Gần 10 năm nay, nhiều hộ dân tại thôn Thanh Châu (thị trấn Thạch Hà, huyện Thạch Hà, tỉnh Hà Tĩnh) đã trồng cây sen trên vùng đầm lầy bị bỏ hoang. Việc này mang lại cho người dân thu nhập gấp 2 – 3 lần so với trồng lúa. Mỗi vụ sen mang về cho người dân trên 50 triệu đồng/ha.
Đầu tháng 7, người dân thôn Thanh Châu, thị trấn Thạch Hà (Thạch Hà, Hà Tĩnh), bận rộn với công việc thu hoạch hạt sen để đem bán. Cánh đồng sen xanh ngát này trước đây từng là một vùng đồng ruộng bùn sâu quá đầu gối, sình lầy, mỗi năm chỉ làm được một vụ lúa nhưng năng suất bấp bênh.
Công sức đầu tư, chăm bón bỏ ra nhiều mà thu lại chẳng bao nhiêu, người dân đành bỏ hoang, cỏ dại mọc um tùm. Lúc đầu, một số hộ dân đưa cây sen về trồng để làm cảnh. Khi cây sen phát triển lan rộng, người dân hái hạt đi bán. Thấy nhu cầu về hạt sen ngày càng lớn và mang lại thu nhập tốt, người dân thôn Thanh Châu đã tiến hành trồng cây sen trên diện rộng. Đến nay, diện tích trồng sen tại đây lên tới gần 8 ha.
Chị Lê Thị Thỏa, thôn Thanh Châu cho biết, gia đình chị trồng 6 sào sen. Từ đầu mùa đến nay, chị thu hoạch được 1,4 tạ hạt. Năm ngoái, do ảnh hưởng của dịch Covid – 19, hạt sen khó bán, giá cũng rẻ. Năm nay, lượng người mua nhiều hơn, giá cao hơn, 1 kg hạt sen có giá 45 – 50 nghìn đồng, chủ yếu chị bán qua mạng.
Tương tự, chị Nguyễn Thị Đức, người dân thôn Thanh Châu, cũng thu hoạch khá từ sen. Gia đình chị chỉ trồng một sào.
“Năm nay, vụ thu hoạch sen đến muộn hơn so với năm trước. Cứ 2 ngày, tôi đi hái đài sen một lần, về bóc hạt. Nếu có ai đến mua hoặc đặt trước, tôi giao cho họ. Nếu không, tôi đến nhập cho mối thu mua hạt sen trong thôn”, chị Đức chia sẻ.
Sau vụ thu hoạch, khi trời còn chớm lạnh, sen tàn, người dân thôn Thanh Châu lại dùng máy cày để làm đất, diệt trừ cỏ dại, bón phân để bắt đầu vụ sen mới. Một số người để sen tự mọc, nhưng cũng có người sẽ cấy để sen nhanh phát triển hơn.
Anh Lê Phi Quốc là một trong những người đầu tiên ở thôn Thanh Châu trồng sen ở đầm lầy. Gia đình anh cũng trồng sen nhiều và lâu năm. Anh cho hay, lúc đầu thấy sen mọc hoang ở một số ao hồ trong làng, anh đưa về trồng cho đẹp. Nhưng càng ngày, sen càng phát triển và thu hoạch hạt sen bán được giá, có thu nhập nên lúc đó, anh cùng người dân khác mới chú trọng công tác chăm sóc để làm kinh tế.
“Tôi trồng sen cũng gần chục năm rồi. Giờ cứ đến mùa, các mối ở Vinh (Nghệ An) đặt hàng. Họ tự đến lấy hoặc chúng tôi gửi xe khách cho họ”, anh Quốc thông tin.
Việc thu hoạch sen được tiến hành khi sen ra hoa được khoảng một tháng. Cứ 2 ngày, người dân hái sen một lần. Sau mỗi buổi đi hái đài sen, buổi trưa hoặc buổi tối, từng nhóm người trong làng hỗ trợ nhau tách hạt sen từ đài ra.
Mỗi hộ có thể tiêu thụ hạt sen theo nhiều cách. Một số người bán buôn, người khác lại bán lẻ qua kênh online hoặc đưa ra chợ bán. Hiện tại, giá hạt sen tươi dao động từ 30.000 – 50.000 đồng/kg tùy chất lượng.
Theo đánh giá của người trồng sen, năm nay, sen đài to, chắc hạt hơn các năm trước. Hiện nay, tại thôn Thanh Châu, hộ trồng ít thì vài thước, hộ trồng nhiều lên đến 1,5 ha. Toàn thôn có gần 40 hộ tham gia trồng sen. Một vùng đầm lầy rộng lớn được trồng bạt ngàn cây sen. Để phân biệt ranh giới ruộng của mỗi gia đình, người dân cắm những chiếc cọc hoặc chăng dây.
Theo nhiều hộ dân, sau nhiều năm trồng sen, họ chỉ cần nhìn vào cuống sen sẽ biết đài sen đó đã hái được hay chưa. Công việc hái sen không hề dễ dàng. Người dân mệt do phải lội bùn. Đổi lại, họ giữ tâm thái vui vẻ vì công việc mang lại kinh tế cho gia đình. Thời gian gần đây, cánh đồng sen của người dân thôn Thanh Châu còn thu hút nhiều người đến chiêm ngưỡng.
Ông Nguyễn Đình Đức – Phó Chủ tịch UBND thị trấn Thạch Hà cho biết: “trước đây, người dân trồng sen chỉ là tự phát và để làm cảnh cho đẹp. Sau đó, thấy cây sen mang lại thu nhập, họ phát triển diện tích và nhiều người trồng sen hơn. Hiệu quả từ cây sen cao hơn nhiều lần so với cây lúa, mỗi ha thu về hơn 50 triệu đồng/vụ. Hiện nay, trên địa bàn vẫn còn khá nhiều diện tích trũng thấp, bỏ hoang. Chúng tôi đang khuyến khích người dân trồng sen để mang lại thu nhập cho gia đình”.