Lợi nhuận tốt, khó ngăn tôm vào vùng ngọt hóa

Nhiều năm qua, tại một số vùng ngọt hóa của khu vực ĐBSCL mặc dù chỉ được quy hoạch nuôi thủy sản nước ngọt, vậy nhưng, không ít hộ dân bất chấp khuyến cáo, lấy nước mặn nuôi tôm nước lợ. Cái lợi trước mắt lớn, thế nhưng, hậu quả lâu dài cũng được cảnh báo không hề nhẹ.

Tranh chấp và chấp nhận

Những năm cuối của thế kỷ 20, ở ĐBSCL, con tôm và cây lúa đã liên tục diễn ra những “xung đột”. Nguyên nhân bởi lợi nhuận từ con tôm quá hấp dẫn, theo tính toán là 3 công tôm lãi bằng 100 công lúa đã khiến nhiều nông dân tự ý dẫn nước mặn vào vùng quy hoạch trồng lúa để nuôi tôm. Mới đầu là một hộ, rồi lan dần ra khắp cánh đồng, những người muốn giữ lúa cũng đành bất lực.

Một hộ nuôi tôm ở huyện Thới Bình, tỉnh Cà Mau cho biết, lúc đầu một vài hộ có đất giáp ranh tự ý dẫn nước mặn vào ruộng để nuôi tôm. Họ nuôi sát bên mình, cản không được, khiếu nại không xong. Dần dần tôi cũng phải nuôi theo vì không thể cấy lúa.

Trước làn sóng tự phát của người dân, chính quyền cũng ra sức cảnh báo nhưng bất thành, một số địa phương đành chấp thuận chuyển nhiều vùng trồng lúa sang nuôi tôm. Thời gian đầu, con tôm đem bạc về cho người dân, nhiều hộ giàu lên trông thấy, nông thôn khởi sắc. Vậy nhưng, một thời gian sau, nhiều người nuôi tôm “bạc mặt” vì lĩnh hậu quả của việc phá vỡ quy hoạch, tôm chết triền miên, nông dân nợ nần chồng chất.

“Giữa cái khó ló cái khôn”, nuôi tôm thẻ thất bại triền miên, những người nông dân phá lúa giờ dùng cây lúa để hồi sinh đất đai. Thay vì nuôi tôm cả năm, họ luân canh một vụ tôm một vụ lúa, hiệu quả cả hai mùa vụ, và thế là tôm – lúa hỗ trợ nhau cùng sống. Những chất thải hữu cơ dưới đáy ao sau khi thu hoạch tôm sẽ làm cho ruộng lúa màu mỡ. Ngược lại, nuôi tôm sau vụ lúa thì nền đáy ao đã được khoáng hóa, nên các chất độc hại giảm, hạn chế tình trạng vùng nuôi tôm bị lão hóa do đất bị ngập mặn lâu, đồng thời cắt mầm bệnh trong ao nuôi, hạn chế chi phí sản xuất, lợi nhuận tăng cao.

Những năm gần đây, thị trường thế giới rộng mở với con tôm Việt, nhiều Hiệp định thương mại tự do được đàm phán và ký kết đã mở toang cánh cửa phát triển cho con tôm. Ngành nông nghiệp đưa ra những chỉ tiêu ngày càng lớn cho con tôm cả trong sản xuất và xuất khẩu. Để hoàn thành được những mục tiêu này, các địa phương đã tích cực vào cuộc, hỗ trợ nông dân và doanh nghiệp đầu tư sản xuất. Những mô hình nuôi tôm thâm canh, siêu thâm canh mọc lên ngày một nhiều, con tôm đã trở thành “át chủ bài” tại nhiều địa phương.

Sự hấp dẫn của con tôm đã khiến cho nhiều nông dân tại những vùng không được phép nuôi cũng vào cuộc. Họ sẵn sàng phá vỡ quy hoạch vùng nuôi để đưa con tôm vào vùng ngọt hóa, bất chấp cảnh báo của nhà quản lý hoặc có thể họ hy vọng chính quyền địa phương và ngành nông nghiệp lại thêm một lần chấp nhận “sự đã rồi”.

Năm 2017, người dân một số vùng ngọt hóa ở ĐBSCL rải muối để nuôi tôm thẻ chân trắng. Do được thương lái mua gom nhiệt tình, diện tích được dân rải muối nuôi tôm đã lên đến cả trăm hecta, điển hình là ở Đồng Tháp.

