Lý do Hà Nội phải chịu đợt nắng nóng đặc biệt gay gắt, phá kỷ lục 40 năm?

3 ngày liên tiếp, nhiệt độ tại thủ đô Hà Nội và các tỉnh miền Bắc liên tiếp phá kỷ lục. Theo lý giải của các chuyên gia khí tượng, nguyên nhân gây lên đợt thời tiết nắng nóng này là do hiệu ứng gió phơn.

Do hậu quả tác động của gió phơn (nguồn gốc của gió Lào)


Chảo lửa Hà Nội ngày nắng kinh hoàng

Chảo lửa Hà Nội ngày nắng kinh hoàng

Điều đặc biệt, trong hầu hết các đợt nắng nóng, các tỉnh Tây Bắc Bộ hay Bắc Trung Bộ mới là "chảo lửa" thì lần này, thủ đô Hà Nội và các tỉnh Bắc Bộ là những nơi nóng nhất.

Ông Lê Thanh Hải, Phó TGĐ Trung tâm Khí tượng thủy văn quốc gia giải thích trên Vietnamnet, những lần trước, chủ yếu là áp thấp nóng phía Tây, nên trọng tâm nắng nóng thường đổ về các tỉnh Điện Biên, Sơn La và các huyện Tương Dương, Quỳ Hợp, Con Cuông (Nghệ An).

Lần này sở dĩ có sự "bất thường" do một vùng áp thấp nóng hình thành ngay trên Bắc Bộ, tạo ra nắng nóng gay gắt. "Trong đợt này, Hà Đông là điểm nóng nhất. Nhiệt độ quan trắc được lên tới 42 độ là vô tiền khoáng hậu", ông Hải nhận định.

Phân tích thêm về nguyên nhân xuất hiện đợt nắng này, các chuyên gia thời tiết cho rằng, đợt nắng nóng lần này là do áp thấp phía tây phát triển cùng với gió tây nam mạnh ở rìa phía nam của vùng áp thấp này trải dài trên khu vực Bắc Bộ và Trung Bộ nước ta.

Gió tây nam mạnh lại kết hợp với địa hình núi của hai dãy núi Hoàng Liên Sơn ở Bắc Bộ và Trường Sơn ở Trung Bộ tạo ra mây và nhiệt độ không quá cao ở sườn phía tây (sườn đón gió) và hiệu ứng phơn gây ra thời tiết ít mây, khô hanh, nắng nóng ở sườn phía đông (sườn khuất gió) của hai dãy núi nêu trên. Đây là loại hình thời tiết rất phổ biến ở Bắc Bộ và Trung Bộ nước ta trong các tháng mùa hè.

Còn theo lý giải của các chuyên gia khí tượng về hiện tượng gió phơn: Trong ngành khí tượng, có hiện tượng gió vượt qua đèo/núi được gọi là gió "phơn" (foehn). Gió ẩm, sau khi vượt qua một chướng ngại vật cao (đèo/núi) bị biến đổi tính chất, trở nên khô nóng hơn, gọi là gió “phơn”.

Từ chân núi, gió thổi lên đèo/núi, không khí sẽ bị lạnh dần đi (cứ cao lên 100m thì nhiệt độ không khí giảm đi khoảng 0,6 độ C) và ngưng kết, có thể tạo thành mưa. Trong quá trình ngưng kết, khối khí sẽ thu thêm nhiệt do ngưng kết tỏa ra.

Gió sau khi vượt qua đỉnh đèo/núi, không khí sẽ bị nén đoạn nhiệt. Vì vậy, qua phía sau chân núi, gió sẽ khô, nóng hơn do quá trình ngưng kết phía trước núi đã thu thêm nhiệt và quá trình không khí xuống núi bị nén đoạn nhiệt. Mặt khác, độ ẩm xuống rất thấp do đã trút ẩm (gây mưa) phía trước đèo\núi.

Đèo\núi càng cao thì chênh lệch nhiệt độ/độ ẩm của hai bên càng lớn. Hiệu ứng chênh lệch nhiệt độ, độ ẩm của 2 bên đèo/núi được gọi là hiệu ứng phơn.

Do hiệu ứng đô thị


Phố đi bộ hồ Gươm vắng hoe như sáng mùng 1 Tết

Phố đi bộ hồ Gươm vắng hoe như sáng mùng 1 Tết

Tuy nhiên theo các chuyên gia khí tượng, khi so sánh nhiệt độ phải có sự đồng nhất về môi trường. Tại trạm Hà Đông cách đây 20 năm là giữa cánh đồng, giờ xung quanh toàn nhà cao tầng nên nhiệt độ sẽ cao hơn do hiệu ứng đô thị.

Ngay ở Hà Nội, nếu so nội thành với các vùng ven, ngoại ô cũng đã có thể chênh lệch từ 0,5-1 độ C do trong thành phố nhiều nhà bê tông, mặt đường nhựa, ít cây xanh.

GS.TSKH Phạm Ngọc Đăng, Phó chủ tịch Hội Bảo vệ thiên nhiên và môi trường Việt Nam cũng cho rằng sở dĩ nội thành nóng gay gắt hơn do quá trình bê tông hóa, chặt cây làm giảm màu xanh của đô thị.

"Việc xây các nhà cao tầng và sử dụng điều hòa không khí tỏa nhiệt ra xung quanh nên lưu thông không khí rất kém, đây cũng là một trong những nguồn làm nhiệt độ không khí ngày càng tăng", GS Đăng phân tích.

Để giải quyết môi trường khí hậu đô thị, theo GS Đăng, quan trọng nhất vẫn là việc tăng cường diện tích cây xanh, màu xanh và tăng diện tích mặt nước.

Theo Gia đình & Xã hội