Mô hình sinh kế giúp người dân thoát nghèo

Những mô hình chăn nuôi được cung cấp con giống, thức ăn từ Chương trình mục tiêu Quốc gia giảm nghèo bền vững ở Hà Tĩnh đã giúp người dân dần giảm nghèo, thoát nghèo.

Cuối năm 2022, gia đình ông Nguyễn Văn Thủy, trú thôn Thống Nhất, xã Ích Hậu, huyện Lộc Hà, tỉnh Hà Tĩnh được hỗ trợ 6 triệu đồng để có thêm kinh phí nuôi bò sinh sản. Sau khi nhận hỗ trợ, gia đình ông tăng gia sản xuất, bò mẹ đã đẻ bê con. Đây chính là động lực, là “đòn bẩy” giúp gia đình ông Thuỷ hi vọng sớm thoát được nghèo.

Mô hình sinh kế giúp người dân thoát nghèo- Ảnh 1.

Lãnh đạo MTTQ tỉnh Hà Tĩnh và huyện Lộc Hà kiểm tra mô hình sinh kế ở huyện Lộc Hà.

Cách nhà ông Thủy không xa là mô hình nuôi bê của hộ ông Lê Văn Huệ và bà Đặng Thị Cuối. Năm 2022, gia đình bà Cuối được hỗ trợ 8 triệu đồng để mua bê giống sinh sản. Nhờ chọn giống chuẩn, chăm sóc tốt nên một thời gian sau, gia đình bán được một con bê trị giá 10 triệu đồng và bò mẹ đã sản sinh lứa mới.

“Bản thân tôi nhiều lần bị tai nạn, sức khoẻ yếu, thường xuyên đau yếu, thu nhập hàng năm chỉ dựa vào thu hoạch từ 3 sào ruộng nên rất khó khăn. Nhờ sự hỗ trợ mua giống bê của địa phương, nay gia đình tôi mới dám hi vọng sẽ thoát được nghèo”, bà Cuối phấn khởi nói.

Mô hình sinh kế giúp người dân thoát nghèo- Ảnh 2.

“Cho cần câu, không cho con cá” là phương châm trong chương trình xoá đói, giảm nghèo.

Bà Nguyễn Thị Minh, Phó Trưởng phòng LĐTBXH huyện Lộc Hà cho biết, năm 2022, huyện bắt đầu triển khai mô hình sinh kế cho 10 xã, th trấn với 14 Dự án đa dạng hoá sinh kế, phát triển mô hình giảm nghèo. Các mô hình giảm nghèo thực hiện nuôi bò nai sinh sản, bò thương phẩm, gà thương phẩm. Đối với Dự án hỗ trợ sản xuất trong lĩnh vực nông nghiệp, huyện đã triển khai được 10 mô hình.

Năm 2022 và 2023, đã có 526 hộ của huyện được hỗ trợ từ dự án đa dạng hóa sinh kế, phát triển mô hình giảm nghèo. Trong đó, mô hình bò có 287 hộ, mô hình gà có 239 hộ. Kết quả, cuối năm 2023, địa phương đã giảm được 398 hộ nghèo và 129 hộ cận nghèo, đạt và vượt chỉ tiêu kế hoạch năm, kế hoạch của giai đoạn 2022-2025.

Mô hình sinh kế giúp người dân thoát nghèo- Ảnh 3.

Các hộ dân phấn khởi nhận con giống hỗ trợ từ mô hình sinh kế.

“Việc thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia giảm nghèo bền vững, trong đó có hỗ trợ sinh kế có ý nghĩa rất lớn trong việc đảm bảo an sinh xã hội trên địa bàn. Vì vậy, phòng đã tham mưu tốt cho Huyện ủy, UBND huyện để có sự lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện kịp thời, hiệu quả”, Phó Trưởng phòng LĐTBXH huyện Lộc Hà nói.

Cũng theo bà Minh, quá trình thực hiện mô hình sinh kế trên địa bàn nhận thấy, mô hình nuôi bò cho hiệu quả kinh tế cao hơn mô hình nuôi gà. Bên cạnh đó, một số vấn đề bất cập trong quá trình cung ứng giống gà đã được các xã báo cáo, đúc rút kinh nghiệm.

Mô hình sinh kế giúp người dân thoát nghèo- Ảnh 4.

Theo tìm hiểu của Người Đưa Tin, một số xã tại huyện Lộc Hà nguồn cung ứng gà giống không đảm bảo dẫn đến hiệu quả mô hình kém.

Theo thống kê của Sở LĐTB&XH Hà Tĩnh năm 2023, dự án đa dạng hóa sinh kế, phát triển mô hình giảm nghèo thuộc Chương trình mục tiêu Quốc gia giảm nghèo bền vững năm 2023, toàn tỉnh đã hỗ trợ 160 mô hình sinh kế. Các địa phương chủ yếu tập trung hỗ trợ các loại giống cây trồng, vật nuôi đã phát huy giá trị kinh tế ở địa phương như bò, gà, dê, ong, cây ăn quả… Qua đó, góp phần không nhỏ trong quá trình giảm nghèo của địa phương.

Theo Doanh nghiệp & Thương hiệu