Một hộ nuôi tôm ở xã Phú Thành B, huyện Tam Nông, Đồng Tháp, cho biết cá tra giá bấp bênh, tôm càng xanh lãi thấp. Người nuôi tôm nước lợ quá trời trúng, nên họ đã chuyển qua nuôi. Thiếu muối thì đem muối tuôn xuống…

Thời điểm đó, thống kê của Sở NN&PTNT Đồng Tháp cho thấy, toàn tỉnh có 176 ha nuôi tôm thẻ chân trắng ở các huyện Tam Nông, Cao Lãnh và thị xã Hồng Ngự. Diện tích nuôi tập trung chủ yếu ở huyện Tam Nông với 165 ha. Hay tại tỉnh Long An, hiện nhiều hộ dân ở xã Tân Lập, huyện Mộc Hóa cũng đã “biến” nước ngọt thành nước mặn và đào ao nuôi tôm thẻ chân trắng không theo bất cứ quy hoạch nào.

Ảnh: Phan Thanh Cường

Chính quyền ủng hộ?

Huyện Mộc Hóa chỉ quy hoạch vùng nuôi thủy sản nước ngọt. Thế nhưng, vài năm gần đây, người dân trên địa bàn xã Tân Lập đã tự đào ao nuôi tôm thẻ chân trắng với diện tích trên 15 ha. Thực tế, người dân nuôi tôm bước đầu có siêu lợi nhuận. Trung bình 1 ha, sau 3 tháng nuôi thu được 36 – 37 tấn tôm, lãi trên 2 tỷ đồng. Theo ghi nhận của xã này thì người nuôi chưa có vụ nào lỗ, ngược lại, lợi nhuận gấp mấy chục lần so với trồng lúa. Bởi hiện nay, trồng lúa lợi nhuận không cao, chỉ khoảng 20 – 25 triệu đồng/năm/ha. Trong khi một vụ nuôi tôm bằng nhiều năm làm lúa. Vậy nên người này nối tiếp người kia, cả xã trong vùng ngọt hóa đã hình thành vùng nuôi tôm nước lợ khá lớn.

Do đặc thù là vùng nước ngọt, để có độ mặn nuôi tôm, nhiều hộ dân đã tự ý khoan giếng với độ sâu hơn 30 m và pha thêm muối xuống ao để tăng độ mặn. Tính đến cuối năm 2019, cả xã Tân Lập đã có 21 giếng khoan.

Theo đánh giá của các nhà chuyên môn, việc đào giếng vô tội vạ lấy nước cho các ao tôm cũng khiến mạch nước ngầm cạn kiệt. Điều này khiến tình trạng nước nhiễm mặn, phèn ở địa phương thời gian dài sẽ ngày một trầm trọng. Hơn nữa, việc người dân tự phát đào ao nuôi tôm nước lợ tiềm ẩn rất nhiều rủi ro. Điều có thể nhận thấy đầu tiên là nhiễm mặn. Bởi qua khảo sát, đa phần các ao nuôi tôm này hiện vẫn chưa có hệ thống xử lý nước thải cho từng cụm, vùng mà thải trực tiếp ra sông hoặc môi trường sống, về lâu dài nguy cơ làm cho nước mặn và chất thải thấm sâu vào đất, nguồn nước. Xa hơn, nước nuôi tôm khi thải ra môi trường sẽ phá vỡ hệ sinh thái nước ngọt ở đây.

Thế nhưng, theo ông Lê Văn Phân, Chủ tịch UBND xã Tân Lập thì “rất khó xử lý để ngăn chặn người dân nuôi tôm”. Bởi so sánh trên cùng diện tích giữa nuôi tôm với trồng lúa và cây trồng khác thì nuôi 1 vụ tôm lợi nhuận cao hơn so với 10 năm trồng lúa. Do vậy, hiện tại, chính quyền khuyến cáo, lập biên bản nhắc nhở người dân chứ cũng chưa dùng biện pháp mạnh được…

Dù vẫn biết, người nông dân họ lo trước tiên cho “lợi ích gia đình”, thế nhưng, không phải vì thế mà làm ngơ trước những việc làm sai quy hoạch như vậy. Nếu vẫn dung túng và chấp nhận như một sự đã rồi thì rất khó để ngăn chặn những vụ việc tương tự và xa hơn, trong thời gian không lâu nữa cả vùng có thể sẽ phải gánh hậu quả.