Lễ hội chọi trâu mang nặng tính thương mại

Thứ trưởng Bộ VH-TT&DL Trịnh Thị Thủy cho biết: “Lễ hội chọi trâu Đồ Sơn là di sản văn hóa phi vật thể quốc gia không phải chỉ ở phần chọi trâu mà ở giá trị tâm linh và phần lễ…"

Sau sự cố đáng tiếc trâu số 18 húc trọng thương chủ (sau đó tử vong) tại vòng loại Hội chọi trâu truyền thống Đồ Sơn 2017, Bộ VH-TT& DL và UBND TP Hải Phòng đã yêu cầu tạm dừng lễ hội chọi trâu truyền thống Đồ Sơn 2017 và xem xét lại cách thức tổ chức, nêu cao giá trị di sản văn hóa phi vật thể quốc gia chứ không chỉ đơn thuần là phần hội (chọi trâu) như hiện nay. Đây là động thái được đánh giá là hợp lý trong thời điểm hiện tại.  

Địa phương muốn tổ chức tiếp

Theo ông Hoàng Xuân Minh, Chủ tịch UBND quận Đồ Sơn, vòng loại lễ hội chọi trâu truyền thống Đồ Sơn năm 2017 diễn ra vào hồi 7h30 ngày 1/7/2017 (tức ngày 8/6 năm Đinh Dậu) gồm 16 trận thi đấu với 32 “ông trâu”.

Từ trận thứ nhất đến trận thứ 13 diễn ra đảm bảo an toàn tuyệt đối. Tuy nhiên, đến trận thi đấu thứ 14, trâu số 18 của ông Đinh Xuân Hướng (phường Vạn Hương) bất ngờ đuổi tấn công người dắt trâu làm ông Hướng bị thương. Bộ phận y tế của BTC ngay lập tức có mặt tiến hành sơ cứu và đưa ông Hướng đi cấp cứu. BTC đã chỉ đạo lực lượng nhốt trâu số 18 vào vị trí an toàn và tạm dừng các trận thi đấu còn lại. BTC cũng chủ động cung cấp thông tin cho báo chí để thông tin được đầy đủ, chính xác về sự việc.

tru165916851

Trâu số 18 húc chủ dẫn đến tử vong

Lãnh đạo UBND quận Đồ Sơn khẳng định, trong 28 năm tổ chức lễ hội chọi trâu, cũng như trong lịch sử lễ hội chọi trâu truyền thống của địa phương hàng trăm năm qua, chưa bao giờ xảy ra tai nạn dẫn đến chết người như vậy. Cho rằng đây là sự cố hy hữu và đáng tiếc, ông Hoàng Trung Hiếu, Phó Chủ tịch UBND quận Đồ Sơn, Trưởng BTC lễ hội chọi trâu truyền thống Đồ Sơn 2017 khẳng định: “BTC đã có quy chế chặt chẽ, có phương án đảm bảo an ninh, an toàn… Mong muốn của địa phương là tiếp tục được tổ chức vòng chung kết chọi trâu. Sau sự việc, BTC sẽ rút kinh nghiệm, kiểm tra sai sót, tăng cường chặt chẽ hơn về khâu mua trâu, huấn luyện, theo dõi trâu, nếu có biểu hiện gì bất bình thường phải triệt để cấm tham gia lễ hội”.

Ông Hiếu cũng nêu ra một loạt các giải pháp nhằm đảm bảo an ninh trong công tác tổ chức lễ hội như: Công tác chăm sóc trâu, huấn luyện phải để trâu làm quen với không khí đông đúc của lễ hội; tăng cường cơ sở vật chất, hàng rào kiên cố, không để trâu phá rào ra khu vực khán giả, BTC; huấn luyện đội bắt trâu tinh nhuệ; điều hành linh hoạt hơn, khi trâu có biểu hiện bất bình thường phải lập tức thoát ly ra khỏi rào bảo vệ.  

Yêu cầu tạm dừng

Sau 1 ngày diễn ra sự việc, Bộ VH-TT&DL đã có đoàn kiểm tra công tác tổ chức lễ hội chọi trâu truyền thống Đồ Sơn 2017. Theo ông Nông Quốc Thành, Phó Cục trưởng Cục Di sản văn hóa (Bộ VH-TT&DL) cho rằng lễ hội chọi trâu có giá trị tâm linh rất lớn, đã được hội đồng xét duyệt di sản phi vật thể quốc gia đã đưa vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Tuy nhiên, thời gian qua, việc tuyên truyền về giá trị tinh thần của lễ hội chưa tốt mà vẫn nhấn mạnh đến phần hội chọi trâu là chính. "Trong di sản, phần chọi trâu chỉ là một trong những hoạt động, vì vậy, phải tổ chức phần lễ thật tốt, tạo điều kiện cho du khách tham gia trong chuỗi hoạt động này để người nhân biết giá trị linh thiêng, sâu xa của lễ hội”.

