Nông dân Bách Thuận vươn lên làm giàu từ kinh tế vườn

Những năm gần đây, kinh tế vườn giữ vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế và xây dựng nông thôn mới (NTM) ở Thái Bình. Phát huy tiềm năng, tận dụng tối đa nguồn đất đai và lao động sẵn có, xã Bách Thuận, huyện Vũ Thư đã tích cực vận động, hỗ trợ người dân xoá bỏ vườn tạp; tập trung quy hoạch, cải tạo phát triển mô hình kinh tế vườn gắn với những cây trồng có giá trị kinh tế cao. Việc làm này không chỉ là giải pháp giúp nâng tầng chất lượng NTM, nâng cao thu nhập, đời sống cho người dân, mà còn tạo dựng nên một làng quê trù phú và an lành.

Giàu từ mô hình vườn mẫu

Không còn những vườn tạp với đủ các loại cây mùa nào thức ấy, các nhà vườn ở xã Bách Thuận hôm nay đã khác. Từ vườn không ít những mô hình hàng trăm triệu, thậm chí hàng chục tỷ đồng ra đời, cũng từ kinh tế vườn đã có không ít nông dân thành triệu phú, thành những doanh nhân thành đạt trong việc xây dựng thương hiệu và phát triển nông sản hàng hóa chủ đạo. Với 367 ha đất vườn, Bách Thuận quy hoạch thành các vùng trồng cây hoa, cây ăn quả, cây cảnh, cây thế, dược liệu… có giá trị cao.

Không gian yên bình ở Bách Thuận trong những ngày đầu thu
Không gian yên bình ở Bách Thuận trong những ngày đầu thu.

Nhắc tới Bách Thuận, hầu như những người yêu cây cối, đặc biệt là yêu cây cảnh không ai còn xa lạ gì. Tại đây, người yêu cây cảnh sẽ được chiêm ngưỡng vẻ đẹp của một làng vườn với những khu vườn cây cảnh độc đáo được uốn tỉa kỳ công dưới bàn tay tài hoa của người thợ. Là một trong những khu vườn mẫu tiêu biểu, hộ gia đình ông Vũ Văn Điều, thôn Bách Tính chủ yêu trồng cây cảnh, cây công trình cho giá trị kinh tế cao như Mộc hương, cây sanh bonsai, Tùng la hán….

Theo ông Điều, với kinh nghiệm làm nghề sẵn có, trước đây trên diện tích 6 sào đất vườn chủ yếu trồng nhiều cây nông nghiệp ngắn ngày từ hành lá đến các loại rau màu, thị trường yêu thích cây nào gia đình ông trồng cây đó. Được sự quan tâm, hỗ trợ của cấp uỷ, chính quyền về chuyển đổi cơ cấu cây trồng, gia đình ông mạnh dạn phá bỏ các loại cây tạp trong vườn, quy hoạch lại, trồng các loại cây có giá trị cao giúp tăng thu nhập cho gia đình và làm đẹp cho xã hội, trừ chi phí đi thì gia đình ông thu được khoảng 200 – 300 triệu/năm.

Không chỉ dừng lại ở phát triển những loại cây có giá trị kinh tế cao mà các nhà vườn ở đây còn chú trọng thiết kế lại khuôn viên vườn sao cho phù hợp với định hướng phát triển chung của xã. Với 6.500 m2 đất vườn, ông Hoàng Văn Thiều thôn Bách Tính đã bố trí thành các khu cây trồng khác nhau để thuận tiện cho khách vào mua cây cũng như tham quan, ngắm cảnh.

Ông Thiều chia sẻ: chúng tôi đang tiếp tục cải tạo vườn đưa cây có giá trị kinh tế cao vào trồng, như hoa lan, mộc hương, mẫu đơn… và cải tạo khuôn viên, chia ra từng khu như khu trồng cây cảnh nghệ thuật, cây công trình. Cạnh đó, thiết kế những ghế đá để khác đến tham quan nghỉ chân, ngắm cảnh vườn.

