Hồi sinh giống gà Tò tiến Vua trên đất Thái Bình

“Gà Tò, lợn Tó, vó Vạn Đồn” là câu nói được dân gian lưu truyền mỗi khi nhắc tới những vật nuôi thuần Việt để dâng tiến nhà Vua. Gà Tò là sản vật nổi tiếng có xuất xứ từ làng Tò, nay thuộc xã An Mỹ, huyện Quỳnh Phụ, tỉnh Thái Bình. Theo thời gian, giống gà này đã bị mai một ít nhiều về độ nguyên chủng, bởi vậy, người dân nơi đây luôn trăn trở, nhọc công tìm cách “hồi sinh” nguyên bản lại giống gà Tò năm nào.

z3359493354564_32e26c7d6992029af5cedda5d22f1b99
Cán bộ kỹ thuật hướng dẫn hộ nuôi gà Tò cách phối giống bằng phương pháp thụ tinh nhân tạo

Làng Tò mà biết gà Tò, mấy ai?

Tại sao lại được gọi là gà Tò? Đến nay, chưa có tài liệu chính thức nào công bố về lịch sử xuất xứ của giống gà này. Theo những câu chuyện còn truyền lại của bà con ở An Mỹ, gà Tò được đặt tên từ thời nhà Trần.

Xưa kia, người làng Tò thường xay lúa bằng cối đất, cối cao, gà Tò đứng bên dưới vẫn mổ được thóc trên cối nên có tích gà “gà Tò ăn quẹm cối xay”. Gà Tò có hình thức lạ mắt, khi ăn thịt thơm, ngọt nên bà con nơi đây đã dâng tiến nhà Vua giống gà quý hiếm này. Khi ấy, nhà vua rất thích nên đã ban thưởng cho làng Tò mười nghìn đấu gạo và kể từ đó cái tên gà “Tò” hay gà “Tiến Vua” ra đời.

Không như gà Hồ, gà Tre, gà Mía, gà Đen, gà Ri hay gà Đông Tảo, giống gà Tò ở An Mỹ có thân hình cao lớn, vạm vỡ (chiều cao có thể hơn 40cm). Khi trưởng thành, con trống có trọng lượng trung bình đạt từ 3,5 – 4kg/con, lông màu tía mật; con mái có trọng lượng trung bình từ 1,5 – 2kg/con, lông giống màu đỏ pha lẫn màu đen. Một đặc điểm nữa tạo nên sự khác biệt là chúng có lông ở chân, hàng lông mọc từ đầu gối đến tận ngón, đi theo một hàng thẳng, dày và cứng. Thịt gà Tò ít mỡ, da dày, giòn, thơm ngon, đậm đà mà không có một giống gà nào sánh được.

z3359493885635_edf46355027a536c481eb32f12a60687
Đàn gà Tò với đặc trưng dễ thấy là có lông chân rậm rạp ở xã An Mỹ (Quỳnh Phụ, Thái Bình)

Trải qua năm tháng, cùng với lối chăn thả tự do và khả năng ấp nở kém hơn những loại gà truyền thống khác nên giống gà Tò thuần chủng giống cổ, đạt tiêu chuẩn “tiến Vua” nay đã bị mất dần. Hiện nay, gà Tò là vật nuôi quý hiếm, nằm trong danh mục bảo tồn gen quốc gia.

Anh Vũ Khắc Huyên thôn Tô Đàm (An Mỹ, Quỳnh phụ) cho biết: Đặc trưng của gà Tò nguyên chủng là có lông suốt từ khuỷu chân xuống, gọi là “lông quần”. Phía sau gối gà trống có thêm một chòm lông như đuôi quạ, gọi là “lông gối”. Không có lông chân thì không phải là gà Tò. Kẽ chân và vùng tiếp giáp chân và đùi có màu đỏ tía, dọc chân có 2 vạch đỏ tía và 2 hàng vảy xếp song song. Tuy nhiên, để tìm được những chú gà Tò thuần chủng như vậy ở xã mấy ai có được?”.

Theo khảo sát của Trung tâm khuyến nông tỉnh Thái Bình, năm 2019 toàn tỉnh chỉ còn 487 con gà Tò với khoảng hơn 400 hộ nuôi. Địa bàn chủ yếu ở huyện Quỳnh Phụ, nhưng phân bố nhỏ lẻ, phân tán tại 10 xã. Ngoài ra, còn có một số ít hộ dân ở xã Thụy Sơn (huyện Thái Thụy, tỉnh Thái Bình) và xã Vũ Tiến (huyện Vũ Thư, tỉnh Thái Bình) có duy trì chăn thả với số lượng chỉ vài chục con.

