…

Ngoài ra, một số sản phẩm khác cũng được thị trường ưa chuộng như: gạo nếp, miến, nấm, măng khô, cao ngựa bạch, tương nếp, nhung hươu… của các đơn vị như: HTX nông sản nếp vải Ôn Lương, HTX miến Việt Cường; HTX chế biến nông sản Võ Nhai; cơ sở sản xuất – kinh doanh Dương Xuân Trường…

Bên cạnh đó, một số HTX, đơn vị trong tỉnh cũng đã mạnh dạn đưa sản phẩm OCOP của mình đến với thị trường quốc tế và được người tiêu dùng đón nhận.

Nho tươi, táo là sản phẩm đặc thù của Ninh Thuận nhưng khó bảo quản lâu ngày bán cho du khách ngoài tỉnh. Thế nhưng, qua chế biến của Công ty TNHH Sản xuất và Thương mại nông sản Thái Thuận – Ninh Thuận, xã Nhơn Sơn (Ninh Sơn) đã cho ra đời sản phẩm táo sấy dẻo tách hạt, nho sấy dẻo nguyên hạt, thơm ngon đạt chứng nhận OCOP, có mẫu mã, bao bì đẹp, dễ dàng vận chuyển đi tiêu thụ khắp cả nước. Sản phẩm nho, táo sấy có sự kết hợp sản xuất theo chuỗi giữa canh tác theo tiêu chuẩn VietGAP và chế biến đảm bảo an toàn thực phẩm nên được nhiều khách hàng biết đến, tin tưởng sử dụng.

Ông Nguyễn Đình Quang, Giám đốc Công ty TNHH Sản xuất và Thương mại nông sản Thái Thuận – Ninh Thuận, chia sẻ: Những năm qua, với mong muốn phát triển thương hiệu táo, nho Ninh Thuận, công ty hợp tác với các trung tâm nghiên cứu chế biến nông sản chuyển giao công nghệ chế biến quả táo, nho. Đồng thời, được sự hỗ trợ từ nguồn vốn khuyến công quốc gia, công ty mạnh dạn đầu tư hệ thống nhà xưởng, thiết bị chưng cất thủy đa năng, máy sấy, máy đóng gói để sản xuất các dòng sản phẩm chế biến từ quả táo và nho. Sản phẩm được xử lý sạch trên dây chuyền công nghệ hiện đại, áp dụng phương pháp tách hạt và sấy bằng công nghệ tiên tiến, tạo ra dòng sản phẩm táo, nho sấy thành phần dinh dưỡng cao, hương vị, màu sắc tự nhiên. Chỉ tính riêng quả táo, mỗi năm công ty chế biến khoảng 15 tấn táo sấy dẻo tách hạt và nguyên hạt, ô mai táo và sản xuất khoảng 3.000 lít sirô táo, giấm táo, sản phẩm đạt chứng nhận OCOP 3 sao cấp tỉnh, đưa vào bán tại các siêu thị, chuỗi bán lẻ trên cả nước.

Giám đốc Hợp tác xã Bưởi đỏ Đông Cao, xã Tráng Việt (huyện Mê Linh, TP.Hà Nội) Lương Văn Phương cho biết, sản phẩm bưởi đỏ của Hợp tác xã Bưởi đỏ Đông Cao đã được UBND TP. Hà Nội công nhận 4 sao trong Chương trình OCOP. Dịp Tết Nguyên đán vừa qua, ước tính xã Tráng Việt có 8.000 quả bưởi được đưa ra thị trường với giá 90-100 nghìn đồng/quả.

“Bưởi đỏ được ưa chuộng bởi màu sắc độc lạ, hương vị thơm ngon. Sản phẩm được lựa chọn tham gia trưng bày tại các hội chợ xúc tiến thương mại, lượng tiêu thụ không những ổn định mà còn có xu hướng ngày càng tăng”, ông Phương khẳng định thêm.

