Lão nông xóa đói, giảm nghèo nhờ tái chế lốp cao su cũ thành đồ gia dụng

Nhờ tái chế lốp cao su cũ thành mặt hàng xuất đi nước ngoài, cuộc sống của gia đình ông Nguyễn Lương Thông ở Yên Tiến (Ý Yên, Nam Định) từng bước thay đổi.

Nhiều năm trước, đại gia đình ông Nguyễn Lương Thông (Yên Tiến, Ý Yên, Nam Định) chủ yếu sống nhờ vào nông nghiệp, kinh tế khó khăn.

Quanh năm hai vợ chồng bươn chải với đồng áng nhưng lúc nào cũng thiếu thốn.  Cuộc đời ông cũng đã từng nếm trải không ít nghề như: Chăn vịt, nuôi gà đến làm thợ trang trí nội thất, thợ sơn mài, đạp xe hàng chục cây số đường để bán kem rong…

Năm 1994, sau khi làm mọi nghề mà vẫn không đủ sống, ông cùng con trai út theo một người quen lên Hà Nội học nghề đóng giày. Công việc chính của hai bố con là cắt, dán, phun sơn cho những lớp cao su để gắn vào đế giày.

Lão nông xóa đói, giảm nghèo nhờ tái chế lốp cao su cũ thành đồ gia dụng
Sản phẩm do xưởng ông Thông tái chế

Sau 4 năm, hai cha con quay về quê, mở tiệm đóng dép. Một hôm, có người khách lạ ở Thành phố Hồ Chí Minh tìm đến cửa hàng và đưa một số hàng mẫu như: Giỏ đựng rác, xô, chậu… bằng cao su, đặt ông làm thử.

Vị khách nói, nếu sản phẩm đạt yêu cầu thì công ty sẽ ký hợp đồng lâu dài. Ông cùng con trai đi tìm mua lốp xe ô tô cũ rồi tách chúng ra, thiết kế thành các sản phẩm.

Chẳng ngờ, các mặt hàng do cha con ông làm ra được doanh nghiệp mang đi dự triển lãm tại Hội chợ thương mại quốc tế và nhận được sự đánh giá cao của các đối tác nước ngoài.

Công việc tay trái không ngờ trở thành nghề chính của bố con ông Thông. Số lượng đơn hàng ngày càng lớn, ông Thông mở xưởng sản xuất tại nhà, thuê thêm người làng đến làm. Giai đoạn cao điểm, xưởng nhà ông Thông có khoảng 20 – 30 lao động với mức lương từ 3-7 triệu đồng mỗi tháng.

Các sản phẩm cao su của ông được tái chế từ các lốp xe ô tô đã bỏ đi để làm giỏ đựng rác, gương treo tường, xô, chậu và những sản phẩm phục vụ sản xuất trong các nhà vườn, nông trại…

Sau khi tách các lớp cao su từ lốp xe ô tô hỏng thành các mảnh là đến công đoạn đo kích cỡ, thiết kế, lên mẫu hàng, quét sơn tạo màu sắc như mới cho sản phẩm.

Sau đó, ông Thông phơi khô hàng mẫu, bắn ghim và khâu sản phẩm. Công đoạn cuối cùng mới là trang trí, bắn thêm quai xách hoặc quai cho từng loại khác nhau.

Lão nông xóa đói, giảm nghèo nhờ tái chế lốp cao su cũ thành đồ gia dụng
Ông Thông bên khu nhà xưởng cũ. Hiện xưởng được chuyển sang làng bên để tiện mở rộng sản xuất.

Ngoài con trai út, vợ và người con trai lớn của ông cũng tham gia sản xuất. Ông dựng xưởng ngay trên mảnh đất của gia đình.

Mỗi kg lốp, người thu mua phế liệu chỉ trả vài nghìn đồng. Thế nhưng, khi được ông Thông tái chế, chúng có giá trị kinh tế cao hơn.

Hàng tháng, gia đình ông Thông chế tạo ra khoảng 20.000 sản phẩm. Với mức giá nguyên liệu đầu vào trên thị trường dao động từ 3.500-4.500 đồng/kg lốp thường và 10.000 đồng/kg lốp đặc chủng và giá bán ra cả trăm nghìn đồng/ đôi.

Mỗi sản phẩm hoàn thiện, có mức giá dao động từ 40 nghìn đồng – 80 nghìn đồng. Tuy nhiên, có những sản phẩm đắt hơn do tốn nhiều công.

Vợ ông Thông chia sẻ: “Các sản phẩm tái chế làm hoàn toàn thủ công. Công đoạn vất vả nhất là thục lốp”.

Công việc này tốn nhiều sức, đòi hỏi sự khéo léo. Nếu không cẩn thận, cả miếng cao su có thể bị hỏng. Lương nhân công làm việc này dao động từ 200 nghìn đồng – 300 nghìn đồng/ngày công. Bà cho biết, thục lốp là bóc tách các miếng cao su dày thành nhiều mảnh mỏng. Độ mỏng tùy theo yêu cầu của sản phẩm.

Sau công đoạn bóc tách cao su, ông Thông làm sạch rồi bắt đầu các công đoạn làm ra sản phẩm mới.

Sản phẩm là chiếc túi đan, thợ sẽ cắt miếng cao su thành các sợi có kích thước như nhau và đan giống như mây tre. Với sản phẩm thùng đựng rác, túi đựng đồ… sau khi dựng khung, ông khâu lại bằng chỉ cước dày và bắn ghim.

Nhờ tái chế lốp cao su, cuộc sống gia đình ông Thông dần thay đổi, từng bước thoát nghèo. Kinh tế đủ ăn. Hiện, hai con trai ông chuyển xưởng sang làng khác để tiện sản xuất và mở rộng kinh doanh.