Với lợi thế về vị trí địa lý, điều kiện tự nhiên, lại có nghề trồng hoa và cây cảnh phát triển, Bách Thuận chính thức được công nhận là khu du lịch làng vườn của tỉnh Thái Bình vào đầu năm nay. Để khuyến khích người dân phát triển thế mạnh đặc thù về các mô hình kinh tế vườn kiểu mẫu, đáp ứng nhu cầu của thị trường trong nhịp sống hiện đại, các Hội, đoàn thể của xã trực tiếp tổ chức các mô hình và có nhiều hình thức hỗ trợ khác nhau.

Ông Trịnh Xuân Hiểu – Chủ tịch Hội nông dân xã Bách Thuận cho biết, trước đây nhiều hộ dân chưa biết lựa chọn trồng cây gì để đáp ứng nhu cầu thị trường nên Hội Nông dân tổ chức mời chuyên gia đầu ngành ở Học viện Nông nghiệp về phổ biến kiến thức cho bà con, cùng với đó là hỗ trợ nguồn vốn vay để hội viên yên tâm sản xuất.

Mỗi mảnh vườn ở Bách Thuận đều được nông dân quy hoạch trồng các loại cây cho giá trị kinh tế cao
Mỗi mảnh vườn ở Bách Thuận đều được nông dân quy hoạch trồng các loại cây cho giá trị kinh tế cao.

Những năm qua, việc nhân rộng xây dựng các mô hình vườn mẫu đã góp phần nâng cao giá trị của đồng đất, ổn định thu nhập, thay đổi tập quán sản xuất của nông dân Bách Thuận. Chủ trương cải tạo vườn sang trồng các loại cây có giá trị kinh tế cao thay thế các loại cây hoa màu truyền thống được đông đảo người dân ủng hộ. Riêng 6 tháng đầu năm 2022, giá trị kinh tế vườn của Bách Thuận đạt trên 41 tỷ đồng, góp phần đưa giá trị sản xuất ngành nông nghiệp của xã đạt trên 100 tỷ đồng.

Ông Nguyễn Kim Sáu – Chủ tịch UBND xã Bách Thuận, cho biết: Đảng bộ chính quyền địa phương đang quy hoạch vùng cây trồng phù hợp với vùng trồng hoa, cây quả, cây cảnh, cây hương dược liệu. Vùng hoa, cây cảnh trải dài ở các thôn Liên Hồng, Trung Hòa, Bách Tính. Cây ăn quả, cây hương dược liệu ở Chiến Thắng, Bình Minh. Căn cứ theo quy hoạch như vậy, địa phương khuyến khích bà con sản xuất đa cây để phát triển kinh tế. Từ năm 2022, địa phương bắt đầu triển khai thực hiện xây dựng làng vườn du lịch cộng đồng; phấn đấu đến năm 2025 mô hình làng vườn bước đầu đạt được theo nghị quyết của Đảng bộ và sang nhiệm kỳ tới có thể bắt đầu khai thác hiện quả mô hình làng vườn.

Xây dựng làng quê trù phú

Duy trì và phát triển nghề làm vườn, thế hệ người dân Bách Thuận nối tiếp nhau dệt nên bức tranh làng quê ven sông trù phú, an lành. Để kinh tế vườn thực sự trở thành mũi nhọn đem lại việc làm và thu nhập cho người dân, Bách Thuận tập trung hướng đến phát triển khu du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng gắn với xây dựng NTM nâng cao, NTM kiểu mẫu.

Những năm qua, Đảng bộ xã Bách Thuận đã đưa ra nghị quyết chuyên đề về xây dựng NTM nâng cao, NTM kiểu mẫu nhằm xây dựng các công trình phúc lợi, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho Nhân dân địa phương. Đến nay, toàn xã đã cứng hóa gần 90 km đường giao thông nông thôn; 9/9 thôn có nhà văn hóa mới khang trang; 100% hộ dân sử dụng nước sạch, hệ thống điện, trường học, trạm y tế đạt chuẩn quốc gia. Đặc biệt, trong phát triển du lịch làng vườn sinh thái, Bách Thuận đã xây dựng cổng văn hóa “làng vườn Bách Thuận” khang trang, bề thế mang đặc trưng của vùng đồng quê Bắc Bộ.