Còn theo Trưởng phòng Kinh tế huyện Đông Anh Nguyễn Tuấn Hà, trên địa bàn huyện có 172 sản phẩm OCOP. Để đẩy mạnh tiêu thụ, huyện đã hỗ trợ các chủ thể tham gia chương trình xúc tiến thương mại, hội chợ để quảng bá sản phẩm tới tay người dùng.

Hiện nay toàn thành phố có 1.649 sản phẩm OCOP, rất nhiều sản phẩm như: Rau, thịt, giò chả, bánh chưng, gạo… được người tiêu dùng đánh giá cao về chất lượng và có sản lượng tiêu thụ rất lớn trong dịp Tết Nguyên đán. Các sản phẩm đều được cấp giấy chứng nhận bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm, có mã số, mã vạch, tem truy xuất nguồn gốc, nhãn hiệu tập thể, nhãn hiệu chứng nhận và tạo được dấu ấn riêng trên thị trường…

Theo Sở Công Thương Hà Nội, Thành phố đang dẫn đầu cả nước về số lượng sản phẩm OCOP của 426 doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ sản xuất, kinh doanh đã được đánh giá và phân hạng. Trong đó, Thành phố đã phát triển khoảng 80 điểm giới thiệu và bán sản phẩm OCOP trên địa bàn các quận, huyện, thị xã để quảng bá, giới thiệu đưa sản phẩm đến với người tiêu dùng, khách du lịch.

Đây đều là những điểm uy tín, không chỉ tiêu thụ sản phẩm OCOP Hà Nội mà còn kết nối, tiêu thụ sản phẩm OCOP từ 25 tỉnh, thành phố khác trên cả nước.

Cần đổi mới, nâng cao chất lượng sản phẩm, phương thức quảng bá

2
Rất nhiều sản phẩm OCOP đã được tiêu thụ rộng khắp trên thị trường cả nước.

Với lợi thế về giá trị, chất lượng, nét đặc sắc, yếu tố văn hóa bản địa…, việc tiêu thụ sản phẩm OCOP vẫn chưa tương xứng với tiềm năng, nhất là khi ra thị trường thế giới.

Ông Nguyễn Thế Anh – Giám đốc Trung tâm Kinh doanh phân phối, Tổng Công ty Bưu điện Việt Nam (VNPOST) chia sẻ, một trong những điểm yếu của các sản phẩm OCOP là khâu đóng gói, nhận diện thương hiệu. Hiện, phần lớn sản phẩm OCOP là các sản phẩm nông sản, xuất phát từ khu vực nông thôn nên còn hạn chế trong khâu thiết kế hình ảnh sản phẩm, kể một câu chuyện về sản phẩm. Bên cạnh đó, khả năng bảo quản, vận chuyển cũng còn nhiều hạn chế.

Vì vậy, theo ông Nguyễn Thế Anh, các chủ thể OCOP và sản phẩm OCOP nên tập trung vào khâu đóng gói, bao bì mẫu mã và xây dựng thương hiệu.

Ngoài ra, để đẩy mạnh tiêu thụ sản phẩm OCOP, ông Nguyễn Minh Tiến cho rằng, đối với sản phẩm OCOP, có 3 vấn đề mang tính mấu chốt. Đó là chất lượng, căn cứ vào việc ứng dụng khoa học công nghệ; Mẫu mã và bao bì phải đáp ứng được cả thị trường trong nước và thị trường quốc tế; và Tập trung vào xây dựng được thương hiệu và đăng ký bảo hộ và cùng với đó triển khai các chương trình về thương hiệu.

“Ví dụ, sản phẩm trà shan tuyết cổ thụ ở Hà Giang hay Yên Bái, cách chế biến trước đây chỉ phù hợp với thị trường trong nước. Khi đưa ra thị trường thế giới phải chế biến thành sản phẩm cao cấp, như hồng trà, bạch trà, hoàng trà, có giá 1,5 triệu, 2 triệu hoặc có thể là 10 triệu đồng để định vị thương hiệu, gia tăng giá trị và phù hợp với xu hướng, nhu cầu”, ông Tiến nêu.

