Khóm mất mùa vì nắng hạn

Đây là năm thứ hai liên tiếp, vùng trồng khóm (dứa) Đồng Dinh (huyện Phú Hòa, Phú Yên) rộng 500ha thất thu do giá hạ. Năm nay nắng hạn, khóm giảm năng suất kéo theo mất mùa năm sau vì cây khóm giống mất sức.

09-00-45_img_5195

Thương lái thu mua khóm

Ông Nguyễn Văn Tình ở xã Hòa Thắng đang thu hoạch khóm chia sẻ, tháng giêng thu lứa đầu, sau đó nắng quá lứa tiếp theo cây không đủ sức ra cần đơm trái. Ông trồng 2ha mới thu 30 triệu đồng. Đến cuối mùa thu mót chỉ được 80 triệu nữa.

Theo kinh nghiệm của nông dân trồng khóm, một năm cây khóm có 2 mùa chính ra trái tự nhiên thu hoạch vào tháng giêng và tháng năm (âm lịch). Để khóm ra trái rải vụ thu hoạch bán quanh năm thì dùng chất cặn gió đá (acetylen) pha với rượu rồi hòa nước tưới lên ngọn kích thích cho khóm ra nụ. Thường thì 1ha trồng 3 vạn cây, trong đó lựa khóm tốt “chế” cho ra 1 vạn trái, với giá hiện nay 8.000 đồng/trái, sau khi trừ chi phí đầu tư phân bón thì số tiền thu về trên 50 triệu.

Thế nhưng năm nay nắng hạn “chế” trái không đậu, nhiều người thất thu. Bà Trần Thị Linh, người trồng khóm cho hay: Từ lúc “chế” sau 1 tháng 10 ngày trên đọt nhú ra nụ màu hồng là khóm đậu trái, năm nay tôi “chế” lần hai nhưng nắng quá, khóm cũng không đậu.

Cũng theo bà Linh, khóm đầu vụ có nhiều cây tủ lại che nắng nên cây con đơm lên. Khi thu hoạch lứa đầu cắt dọn khóm mẹ còn khóm con gặp nắng không đủ sức ra trái. Cây nào “ráng” được thì ra trái nhỏ gọi là khóm đẹt, loại này bán giá rất thấp.

Hiện khóm Đồng Dinh thương lái mua phân loại: Khóm 1 mỗi trái khóm nặng 1kg trở lên là 80.000 đồng/chục “có đầu” (12 trái); sau đó hạ xuống đến khóm 6 là 60.000 đồng/chục, khóm 5 là 50.000 đồng/chục, thấp nhất là khóm 10 là 10.000 đồng/chục, tức là 1.000 đồng/trái, gọi là khóm đẹt. Mấy năm trước trời có mưa, khóm loại 1 trái lớn nặng 1,4kg, nay nắng hạn trái khóm nhỏ lại, trái lớn nhất chỉ 1,1kg, cùng với đó lứa khóm đẹt rất nhiều trong rẫy.

Những ngày này, sáng sớm bà con thu hoạch khóm. Sau khi treo những bao tải khóm vào dây cáp thả ròng rọc xuống chân rẫy rồi phân ra từng loại cho vào bao tải chở bán cho vựa. Vùng khóm Đồng Dinh chạy dọc theo con suối Cái, người trồng khóm chở ra 2 ngõ, một ngõ nằm ngay miệng suối Cái ra thị trấn Phú Hòa, còn một ngõ qua cánh xã Hòa Quang Bắc (huyện Phú Hòa).

Thị trấn Phú Hòa có 5 vựa thu mua khóm, xã Hòa Quang Bắc có 10 vựa. Trước đây, mỗi vựa thu 5 tấn khóm/ngày, nay nắng nóng khóm ít trái nên mỗi vựa thu 1,5 tấn khóm. Bà Bùi Thị Xinh, một vựa mua khóm cho hay: Mấy năm trước, một ngày chở xe tải 5 tấn  đi Khánh Hòa, Ninh Thuận…bán, nay khóm ít chỉ chở 1,5 tấn/ngày.

09-00-45_img_5116

Khóm Đồng Dinh năm nay mất mùa vì nắng hạn

Vùng khóm Đồng Dinh hình thành gần 20 năm. Trước đây, người dân ở xã Hòa Định Tây và thị trấn Phú Hòa đến Đồng Dinh để trồng rẫy bạch đàn, về sau phá rẫy bạch đàn đầu tư trồng khóm. Từ đó đến nay vùng khóm Đồng Dinh mở rộng gần 500ha trải dài qua 3 xã Hòa Định Tây, Hòa Quang Nam, Hòa Quang Bắc và thị trấn Phú Hòa. Quang vùng có gần 200 hộ dân chuyên trồng khóm, hộ trồng nhiều trên 10ha, còn lại đa số mỗi hộ trồng 7-8ha. Thời gian trồng khóm đã lâu, vùng này là đất rẫy triên (đất có độ dốc), mùa mưa bị rửa trôi nên đất trồng khóm xấu cộng với thời tiết nắng nóng dẫn đến vùng khóm “xuống sức”.

Ông Phan Hòa, người trồng khóm ở xã Hòa Định Tây phân trần: Thường trồng lứa khóm tơ thu hoạch mùa đầu, năm sau “ăn” đến khóm gốc, mỗi mùa cây “nhảy” ra 5-6 cây con quanh gốc, người trồng tách bỏ bớt chừa lại 3-4 cây con cho ra trái, cứ vậy tiếp tục “ăn” lứa khóm gốc ít nhất là 5 năm.

Thế nhưng hai năm nay, nắng hạn kéo dài, đất trồng khóm khô khốc kéo theo khóm bị bệnh nên cây mau xuống sức, thời gian “ăn” lứa khóm gốc chỉ còn 3 – 4 năm. Người trồng khóm phải bỏ tiền công đầu tư trồng mới.

“Không những thế, đối với cây khóm gặp thời tiết nắng hạn năm nay kéo theo mất mùa sang năm vì lứa khóm gốc năm nay bị nắng “đè” yếu sức, cây nhỏ không đủ sức ra trái. Chi phí càng ngày tăng cao. Trước đây trung bình 1ha khóm mỗi năm thu 200 triệu đồng thì chi phí gần 120 triệu đồng, nay do đất càng ngày càng xấu nên phân bón, công chăm sóc lên đến 150 triệu”, ông Hòa nói.