Chủ tịch xã xin nghỉ hưu non để… khởi nghiệp

Ông Vũ Văn Thọ khởi nghiệp khi đã ngoài 50 tuổi. Vợ chồng ông có công lớn trong việc góp phần cải tạo vùng đất phèn chua để làm nông nghiệp công nghệ cao.

Khi chủ tịch xã làm mô hình “bất đắc dĩ”

Mấy năm trước, người dân xã Nga Văn (huyện Nga Sơn, Thanh Hóa) lần lượt bỏ ruộng đi làm ăn vì làm nông nghiệp không đủ sống. Thực tế trên đặt ra vấn đề về chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi ở cánh đồng chiêm trũng nhiễm nặng phèn chua tại địa phương này.

Cùng thời điểm đó, UBND huyện Nga Sơn chỉ đạo các địa phương trong huyện đẩy mạnh thực hiện chương trình mỗi xã một sản phẩm OCOP, trong đó chú trọng thực hiện các mô hình điểm về sản xuất nông nghiệp.

Cánh đồng chiêm trũng tại xã Nga Văn trước đây chỉ toàn cỏ dại mọc um tùm. Ảnh: Quốc Toản.

Cánh đồng chiêm trũng tại xã Nga Văn trước đây chỉ toàn cỏ dại mọc um tùm. Ảnh: Quốc Toản.

Lãnh đạo huyện cũng yêu cầu các đảng viên phát huy vai trò tiên phong, gương mẫu, tham gia thực hiện mô hình để bà con học tập.

Đồng ruộng bỏ hoang, nhưng cái khó nằm ở chỗ, nông dân ở Nga Văn lúc bấy giờ chỉ biết đến cây thuốc lào chứ chưa hiểu gì về sản phẩm OCOP hay hàng hóa đạt tiêu chuẩn VietGAP. Do đó, để thay đổi tư duy, tập quán sản xuất của bà con trong xã là không hề dễ dàng.

Đây là bài toán cực kỳ nan giải đối với chính quyền địa phương lúc bấy giờ. Ông Thọ khi đó là Chủ tịch UBND xã Nga Văn hơn ai hết là người nhận thấy rõ thách thức này.

Bấy giờ, ông Thọ được giao trách nhiệm xây dựng đề án dồn đổi ruộng đất giai đoạn 2015 – 2020. Theo đó, đối với các đồng đất xa, xấu, trồng lúa kém hiệu quả sẽ được dồn đổi để tạo thành thửa lớn, phát triển mô hình kinh tế trang trại, gia trại ứng dụng nông nghiệp công nghệ cao.

Tuy nhiên, sau khi dồn đổi được hơn 30ha đất, người dân cũng không mặn mà với việc thuê thầu đất để sản xuất. Trước thực tế trên, ông Thọ được tập thể “giao khoán” 1,86ha đất để cải tạo, xây dựng mô hình nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao để bà con học tập, làm theo.

Sau khi nhận đất, ông bàn với vợ xây dựng mô hình nhà lưới, trồng dưa Kim Hoàng Hậu theo mô hình sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao.

Ông Thọ thành công với mô hình trồng dưa Kim Hoàng Hậu trong nhà màng. Ảnh: Quốc Toản. 

Nói về lựa chọn cây dưa Kim Hoàng Hậu, ông Thọ kể: “Cây lúa, cây thuốc lào là cây trồng truyền thống ở địa phương, nhưng không được nhà nước khuyến khích nhân rộng. Thời điểm đó, giống dưa Kim Hoàng Hậu còn khá xa lạ với nông dân, nhưng đã bắt đầu được trồng thử nghiệm tại một số địa phương trong huyện, mang lại giá trị cao. Do đó, tôi quyết định lựa chọn cây trồng này đưa về trang trại”.

Theo ông Thọ, khó khăn nhất trong việc triển khai mô hình là việc cải tạo, bồi lấp mặt bằng ở vùng đồng chiêm trũng nước chua. Đây là công đoạn đòi hỏi nhiều vốn và tâm huyết.

Mọi thứ bắt đầu với ông Thọ và gia đình ông khi đó không dễ dàng như suy nghĩ ban đầu. Bởi từ trước tới nay ông Thọ chỉ đứng ở vai chỉ đạo sản xuất, chứ chả mấy khi trực tiếp xuống đồng cấy lúa.

Lúc đầu, chỉ riêng chuyện cắt cỏ bằng tay hay sử dụng máy móc, hoặc chuyện nuôi con gì, trồng cây gì cũng khiến ông và gia đình tranh cãi gay gắt.

“Bà xã tiếc tiền mua máy cắt cỏ nên hì hục suốt ngày đào, nhổ cỏ. Nhưng vì diện tích trang trại rộng nên nhổ cỏ chưa xong lượt này, lượt cỏ khác đã mọc tốt um. Bởi thế mới nói, muốn làm nông nghiệp công nghệ cao phải cần vốn và áp dụng máy móc chứ không thể làm theo kiểu thủ công”, ông Thọ chia sẻ.

Trại dưa Dưa Kim Hoàng Hậu của gia đình ông Thọ sắp cho thu hoạch. Ảnh: Quốc Toản.

Trại dưa Dưa Kim Hoàng Hậu của gia đình ông Thọ sắp cho thu hoạch. Ảnh: Quốc Toản.