Cùng với đó, người bán nên kết hợp giữa trải nghiệm trực tiếp và livestream giới thiệu sản phẩm. Gắn sản phẩm với câu chuyện văn hóa, truyền thống và nguồn nguyên liệu tạo ra sản phẩm để người dùng trải nghiệm, đưa sản phẩm OCOP đi xa hơn.

ông Đặng Quý Nhân, Văn phòng điều phối nông thôn mới Trung ương (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) cho biết, hiện địa phương nào cũng có thể có sản phẩm OCOP nhưng thực tế, sản phẩm nổi trội lại chưa nhiều.

Việc thiếu đầu tư cho mẫu mã, bao bì, sản xuất còn thiếu các tiêu chí an toàn, chưa nâng cao chất lượng sản phẩm làm giảm đi tính cạnh tranh của sản phẩm OCOP trong các siêu thị hay hệ thống phân phối.

“Tôi cho rằng các địa phương cần thay đổi cách làm sản phẩm OCOP (đặc sản địa phương, mỗi xã một sản phẩm) để đạt giá trị gia tăng cao hơn”, ông Nhân bày tỏ.

Đây là thực tế mà Vụ Thị trường trong nước, Bộ Công thương cũng chỉ ra cho các doanh nghiệp sản xuất sản phẩm OCOP.

Hiện nay, việc tiêu thụ các sản phẩm OCOP cũng còn những khó khăn, hạn chế nhất định như sản phẩm chế biến còn ít, quy mô sản xuất còn nhỏ lẻ, trình độ quản trị sản xuất, kinh doanh của các hợp tác xã, doanh nghiệp, chủ cơ sở, kinh doanh còn thấp, thói quen phát triển thụ động, hiểu biết về sản phẩm, năng lực nghiên cứu và phát triển còn yếu dẫn đến năng suất, chất lượng.

Số lượng sản phẩm chưa cao, sức cạnh tranh của sản phẩm còn hạn chế nên việc triển khai chương trình chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế của tỉnh, đặc biệt là việc quảng bá, tiêu thụ sản phẩm OCOP chưa được như mong muốn trong bối cảnh sức mua trong nước còn yếu sau đại dịch Covid-19.

Theo ông Hoàng Hoa Quân, Cục Du lịch quốc gia Việt Nam (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch), mỗi năm Việt Nam đón khoảng 120 triệu khách du lịch và khách hiện có xu hướng tự tìm tour trên các ứng dụng trực tuyến, thích du lịch khám phá, du lịch cộng đồng, được trải nghiệm cách làm sản phẩm OCOP thực tế.

Mặc dù cả nước có hơn 10.000 sản phẩm OCOP nhưng các điểm tập trung sản phẩm OCOP chưa nhiều, điểm phục vụ khách du lịch lại càng hiếm. Do đó, các địa phương để thúc đẩy sản phẩm OCOP gắn với du lịch cần tính toán đến việc xây dựng cơ sở hạ tầng tiếp đón khách du lịch và nên tập hợp đa dạng sản phẩm OCOP tại điểm du lịch.

Đại diện Vụ Thị trường trong nước cho rằng, để thúc đẩy tiêu thụ sản phẩm OCOP cần phải tiếp tục duy trì và phát triển các kênh phân phối đã được xây dựng và thúc đẩy bán hàng đa kênh đối với các Điểm giới thiệu và bán sản phẩm OCOP đã có sẵn.

Bên cạnh đó, cần đẩy mạnh công tác kết nối, xúc tiến thương mại, tiêu thụ sản phẩm OCOP gắn với du lịch, ẩm thực, văn hóa, nâng cao nhận thức về chuyển đổi số và đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, thương mại điện tử trong công tác giới thiệu, quảng bá, kinh doanh và tiêu thụ sản phẩm.

Việc truyền thông, quảng bá cho sản phẩm OCOP và các điểm giới thiệu và bán sản phẩm OCOP; công tác quản lý thị trường và bảo vệ thương hiệu của các sản phẩm OCOP cần được đẩy mạnh hơn nữa.