Ông Nguyễn Văn Luật – Bí thư Đảng ủy xã Bách Thuận cho biết: cổng văn hóa “làng vườn Bách Thuận” được UBND huyện Vũ Thư cấp phép xây dựng từ tháng 5/2021, thiết kế theo mô hình cổng tam quan, 8 mái lợp ngói mũi Bát Tràng, chiều cao 11,5 mét, rộng 13,8 mét, tổng kinh phí xây dựng sau khi hoàn thành công trình là trên 2 tỷ đồng, trong đó, 80% kinh phí từ nguồn xã hội hóa đóng góp của Nhân dân và người con xa quê. Đến nay công trình được khánh thành, đưa vào sử dụng góp phần bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa, tinh thần, tiềm năng du lịch địa phương và hướng đến xây dựng xã NTM kiểu mẫu, làng vườn du lịch sinh thái năm 2025.

Phát triển kinh tế vườn, nông dân xã Bách Thuận ( huyện Vũ Thư, tỉnh Thái Bình) vươn lên làm giàu
Phát triển kinh tế vườn, nông dân xã Bách Thuận (huyện Vũ Thư, tỉnh Thái Bình) vươn lên làm giàu.

Hướng đến việc phát triển khu du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng gắn với phát triển làng nghề đảm bảo “hiệu quả, toàn diện và bền vững”, xã Bách Thuận tiếp tục tranh thủ thời cơ, nguồn lực để xây dựng NTM nâng cao, NTM kiểu mẫu; trọng tâm là tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho các tầng lớp Nhân dân về vai trò chủ thể của người dân trong xây dựng NTM nâng cao, NTM kiểu mẫu để không ngừng nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho Nhân dân.

Anh Trần Văn Xanh, thôn Bách Tính cho biết: gia đình tôi hiện có 2,5 mẫu đất vườn và đất bãi chuyên trồng hoa và cây cảnh cho thu nhập ổn định hơn 10 năm nay. Theo chủ trương của cấp ủy, chính quyền xã, nhiều gia đình có vườn cạnh nhau cùng trồng hoa, cây cảnh sẽ tạo cảnh quan đẹp thu hút khách đến tham quan. Như vậy, ngoài thu nhập từ trồng hoa, cây cảnh người dân sẽ có thêm thu nhập từ dịch vụ du lịch, trải nghiệm của các du khách.

Bên cạnh thương hiệu về điểm đến du lịch sinh thái, Bách Thuận đang lên phương án xây dựng thương hiệu ẩm thực chợ Thuận Vy với các loại bánh truyền thống; thương hiệu nhà cổ Bách Thuận (địa phương có 11 nhà cổ với niên đại khoảng 100 năm); thương hiệu hòe, dược liệu Bách Thuận….

Ông Nguyễn Văn Luật – Bí thư Đảng ủy xã cho biết thêm: nhiệm kỳ 2020 – 2025, Đảng bộ xã Bách Thuận đề ra 21 chỉ tiêu chủ yếu. Trong đó, phấn đấu tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân hàng năm đạt 7,76%; năm 2025 thu nhập bình quân đầu người đạt 70,1 triệu đồng; tỷ lệ gia đình đạt chuẩn văn hóa đạt trên 98%; xã đạt NTM nâng cao, hoàn thành tiêu chí NTM kiểu mẫu… để đạt được mục tiêu trên, Đảng bộ xã đề ra các giải pháp, trong đó tập trung lãnh đạo, chỉ đạo đẩy mạnh phát triển kinh tế, chú trọng thực hiện cơ cấu lại ngành Nông nghiệp theo hướng bền vững, khuyến khích tích tụ ruộng đất để sản xuất hàng hóa tập trung theo chuỗi liên kết; phát huy lợi thế, phát triển du lịch trải nghiệm cộng đồng. Phát triển toàn diện và nâng cao chất lượng sự nghiệp văn hóa – xã hội. Tăng cường công tác xây dựng Đảng, chính quyền MTTQ và các đoàn thể vững mạnh…

Giờ đây, kinh tế vườn đã trở thành một thế mạnh để người nông dân Bách Thuận xoá nghèo vươn lên làm giàu, nhiều mô hình sản xuất lớn bền vững được hình thành không chỉ đơn thuần mang lại giá trị kinh tế cao người dân, mà còn là minh chứng cho một sức sống mới vươn mình trỗi dậy của một vùng quê đang hoà chung “nhịp đập” với sự đổi mới của quê hương, đất nước.