Nhọc nhằn hồi sinh giống gà xưa

Trăn trở với việc khôi phục giống gà quý, một số hộ dân và các nhà chuyên môn đã đi rất nhiều nơi chọn mua những con gà có đặc điểm còn sót lại của gà Tò đem về nghiên cứu với hi vọng hồi sinh nguyên bản giống gà Tò trên đất An Mỹ (Quỳnh Phụ, Thái Bình).

z3359494339135_b28e7db7102a953ab30ab3dbc510c35c
Trang trại nuôi giống gà Tò của gia đình ông Nguyễn Văn Tuyên (An Mỹ, Quỳnh Phụ)

Gia đình ông Nguyễn Văn Tuyên hiện là hộ có số lượng gà Tò nhiều nhất ở xã An Mỹ, ông cũng chính là người đã dày công sưu tầm, nhân giống gà này với mong muốn bảo tồn gà quý hiếm của địa phương. Từ 5 con gà, sau 8 năm chọn lọc, nhân giống ông Tuyên đã có đàn gà 200 con trong đó có 80 con gà sinh sản. “Lúc đầu, tôi phải đi từng nơi, đến từng nhà tìm những con gà mang điểm tương đồng với bộ gen của các đời ông bà, bố mẹ nó hồi xưa. Sau đó, tôi tìm về chọn lọc để nhân giống. Hiện tại thì đã đạt được tầm khoảng 85 – 90% rồi.”- Ông Tuyên tâm sự.

Tháng 6/2020, Sở Khoa học và Công nghệ phối hợp Trung tâm Khuyến nông cùng Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Thái Bình triển khai đề tài khoa học: “Nghiên cứu ứng dụng kỹ thuật sinh sản tiên tiến nhân giống gà Tò và xây dựng mô hình gà Tò thương phẩm theo hướng VietGAHP” với nguồn kinh phí 1 tỷ đồng và hoàn thành vào tháng 8/2022.

Cho đến nay, sau gần 2 năm triển khai, nhóm nghiên đã thực hiện tốt việc lựa chọn đàn gà Tò có đặc điểm ngoại hình đạt trên 80% gà Tò thuần chủng; đã cơ bản chọn tạo được một số con gà Tò thế hệ 2. Đáng mừng hơn, tỷ lệ đẻ, tiêu tốn thức ăn, khối lượng trứng, tỷ lệ trứng có phôi, tỷ lệ nở… đều đạt các chỉ tiêu đề ra.

Là một trong hai hộ dân được chọn làm địa điểm thực hiện đề tài, ông Trần Văn Hoà thôn Tô Hải (An Mỹ, Quỳnh Phụ) chia sẻ: Gia đình tôi nuôi gà Tò từ năm 2005, chủ yếu nuôi theo kinh nghiệm từ thời ông cha truyền lại nên hiệu quả đạt được chưa cao. Từ khi tiếp nhận đề tài “Nghiên cứu ứng dụng kỹ thuật sinh sản tiên tiến nhân giống gà Tò và xây dựng mô hình gà Tò thương phẩm theo hướng VietGAHP”, thường xuyên được cán bộ của tỉnh, huyện, xã hướng dẫn, chia sẻ  kinh nghiệm, kỹ thuật chăm sóc nên tỷ lệ gà đẻ tăng cao so với phương pháp đẻ tự nhiên tạo ra giống gà mang đặc điểm giống với gà Tò nguyên chủng 85% – 90%.

Bước đột phá chính là áp dụng kỹ thuật thụ tinh nhân tạo, ấp trứng bằng máy nên tỷ lệ trứng nở nhiều hơn, gà con khỏe hơn và quan trọng rút ngắn được thời gian nghỉ đẻ của gà mái rất nhiều. Trước đây, mỗi con gà mái chỉ đẻ được 3 – 4 lứa trứng/năm thì đến nay nhờ áp dụng khoa học kỹ thuật vào các khâu từ chăm sóc đến nhân giống nên mỗi năm 1 con gà Tò có thể đẻ được từ 7 – 8 lứa trứng.

Đại diện Trung tâm Khuyến nông tỉnh Thái Bình cho biết thêm: Trong thời gian tới, chúng tôi tiếp tục chọn lọc tiếp thế hệ 3 để chọn ra được 150 con gà hạt nhân đưa vào nhân giống, từ đó xây dựng các mô hình chăn nuôi gà Tò thương phẩm. Đồng thời, tập huấn chuyển giao quy trình thụ tinh nhân tạo, ấp nở trứng gà Tò bằng máy cho các hộ dân nuôi gà Tò tại địa phương, tiến tới xây dựng thương hiệu gà Tò xã An Mỹ trở thành sản phẩm OCOP.

Sau một thời gian mai một, gà Tò đã hồi sinh trở lại trên quê hương An Mỹ (Quỳnh Phụ, Thái Bình). Với sự giúp đỡ các sở, ngành, người dân nơi đây quyết tâm xây dựng cho được thương hiệu gà Tò, đưa gà Tò trở thành sản phẩm OCOP trong tương lai.