Trồng cây họ chè, hái quả hàng năm cho thu nhập lớn

Thời điểm này, nông dân xã Thịnh Thành, huyện Yên Thành (Nghệ An) đang vào mùa thu hoạch hạt sở; bà con phấn khởi bởi vụ sở cho năng suất cao, bán được giá và thị trường đầu ra rất ổn định.

Đi dọc tuyến đường Khùa qua xã miền núi Thịnh Thành, xen giữa bạt ngàn cánh rừng trồng là cây sở sai quả đang vào mùa thu hoạch. Với ông Thái Khắc Hải  ở xóm Đông Thịnh, năm nay niềm vui đến với gia đình khi thu nhập từ hạt sở đạt khoảng 120 triệu đồng.

Người dân xã Thịnh Thành (Yên Thành) phấn khởi trước vụ sở trĩu quả, bán được giá. Ảnh: Thái Hồng

Ông Thái Khắc Hải cho biết: Cách đây hơn 10 năm gia đình đã mạnh dạn đưa cây sở vào trồng gần 2 ha đất đồi rừng. Đây là vụ thứ 5 cây cho quả đại trà, dự kiến năng suất năm nay đạt  6 tấn /ha. Những ngày này, ông phải thuê hơn 10 nhân công lao động thu hái; quả sở tươi được thương lái đến thu mua ngay tại rừng với giá 15 triệu đồng/ tấn, cao hơn so với các vụ trước.

Cây sở được trồng ở xã Thịnh Thành từ năm 2007, theo dự án phát triển lâm nghiệp của huyện với quy mô diện tích 50 ha.

Theo bà con ở đây, trồng sở ít phải đầu tư chăm sóc, bón phân, chỉ  bỏ công chăm sóc khi cây còn nhỏ chưa khép tán, sau 5 năm trồng cây bắt đầu cho quả, mỗi năm thu hoạch một lứa vào những tháng cuối năm; sau thu hoạch, cây sẽ ra hoa ngay để cho quả cho vụ sau.

Sản phẩm hạt sở để ép dầu thực phẩm, chế biến xà phòng, làm thuốc chữa bệnh, phân bón và thuốc trừ sâu… Ảnh: Thái Dương

Năm nay, cây sở ở xã Thịnh Thành cho năng suất bình quân 5 tấn/ha, đạt tổng sản lượng 250 tấn quả sở tươi; ở những vùng đồi có chất đất tốt, có sự đầu tư chăm sóc, năng suất  có thể đạt khoảng 7 tấn/ha.

Đặc biệt, sản phẩm hạt sở luôn có thị trường đầu ra luôn ổn định; với giá bán hiện tại sau khi trừ chi phí mỗi ha cho thu lãi khoảng 70 triệu đồng. Nhờ đó, những hộ tham gia trồng sở đều có thu nhập khá.

Ngoài cho giá trị kinh tế, cây sở còn có nhiều ưu điểm là cây xanh tốt quanh năm, rễ bám sâu vào lòng đất, không bị đổ gãy và rụng quả khi có tố lốc, gió bão. Vì thế, cây sở còn có tác dụng chống xói mòn khi có mưa lũ, góp phần  bảo vệ môi trường sinh thái tại các khu rừng phòng hộ đầu nguồn.

Ban quản lý rừng phòng hộ Yên Thành đã ươm hơn 2 vạn cây sở giống phục vụ cho công tác trồng rừng vụ xuân 2018. Ảnh: Thái Hồng

Cũng theo ông Nguyễn Ngọc Ánh – Trưởng Ban quản lý rừng phòng hộ Yên Thành: Với nhiều ưu điểm của cây sở, đơn vị tiếp tục triển khai xây dựng kế hoạch mở rộng diện tích trồng sở tại những khu vực rừng phòng hộ. Hiện tại ở vườn của đội sản xuất số 3 đã ươm được trên 2 vạn cây giống phục vụ cho trồng mới 20 ha sở vụ xuân 2018.