Bưởi đỏ Đông Cao xứng danh sản vật trời ban

Nằm cách trung tâm thành phố Hà Nội khoảng 25 km, thôn Đông Cao, xã Tráng Việt, huyện Mê Linh, thành phố Hà Nội có một loại quả được người dân nơi đây coi như sản vật trời ban – đó là giống bưởi đỏ Đông Cao.

z4810056360867_7805e3189102a1e3469f324a0a158271
 Ông Lương Văn Phương – Giám đốc Hợp tác xã bưởi đỏ Đông Cao bên cây bưởi hơn 30 năm tuổi.

Sản vật trời ban

Để tìm hiểu về giống bưởi đặc biệt này, chúng tôi tìm đến hộ gia đình ông Lương Văn Phương – người gắn bó lâu đời nhất và cũng là hộ trồng bưởi nhiều nhất thôn Đông Cao và xã Tráng Việt.

Ông Phương cho biết, vườn bưởi của gia đình ông có từ khi bố ông còn sống, nó có tuổi đời gần 60 năm (từ những năm 1965). Cứ đến vụ là thương lái đến thu mua. Có một lần, thương lái đến thu mua, nhưng còn sót lại một vài quả trên cây. Vài tháng sau vào dịp cận Tết, những quả bưởi đó chuyển sang màu đỏ nhìn rất bắt mắt. Thấy đẹp nên nhiều hộ dân trong thôn, trong xã tìm đến hỏi mua cây giống. Từ đó, cây bưởi của gia đình đã được nhân rộng ra toàn xã Tráng Việt.

Hiện tại, gia đình ông Phương cũng đang quản lý 02 cây bưởi ‘Tổ’, được Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thành phố Hà Nội cấp mã quản lý và đánh giá là cây bưởi đầu dòng. Ngoài ra, gia đình ông còn có hơn 2.000 cây bưởi đỏ ở năm thứ 5 và gần trăm gốc bưởi có tuổi đời 20 năm, hơn 30 gốc bưởi có tuổi đời trên 30 năm, tất cả đang cho thu hoạch vài nghìn quả mỗi năm.

z4810056355695_8dd1785bfaffedf21f25646b47503438
Bưởi đỏ Đông Cao đang trong giai đoạn chuyển màu.

Không chỉ có giá trị về mặt kinh tế, giống bưởi đỏ Đông Cao còn mang một màu sắc rất đặc biệt. Khi vào vụ khoảng tháng 9 tháng 10 thì vỏ quả có màu xanh như bao giống bưởi khác và ruột đỏ, mọng nước, ăn có vị chua, thanh mát. Nhưng khi để vào dịp Tết thì quả bưởi chuyển hết sang màu đỏ mận từ trong ra ngoài, nhìn rất là bắt mắt nên được người dân chọn để trưng bày trên mâm ngũ quả khi Tết đến xuân về. Cũng xuất phát từ sự đặc biệt của loại quả này mà bưởi đỏ Đông Cao còn được người dân gọi với một cái tên khác là “bưởi tài lộc”.

z4810056291046_5cc852920ace6cdcb4dc64d2ad80169e
Bưởi đỏ Đông Cao tham gia “Festival Nông sản, sản phẩm OCOP Hà Nội năm 2022” do Trung tâm Xúc tiến đầu tư, thương mại, du lịch thành phố Hà Nội phối hợp với UBND huyện mê Linh tổ chức.

Thương hiệu bưởi đỏ Đông Cao

Để bảo tồn gen và duy trì giống cây bưởi đỏ Đông Cao, cuối năm 2018, Hợp tác xã bưởi đỏ Đông Cao được thành lập – ông Lương Văn Phương được bầu là Giám đốc Hợp tác xã. Ngay từ những ngày đầu thành lập, hợp tác xã chỉ có 8 hội viên, đến hiện nay hợp tác xã đã thu hút được 20 hội viên tham gia. Trong giai đoạn thành lập, mặc dù mọi thủ tục pháp lý đã được hoàn thiện, tuy nhiên do ảnh hưởng của đại dịch Covid -19, dịch bệnh, thiên tai cùng với thị trường thu hẹp khiến việc sản xuất kinh doanh đầu ra của hợp tác xã gặp nhiều khó khăn. Chính vì vậy, từ năm 2022 đến nay, hợp tác xã mới bắt đầu phát triển.

Ngoài sản phẩm là bưởi đỏ Đông Cao, hợp tác xã còn trồng cả bưởi diễn. Giám đốc Hợp tác xã bưởi đỏ Đông Cao chia sẻ: mục tiêu chính của hợp tác xã là có hai sản phẩm chính: một là bưởi đỏ, hai là bưởi diễn và trồng theo tiêu chuẩn VietGAP. Giai đoạn 2023 – 2024, hợp tác xã sẽ nâng cao giá trị sản phẩm thông qua sản xuất hữu cơ. Ngoài giá trị về mặt tâm linh thì bưởi đỏ Đông Cao còn được các đơn vị và các chuyên gia nông nghiệp đánh giá cao. Nhất là trong giai đoạn từ tháng 9 đến cuối tháng 11 dương lịch là lúc bưởi đến độ ngon nhất. Bắt đầu từ tháng 12 trở đi, quả bưởi trổ mã đỏ và được bán phục vụ cho dịp Tết Nguyên đán.

Nhằm phát triển và nhân rộng mô hình bưởi đỏ Đông Cao, hiện nay hợp tác xã đang phối hợp cùng Trung tâm Tài nguyên thực vật (Bộ Khoa học và Công nghệ) xây dựng nhà màng “Nghiên cứu khai thác và phát triển nguồn gen bưởi đỏ ngọt, bưởi bánh nem và đỏ lũm (Citrus grandis L.) theo hướng sản xuất hàng hoá” giúp bảo tồn giống bưởi đỏ quý hiếm của thôn Đông Cao, đồng thời khai thác bán giống tuân thủ theo quy định, có tem truy xuất nguồn gốc rõ ràng và đảm bảo chất lượng.

