Mía được mùa được giá, nông dân Gia Lai phấn khởi

Vụ mía 2022 – 2023 thuận lợi, vừa được mùa và được giá, người trồng mía tại tỉnh Gia Lai phấn khởi.

z4157594674424_0238d5f13b7b8e2c9afb2ed9ed930993
Cánh đồng mía tại thị xã An Khê. Ảnh: Minh Vỹ.

Tỉnh Gia Lai hiện có khoảng 35 ngàn ha diện tích trồng mía, tập trung chủ yếu ở các địa phương khu vực phía Đông và Đông Nam tỉnh, là vùng chuyên canh mía hàng đầu cả nước. Trên địa bàn tỉnh này có 2 nhà máy chế biến mía đường lớn, đó là Nhà máy đường An Khê và Nhà máy đường Ayun Pa.

z4157594674425_d8f7e5be60bca3de610820e34986d54b
Thu hoạch mía bằng tay. Ảnh: Minh Vỹ.
z4159093913977_2e18d015d2d898e5b9ba6e38b92641e2
Máy thu hoạch mía. Ảnh: Minh Vỹ.

Vùng nguyên liệu của Nhà máy đường An Khê khoảng 25 ngàn ha ở thị xã An Khê, huyện Kbang, Đăk Pơ, Kon Chro (tỉnh Gia Lai) và một phần huyện Tây Sơn của tỉnh Bình Định.

z4157660438346_8fd184accf74be8624aa86a74a89edf0
Nhà máy đường An Khê (thị xã An Khê, tỉnh Gia Lai). Ảnh: Minh Vỹ.

Vụ mía 2022 – 2023 thuận lợi, vừa được mùa và được giá nên người trồng mía rất phấn khởi. Năm ngoái, năng suất bình quân 63 tấn/ha, năm nay là 70 tấn/ha, tăng 7 tấn/ha. Giá mía khi về tới nhà máy, thấp nhất 1,230 triệu/tấn, mía có trữ lượng đường cao giá lên tới 1,350 triệu/tấn; trung bình giá tăng cao hơn năm ngoái khoảng 100 ngàn đồng/tấn. Ngoài ra, nhà máy còn hỗ trợ cước vận chuyển cao hơn 20 nghìn đồng/tấn cho bà con nông dân trồng mía.

DSC01524
Xe vận chuyển mía vào Nhà máy đường An Khê. Ảnh: Minh Vỹ.

Một người dân trồng mía tại huyện Kbang chia sẻ: “Mía là loại cây mang lại giá trị kinh tế cao ở huyện chúng tôi. Giá mía như hiện nay, nếu được ổn định trong nhiều năm thì người trồng mía an tâm mạnh dạn đầu tư, phát triển thêm diện tích trồng mía”.

Ông Trần Quang Kiên – Giám đốc Nhà máy đường An Khê cho biết: “Hiện nay bình quân mỗi ngày nhà máy ép 16 ngàn tấn mía, tương ứng tạo việc làm cho khoảng 16 ngàn người đốn mía trên cánh đồng trong một ngày. Tùy theo sức lao động của từng người, mỗi người thu nhập từ 300 ngàn đến 500 ngàn đồng từ công đốn mía.

Bên cạnh việc đốn mía thủ công, hiện tại nhà máy còn có 9 máy thu hoạch mía hiện đại để người trồng mía thuê. Nếu đốn mía bằng tay, người dân thuê nhân công 250 ngàn/tấn; còn nếu cắt máy chỉ phải trả 170 đồng/tấn, nhà máy hỗ trợ người trồng mía 80 ngàn đồng/tấn”.  

DSC02301
Ông Trần Quang Kiên – Giám đốc Nhà máy đường An Khê. Ảnh: Minh Vỹ.

Giá mía tăng cao cùng với chính sách thu mua hợp lý như hiện nay của Nhà máy đường An Khê, đã đem lại cho người trồng mía một vụ mía ngọt. Người trồng mía đạt mức lợi nhuận 20-30 triệu đồng/ha. Với lợi nhuận đó, người trồng mía an tâm và gắn bó hơn với ruộng mía cùng với cùng nhà máy để phát triển kinh tế, nâng cao đời sống.