Ở các tỉnh miền núi phía Bắc như Yên Bái, Lào Cai, Sơn La… măng sặt vẫn thường được người dân ưu ái gọi với cái tên “vị của núi rừng”. Sau những cơn mưa rừng, khi nắng ấm xuất hiện cũng là lúc măng sặt đụa nhau chồi lên tua tủa. Nếu có cơ hội được trải nghiệm leo rừng, tự tay đào từng cây măng sặt ra khỏi mặt đất, chắc chắn sẽ khó lòng quên được.
Những ngày đầu tháng tư, trong dịp lên Lào Cai, tôi đã thấy rất nhiều người dân tộc thiểu số ngồi hai bên đường cùng những bó măng sặt. Những chuyến xe chạy về xuôi liên tục dừng lại, mang theo những bó măng về thành phố. Tôi đã từng ăn loại măng đặc biệt này vài lần trước đây, nhưng lần này tôi nhất định phải tự tay hái nó.
Theo chân một người bạn quen, tôi chuẩn bị đồ đạc lên rừng. Sau mùa mưa, đất rừng còn khá ẩm, tôi phải mang theo một đôi ủng vừa để dễ di chuyển, vừa để tránh vắt, không quên cầm theo một con dao sắc nhọn và một chiếc gùi trên lưng. Để đi đến vùng măng sặt phát triển dày nhất, chúng tôi phải leo gần một tiếng đường rừng.
Sau mùa mưa, măng sặt phát triển nhanh nhất.
Dường như đã quá quen với việc leo rừng nên Triệu Thị Lý, bạn của tôi không hề tỏ ra mệt mỏi. Lý vẫn hồ hởi kể cho tôi nghe đủ thứ chuyện, khi nói đến măng sặt, Lý nhấn mạnh: “Chừng tháng 3, tháng 4 hàng năm là măng sặt đến mùa ăn được. Mà mùa ấy, sau mỗi trận mưa rừng, nó phát triển nhanh, mọc thành từng cụm dày. So với các loại măng khác, măng sặt nhỏ hơn rất nhiều, chỉ bằng ngón tay cái, nhưng khi ăn lại có mùi vị rất riêng biệt.”
Một con dao sắc nhọn để lấy măng ra khỏi mặt đất.
Theo chân của Lý, tôi đã đến được nơi mà măng sặt mọc dày nhất. Những ngọn măng trồi hẳn lên mặt đất sẽ được đào lên bằng con dao sắc nhọn chúng tôi mang theo. Nhưng Lý bảo, những ngọn măng chỉ để lộ đầu nhọn lên mặt đất sẽ ngon hơn rất nhiều. Tuy nhiên, việc lấy được những cây măng này đòi hỏi phải khéo léo hơn. Vẫn con dao sắc nhọn ấy, nhưng chúng tôi sẽ phải đào phần đất xung quanh cây măng thật sâu, đảm bảo không đâm vào thịt măng để có thể lấy được cả phần thân măng còn nằm sâu trong đất.
“Mùa này, người dân quanh đây đều mang gùi lên rừng hái măng. Măng vừa là thức ăn ngon, vừa mang lại kinh tế cho người dân khu vực, nhưng mùa măng lại rất ngắn, chỉ kéo dài khoảng 2 tháng. Để lấy được măng ngon, chúng tôi cũng phải chọn những cây măng còn đủ độ non, nếu để lâu, nó sẽ có màu xanh và mất đi vị ngọt.” – Lý tiếp tục kể.
Măng sặt là món ăn yêu thích của người dân Tây Bắc.
May mắn được đi lấy măng đúng mùa, nên tôi nhanh chóng lấy đầy chiếc gùi của mình. Với những cây măng tự tay thu được, tôi có thể chế biến ra đủ món ngon. Măng sặt vốn là “thứ rau rừng” quen thuộc của người dân Tây Bắc, làm thành đủ món như măng xào, măng luộc chấm muối vừng, măng muối chua hoặc om xương… Nhưng dù làm thành món nào, măng sặt vẫn giữ được vị ngọt thanh và giàu dinh dưỡng.
Nhìn những cây măng non mơn mởn được chất đầy chiếc gùi trên vai, tôi quên luôn cảm giác mệt mỏi leo rừng ban đầu. Cho đến khi lên xe khách trở về Hà Nội, tôi vẫn không thể quên được buổi hái măng thú vị ấy và mùi vị măng sặt dường như vẫn còn ngọt nơi cổ họng. Mùa măng sau và sau nữa, nếu có cơ hội, tôi nhất định sẽ quay lại Tây Bắc này, tiếp tục đi tìm vị núi rừng.