Mới đây, hợp tác xã đã sử dụng phân bón hữu cơ, cây cho ra quả bưởi ngọt và dày múi hơn rất nhiều. Theo đó, trước khi trồng bưởi giống, người trồng phải xử lý kỹ đất trồng, luống phải đảm bảo độ cao tiêu chuẩn và khoảng cách gieo trồng. Mỗi năm, Hợp tác xã bưởi đỏ Đông Cao xuất bán từ 3.000 – 4.000 cây giống, với giá thành 60.000/cây giống. Tỉ lệ trồng sống lên đến 90%,

Vài năm gần đây, bưởi đỏ Đông Cao được đông đảo người dân biết đến nhiều hơn qua các kênh thông tin truyền thông, nhờ đó thương hiệu bưởi đỏ Đông Cao dần được khẳng định vị thế trên thị trường, mỗi năm mang về doanh thu gần 2 tỷ đồng – ông Phương hào hứng thông tin.

Chia sẻ về hiệu quả kinh tế mang lại từ bưởi đỏ Đông Cao, ông Đàm Văn Thìn – Phó Chủ tịch UBND xã Tráng Việt cho biết, xã Tráng Việt hiện có khoảng 40 hộ trồng bưởi đỏ với khoảng 2.000 cây đã cho thu hoạch, nhưng tập trung chủ yếu ở thôn Đông Cao. Mỗi năm, có khoảng 30.000 quả bưởi xuất ra thị trường được gắn tem truy xuất nguồn gốc. Hợp tác xã bưởi đỏ Đông Cao được Trung tâm Phân tích và Chứng nhận chất lượng sản phẩm nông nghiệp Hà Nội (Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thành phố Hà Nội) đánh giá và cấp chứng nhận phù hợp quy trình thực hành sản xuất nông nghiệp tốt VietGAP từ năm 2019. Năm 2020, bưởi do Hợp tác xã bưởi đỏ Đông Cao cung ứng được công nhận đạt tiêu chuẩn OCOP 4 sao.

Tuy nhiên, theo nhìn nhận của Phó Chủ tịch UBND xã Tráng Việt, bên cạnh những thuận lợi về kinh tế thì việc mở rộng diện tích trồng bưởi của thôn Đông Cao vẫn đang gặp phải nhiều khó khăn. Ngoài ra, Hợp tác xã bưởi đỏ Đông Cao hiện nay vẫn đang thiếu kênh tiêu thụ liên kết bền vững, chủ yếu là thương lái đến tận vườn thu mua và bán lẻ tại vườn. Để gìn giữ, phát triển mô hình trồng, chúng tôi cũng vẫn đang hỗ trợ và cùng hợp tác xã nỗ lực tìm kiếm thị trường ổn định, mong muốn có cơ hội đưa sản phẩm bưởi đỏ Đông Cao vào các chuỗi siêu thị lớn trên cả nước và thị trường quốc tế.

z4810056340684_cd71e04074bb62032f7b05e2d9b91bb4
Bưởi đỏ Đông Cao tham gia “Sản phẩm nông nghiệp làng nghề Hà Nội lần thứ 2 năm 2022.

Về phần mình, ông Phương tâm huyết: tôi rất mong, thương hiệu buởi đỏ Đông Cao sẽ được biết đến rộng rãi nhiều hơn nữa. Chúng tôi cũng tham gia nhiều hội chợ hàng nông sản Việt do huyện Mê Linh và thành phố Hà Nội tổ chức với mong muốn, có thể ký được các hợp đồng với đối tác lớn để sản phẩm bưởi đỏ Đông Cao được bày bán ở khắp các siêu thị trên toàn quốc cũng như xuất khẩu ra thị trường quốc tế.

Hiện nay, thị trường tiêu thụ bưởi đỏ Đông Cao đang có các mức giá khác nhau. Vào dịp Tết, giá giao động từ 80.000 đồng đến 100.000 đồng/quả. Với những quả bưởi tạo hình tài lộc có thể lên tới 300.000 – 500.000 đồng/quả. Còn vào dịp Trung thu giá thành giảm hơn khoảng 20.000 đồng – 25.000 đồng/quả.

Mặc dù, bán vào dịp Tết giá thành cao hơn, tuy nhiên, các hộ dân ở đây chỉ dành một ít để bán vụ Tết còn lại vẫn ưu tiên bán bưởi ăn vào dịp Trung thu để có thêm chi phí phục vụ tiếp các vụ sau, đồng thời để cho cây khỏe, tiếp tục sinh trưởng cho vụ kế tiếp – ông Phương nói.

Với giá trị kinh tế cao, bưởi đỏ Đông Cao đã trở thành một trong những “báu vật” của huyện Mê Linh, Hà Nội. Nhiều hộ dân nơi đây cũng nhờ đó mà vươn lên thoát nghèo, thậm chí khá giả lên. Là người gắn bó nhiều năm, việc gìn giữ và góp phần phát triển thương hiệu bưởi đỏ Đông Cao luôn là bài toán trăn trở của người đàn ông này. “Chúng tôi mong rằng, sẽ nhận được sự quan tâm nhiều hơn nữa từ các các cấp chính quyền, để bưởi đỏ Đông Cao xứng danh là sản vật trời ban”. Ông Lương Văn Phương – Giám đốc Hợp tác xã Bưởi đỏ Đông Cao gửi gắm.