troi-tru-do-son16591765

Chọi trâu mang tính thương mại nhiều hơn giá trị tinh thần

Thứ trưởng Bộ VH-TT&DL Trịnh Thị Thủy cho biết: “Lễ hội chọi trâu Đồ Sơn là di sản văn hóa phi vật thể quốc gia không phải chỉ ở phần chọi trâu mà ở giá trị tâm linh và phần lễ. Trong 28 năm qua, chúng ta đã đặt đúng vấn đề thông tin về giá trị tinh thần của lễ hội hay chưa? Phần quảng bá lễ hội tại địa phương vẫn chỉ chú ý ở phần chọi trâu, ít đề cập phần giá trị thiêng liêng, cốt lõi di sản. Vì vậy, Bộ VH-TT&DL đề nghị Sở VH-TT&DL Hải Phòng tham mưu cho UBND TP Hải Phòng và UBND quận Đồ Sơn có cách tổ chức khác, phù hợp hơn. Hiện tại, Bộ VH-TT&DL đề nghị tạm dừng tổ chức lễ hội chọi trâu truyền thống Đồ Sơn 2017”.

Quan điểm tạm dừng lễ hội chọi trâu truyền thống Đồ Sơn 2017 được nhà nghiên cứu văn hóa dân gian, GS Trần Lâm Biền ủng hộ. Theo GS Trần Lâm Biền, thời gian vừa qua, lễ hội chọi trâu đã bị bóp méo giá trị, mang tính thương mại nhiều hơn là giá trị tâm linh, tinh thần.

“Lễ hội chọi trâu truyền thống thật sự rất đẹp, giàu giá trị nhưng người thực hiện lễ hội ngày nay lại đang không hiểu về giá trị lễ hội, chỉ giữ lại tính hội (chọi trâu) chứ không giữ gìn phát huy giá trị tinh thần tốt đẹp. Phần chọi trâu chỉ thúc đẩy tính hiếu kỳ, núp bóng là tinh thần thượng võ, nhưng lại có hiện tượng lợi dụng, bóp méo văn hóa truyền thống, văn hóa lễ hội để kiếm tiền. Nếu hiểu giá trị lễ hội chọi trâu với tính thiêng liêng, ý nghĩa tốt đẹp của nó thì mới là văn hóa. Nếu không, chỉ là sự hiếu kỳ và tính tàn bạo, là sản phẩm vô văn hóa, lợi dụng truyền thống, làm méo mó bản sắc văn hóa dân tộc”, GS Biền khẳng định.

Vì vậy, theo GS Trần Lâm Biền, hiện nay, các cơ quan có thẩm quyền chưa đi sâu nghiên cứu vấn đề này. Vì vậy, tới khi có sự việc xảy ra trở nên lúng túng trong xử lý. Phải hiểu sâu sắc, cặn kẽ thì mới có cách quản lý đúng đắn, rõ ràng và hợp lý nhất. GS Biền đề nghị khôi phục giá trị tinh thần, phần lễ của lễ hội và trả lại lễ hội về đúng không gian văn hóa của nó.

Sau sự việc, UBND quận Đồ Sơn, UBND TP Hải Phòng cam kết, sẽ xem xét lại toàn bộ hệ thống văn bản để quản lý lễ hội được hoàn thiện hơn, xứng với tầm vóc, đáp ứng được sự quan tâm của xã hội đối với lễ hội chọi trâu.

“Lễ hội chọi trâu truyền thống thật sự rất đẹp, giàu giá trị nhưng người thực hiện lễ hội ngày nay lại đang không hiểu về giá trị lễ hội, chỉ giữ lại tính hội (chọi trâu) chứ không giữ gìn phát huy giá trị tinh thần tốt đẹp. Phần chọi trâu chỉ thúc đẩy tính hiếu kỳ, núp bóng là tinh thần thượng võ, nhưng lại có hiện tượng lợi dụng, bóp méo văn hóa truyền thống, văn hóa lễ hội để kiếm tiền. Nếu hiểu giá trị lễ hội chọi trâu với tính thiêng liêng, ý nghĩa tốt đẹp của nó thì mới là văn hóa. Nếu không, chỉ là sự hiếu kỳ và tính tàn bạo, là sản phẩm vô văn hóa, lợi dụng truyền thống, làm méo mó bản sắc văn hóa dân tộc”, GS Trần Lâm Biền khẳng định.

Theo Nông nghiệp