Mưa lụt gây khó khăn cho vùng trồng màu ở Nghệ An

Dù đã có nhiều nỗ lực đầu tư, sửa chữa cả từ phía Nhà nước và người dân, nhưng hệ thống tiêu úng vùng màu của Nghệ An vẫn còn nhiều bất cập. Nắng hạn làm giảm năng suất và chất lượng của cây trồng, nhưng mưa lụt thường gây mất trắng, do các công trình thủy lợi xuống cấp…

Khó chuyển đổi cây trồng giá trị cao

Đã được gieo thẳng từ hơn 2 tháng nay, nhưng 2 sào lúa thu đông trên cánh đồng Mồ Hiên của gia đình bà Trần Thị Nga, xóm 6 xã Nghi Thịnh, huyện Nghi Lộc vẫn đang thấp lè tè, phát triển còi cọc. Diện tích đất này, bà Nga trồng ngô, lạc vào vụ xuân nhưng thường xuyên bị ngập úng do lụt tiểu mãn, năng suất thường chỉ đạt mức 70- 80 kg/sào;“Sau khi thu hoạch vụ xuân, tôi chờ đến tháng 7 mới gieo lúa. Mùa này ngập úng thường xuyên, trồng lúa dù ngập cả tuần khi nước rút vẫn không sao chứ cây màu thì không chịu được. Vì vậy nên dù năng suất lúa cao nhất chỉ được trên dưới 1 tạ/sào nhưng vẫn phải chấp nhận trồng”, bà Nga cho biết. Xã Nghi Thịnh có 60 ha đất trồng lúa và 250 ha đất màu nhưng từ 4 năm nay, khi hệ thống tiêu úng của xã ngày càng bộc lộ nhiều bất cập, sản xuất nông nghiệp của người dân trên địa bàn cũng bị đảo lộn.

Kênh mương đất tại xã Nghi Thịnh, huyện Nghi Lộc. Ảnh: Phú Hương

Ông Lê Văn Phong – Phó Chủ tịch UBND xã cho biết: Cả xã có tới 180 ha đất màu phải chuyển sang trồng lúa ở vụ đông, giá trị sản xuất giảm hơn một nửa so với trồng màu, trong đó chuyển nhiều nhất là ở vụ hè thu và vụ đông. Kênh mương chủ yếu đang là kênh đất, tiêu thoát kém và thường xuyên bồi lắng.

Ngập úng diễn ra ở tất cả các vụ sản xuất, vào vụ xuân hay bị ngập do lụt tiểu mãn tháng 3, tháng 4; mùa tháng 8, tháng 9, thậm chí tháng 11, 12 cây trồng cũng không được an toàn. Chỉ cần mưa khoảng 200 mm là đã xảy ra ngập úng trên diện rộng, nhiều khi 5- 6 ngày nước mới rút hết, nên nhiều diện tích chỉ có thể gieo cấy lúa chịu ngập dù năng suất và hiệu quả rất thấp. Như vụ đông năm nay, kế hoạch xã chỉ trồng 150 ha lúa nhưng diện tích thực tế đã lên tới 180 ha.

Huyện Nghi Lộc có 13 xã vùng màu, vụ đông hàng năm toàn huyện gieo trồng khoảng 800 ha ngô, 2.000 ha rau, từ 300- 500 ha lạc, giá trị và hiệu quả kinh tế rất lớn. Thế nhưng, đây cũng là vụ sản xuất tiềm ẩn quá nhiều rủi ro.

Ông Đồng Thanh Bình – Phó phòng Nông nghiệp và PTNT huyện cho biết: Sản xuất vụ đông thường bị thiệt hại, có những năm mất trắng hoàn toàn vì mưa lụt. Năm 2013, Nghi Lộc có dự án tiêu thoát vùng màu trị giá gần 80 tỷ đồng nhưng chỉ thực hiện được giai đoạn 1 rồi dừng lại vì không có nguồn vốn, vì thế nên hệ thống tiêu thoát chưa đồng bộ; các tuyến kênh chính vùng màu như kênh Nhà Biên, kênh Nhà Na, kênh đông Nghi Phong, tây Nghi Phong… đều cơ bản đã được mở rộng, tuy nhiên chỉ khoảng 10% chiều dài kênh ở các vị trí xung yếu là đã được bê tông hóa, còn lại vẫn đang là kênh đất.

Trong khi đó, việc xây dựng một số khu công nghiệp, đô thị hóa đã làm ách tắc một số tuyến thoát, làm mất một số vùng “rốn chứa nước’ của huyện; kết hợp với vùng màu chủ yếu là đất cát pha, không ngấm nước nên chỉ cần mưa 150- 180 mm là đã xảy ra ngập úng kéo dài trên diện rộng.

Lạc đông tại Nam Lộc (Nam Đàn) trong đợt mưa lụt bão số 4. Ảnh: Thanh Phúc

Là địa phương phát triển khá mạnh về sản xuất cây màu và được đánh giá là đã đầu tư xây dựng khá hoàn chỉnh hệ thống tiêu thoát với 75 – 80% chiều dài đê được bê tông hóa và cứng hóa, thế nhưng trừ những xã nằm dọc QL1A, xa biển, địa hình cao hơn là có thể phát triển những loại cây màu có giá trị cao vào vụ đông, còn lại ở 5/8 xã vùng màu Bãi ngang của huyện Diễn Châu là Diễn Hải, Diễn Hùng, Diễn Trung, Diễn Bích, Diễn Vạn, cây  ngô vẫn là lựa chọn chủ yếu, dù hiệu quả chỉ bằng một phần so với trồng các loại rau màu.

Theo ông Lê Thế Hiếu – Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện, hệ thống tiêu thoát vùng màu ven biển đã được xây dựng nhưng chưa đáp ứng được yêu cầu tiêu thoát trước hết do đường mương, cống đê đã xuống cấp, nhiều tuyến kênh đang là kênh đất thường xuyên bồi lắng, trong khi biến đổi khí hậu những năm gần đây gây ra nhiều hiện tượng thời tiết cực đoan, mưa lớn và dồn dập nên không thể tiêu thoát kịp.

Hệ thống tiêu chưa đáp ứng được yêu cầu chuyển đổi cơ cấu cây trồng cũng như tác động của biến đổi khí hậu. Từ 5 năm trở lại đây, ở nhiều vùng chỉ cần một trận mưa 50 – 70 mm là đã ngập úng trên diện rộng, nhiều thời điểm 5- 7 ngày sau mưa nước mới rút hết. Bởi vậy, tại các vùng màu của Diễn Châu, cây ngô vẫn đang chiếm phần lớn trong cơ cấu cây trồng vụ đông, chỉ một số xã như Diễn Thành, Diễn Phong, Diễn Hồng, Diễn Thịnh là trồng được rau màu có giá trị cao hơn rất nhiều lần.

Tập trung nạo vét, tu bổ kênh mương

Vụ đông hàng năm, Nghệ An có gần 37.800 ha cây chủ lực như ngô, lạc, rau đậu các loại và nuôi thả trên 2.600 ha cá vụ 3. Trong đó, diện tích cây trồng ở các vùng màu chiếm diện tích lớn và có vai trò rất quan trọng trong nâng cao giá trị sản xuất vụ đông.Thế nhưng thực tế, đây cũng là vụ sản xuất tiềm ẩn nhiều rủi ro, cùng với diễn biến thời tiết bất lợi, thì hệ thống cơ sở hạ tầng là nguyên nhân quan trọng dẫn đến tình trạng này. Toàn tỉnh hiện có 800 km kênh tiêu phục vụ tiêu úng cho các vùng màu, trong đó mới chỉ có trên 200 km được kiên cố hóa, chủ yếu là hệ thống kênh chính, còn lại là kênh đất thường xuyên bồi lắng, khả năng tiêu thoát kém.

Đoàn Thanh niên xã Diễn Kỷ nạo vét kênh mương trước khi bước vào sản xuất vụ xuân. Ảnh: Tư liệu

Theo ông Nguyễn Trường Thành – Chi Cục trưởng Chi cục Thủy lợi, hệ thống kênh tiêu chưa được xây dựng, kiên cố hóa đồng bộ do nguồn vốn khó khăn. Ở hệ thống tiêu cuối kênh, các trục kênh chính cơ bản đã được đầu tư xây dựng, khả năng tiêu thoát tốt, nhưng hệ thống công trình kênh tiêu từ nội đồng ra kênh chính còn rất nhiều bất cập, bồi lắng, sạt lở, chưa kiên cố, sau một mùa nắng hạn, đến mùa lụt bão hầu hết đã bị bồi lấp nên khả năng tiêu thoát kém. Vào mùa mưa lụt, tình trạng cây trồng bị mất trắng, phải gieo trồng lại hoặc giảm năng suất thường xuyên xảy ra.

“Để đảm bảo tiêu úng cho cây trồng vụ đông, các địa phương và đơn vị quản lý công trình thủy lợi phải tập trung nạo vét, tu bổ kênh mương, đặc biệt là kênh mương tiêu úng cho vùng màu. Đẩy mạnh, phát huy hiệu quả phong trào Toàn dân ra quân làm thủy lợi, nạo vét, tu bổ, chỉnh trang đồng ruộng để tiêu úng cho cây vụ đông cũng như sửa chữa, tu bổ công trình sau thời gian chống chọi với mưa bão; phát huy nội lực cùng với các chính sách hỗ trợ để tập trung xử lý hệ thống kênh  tiêu từ nội đồng ra kênh chính”, ông Nguyễn Trường Thành khuyến cáo.

Diện tích rau màu của xã Hưng Đông (TP. Vinh) ngặp băng trong biển nước do mưa lụt. Ảnh Thanh Phúc

Bên cạnh đó, trong khi hệ thống tiêu úng đồng màu chưa đáp ứng yêu cầu, thì các giải pháp kỹ thuật trong trồng trọt như chuyển đổi cơ cấu cây trồng, xây dựng khung lịch thời vụ hợp lý cũng được coi là những giải pháp hiệu quả nhằm giảm thiểu thiệt hại do mưa lụt.